Thủ tướng: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Thông điệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại đến 3 lần trong hơn 5 giờ đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp cả nước ngày 29/4.

Cuộc đối thoại đầu tiên giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp cả nước kéo dài từ 8h đến gần 13h30, ghi nhận nhiều phát biểu tâm huyết, đóng góp giải pháp của giới kinh doanh cũng như sự tiếp thu của cơ quan quản lý.

Với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, tại hội nghị này, Thủ tướng đã trực tiếp gặp gỡ khoảng 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp dân doanh, 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 20 hiệp hội doanh nghiệp như AmCham, Eurocham, Phòng Thương mại Hàn Quốc...

Qua hội nghị, người đứng đầu Chính phủ muốn phát đi thông điệp "doanh nghiệp là động lực của phát triển kinh tế". Theo đó, Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng; đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.

thu-tuong-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị.

Cùng dự với Thủ tướng còn có 4 Phó thủ tướng: Trương Hoà Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng và Vũ Đức Đam.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nói trong xây dựng đất nước, đi đầu vẫn là đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam, những người tiên phong đó phải được lắng nghe được tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển còn nhiều rào cản, đã có nhiều chính sách ban hành nhưng rào cản còn lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Chính phủ muốn trực tiếp lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

"Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp", Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải tháo gỡ mọi rào cản, đặc biệt là chống tiêu cực, tham nhũng, tinh thần lớn nhất là không hình sự hoá các quan hệ hành chính và kinh tế.

Doanh nghiệp trải lòng cùng Thủ tướng

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI cho biết, gần đây số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động gia tăng. Qúy I có gần 80.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động. 42% doanh nghiệp hoạt động có lãi, còn 58% là thua lỗ, đây là điều không bình thường, cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao.

Việt Nam hiện đang hướng đến có hơn 2 triệu doanh nghiệp hoạt động đến năm 2020. Do đó, đề nghị rà soát ngay và quyết định loại bỏ những quy định rườm rà, lỗi thời. Nếu chúng ta nhận thức chậm trễ ngày nào là kìm hãm quyền tự do kinh doanh ngày đó.

Ông Lộc cũng cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp vay ngân hang với lãi suất 8% trong khi lạm phát chỉ hơn 1%, cho thấy các doanh nghiệp đang phải gánh mức lãi suất thực rất cao và bất hợp lý. Chính phủ phải cố gắng giảm 1-2% trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tiếp theo, Chính phủ cần đẩy mạnh giảm thuế và phí, miễn thuế môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ để bớt khó khăn cho họ hoạt động. Bởi vậy, thời gian tới Chính phủ cần giảm thu để nuôi dưỡng nguồn thu sau này.

Nếu có chiến lược và chính sách hợp lý thì Việt Nam sẽ có 1,5-2 triệu doanh nghiệp trước năm 2020.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng BIDV cho biết, đặt ra mục tiêu GDP tăng 6,5-7% trong 5 năm tới, trước hết Việt Nam phải tuân thủ Hiến pháp và tuân thủ thông lệ quốc tế, các FTA đã ký kết thì phải đáp ứng. Ông kiến nghị dưới luật thì chỉ nên có nghị định chứ không nên có thông tư. Chính thông tư này đã đẻ ra nhiều giấy phép con gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, Luật phá sản ban hành năm 2004 nhưng đến nay chỉ có 336 đơn vị được giải quyết phá sản là quá ít. Ông cũng cho rằng, trên thực tế, đăng ký thuế hải quan bằng điện tử là tốt nhưng trong triển khai thì cần phải xem lại, vì đâu đó vẫn còn phàn nàn của doanh nghiệp về vấn đề này. Ngoài ra, ông đề xuất nên phát triển nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân lớn để dẫn dắt nền kinh tế...

Chủ tịch BIDV cũng cho rằng, Chính phủ đã có chủ trương giảm chi tiêu công nên đề nghị giảm phát hành trái phiếu Chính phủ 10% (hiện hơn 85% trái phiếu chính phủ là do ngân hàng thương mại mua).

Về mặt bằng lãi suất, ông Hà cho rằng, hiện nay lãi suất cho vay đang tốt nhất trong nhiều năm qua. Nhưng BIDV cam kết ngay hôm nay sẽ tiết giảm lãi suất cho vay cả ngắn và trung dài hạn. Liên quan đến xử lý nợ xấu, ông Hà nói rằng chờ hơn 3 năm không có nghi định tạo lập thị trường mua bán nợ, đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo xử lý.

Ông Hà mong muốn nền kinh tế đất nước sẽ như một bản nhạc giao hưởng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, các bộ ngành, cơ quan Nhà nước là nhạc công và doanh nghiệp là ca sĩ để cùng tạo lập một bản nhạc bất hủ về kinh tế đất nước.

Đại diện Công ty Vinamilk, bà Mai Kiều Liên góp ý về thủ tục đăng ký kinh doanh nên mở nhiều phòng đăng ký vì hiện nay tại TP HCM mới có một phòng; nên giảm thủ tục đăng ký kinh doanh, các giấy phép con để đúng với Luật doanh nghiệp. Ngoài ra, hạn chế tình trạng ban hành các thông tư, quy định để đẻ ra giấy phép con; hạn chế sự chồng chéo giữa các cơ quan để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Về cơ chế chính sách, thông tư, nghị định nào phù hợp thi không nên thay đổi để tránh bất ổn và gây tăng chi phí. Tổng giám đốc Vinamilk đề nghị "xem doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý".

Đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết ngành dệt may đang đứng trước nhiều thách thức khi nhiều đơn vị phải đóng cửa. Ông đưa ra những kiến nghị như Chính phủ cần điều chỉnh lại quy hoạch ngành đến 2020 vì không còn phù hợp và đã lạc hậu. Đề nghị Bộ Công Thương quy hoạch các khu tập trung để xử lý nước thải; Bộ Tài nguyên và môi trường không nhất thiết phải áp dụng chung một chuẩn về môi trường, bởi có một số doanh nghiệp quy mô rất nhỏ với vài trăm lao động nhưng bắt buộc phải đầu tư một nhà máy xử lý nước thải hàng tỷ đồng là không hợp lý và gây khó khăn.

Lương và thưởng cũng là áp lực lớn với ngành, như Trung Quốc đã điều chỉnh bảo hiểm xã hội từ 20% xuống 19%, thì Việt Nam cũng cần xem xét hạ tỷ lệ bảo hiểm xuống tầm 18% để hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông cũng bày tỏ bất cập về khâu kiểm tra từ hải quan khi một miếng vải mẫu 5m chuyển từ nước ngoài về cũng phải kiểm theo Thông tư 37 hàng chục lần mới xong, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vị này cũng bày tỏ bức xúc thay cho doanh nghiệp khi một năm có hàng chục bộ ngành, cơ quan đến kiểm tra.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ - Amcham đề nghị một số nội dung: Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP; đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán; mong muốn sẽ được hợp tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghiệp, công nghiệp….

Về môi trường, đại diện Amcham mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long… Đồng thời mong muốn Chính phủ sẽ ưu tiên phát triển các hình thức sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả…

thu-tuong-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te-1

Thủ tướng trao đổi với đại diện doanh nghiệp trước giờ hội nghị. Ảnh: VGP

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện. Trong đó, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, nông nghiệp… đây là những lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm.

Ông đề nghị Chính phủ Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT, phần mềm,… đưa đào tạo kỹ năng CNTT vào chương trình giáo dục phổ thông, và doanh nghiệp Nhật mong muốn được hợp tác phát triển trong lĩnh vực này.

Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh với nhiều sản phẩm phong phú và sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu đẩy mạnh áp dụng công nghệ, mở rộng thị trường. Doanh nghiệp Nhật Bản sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển nông nghiệp.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cũng kiến nghị Nhà nước Việt Nam xem xét điều chỉnh một số quy định liên quan đến pháp luật về đầu tư, thời gian làm thêm giờ, quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng, quy định về thông quan, xin phép cấp giấy chứng nhận đầu tư... cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cam kết mạnh mẽ từ các Bộ

Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết phục vụ doanh nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu trong thời gian tới đây. Theo đó, Bộ sẽ ưu tiên bằng cách triển khai tích cực các hành động cụ thể nhằm tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện hơn nữa cho mọi thành phần kinh tế phát triển.

Trước hết Bộ tiếp tục rà soát, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệnh méo mó thị trường, đồng thời sẽ tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng…

Tiếp theo Bộ sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong triển khai thực thi những tư tưởng đổi mới rất mạnh mẽ thể hiện trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp; áp dụng triệt để, nhất quán tinh thần của Hiến pháp 2013 về tôn trọng  quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đảm báo thực hiện đúng quan điểm “người dân được tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”. Và cuối cùng là có giải pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa…

“Chúng tôi cũng cam kết giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp…”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thì thể hiện quyết tâm xoá bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Thời gian qua, Bộ thường xuyên mở các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và đã đẩy nhanh tiến độ rút ngắn thời gian nộp thuế, hải quan điện tử một cửa… cũng như đề xuất nhiều chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.. Trong quá trình thực hiện thì nhiều vướng mắc đã được giải quyết, nhưng cũng nhận nhiều ý kiến là luật của Việt Nam có tuổi thọ quá ngắn.

Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung nâng cao hiệu quả thị trường tài chính, bảo hiểm…, phấn đấu nằm trong top 50 nước đứng đầu về thị trường tài chính thế giới.

Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu phản ánh “thuế ăn 40,7% lợi nhuận doanh nghiệp” và có đề xuất đảm bảo mức nộp thuế của Việt Nam công bằng, bình đẳng, phù hợp các nước trong khu vực.

Ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, nền kinh tế. Điều này thể hiện qua mặt bằng lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại hối khá ổn định. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước mua vào lượng dự trữ ngoại tệ và có thể nói là đạt mức dự trữ cao nhất từ trước đến nay. Tín dụng đã tăng hơn 3% so với cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ông Hưng cũng thừa nhận là hiện có nhiều thách thức cần giải quyết. Như GDP quý I tăng chậm, nên để đạt mục tiêu tăng 6,7% như Quốc hội đề ra là khá thách thức. Mặt khác, việc kiểm soát lạm phát dưới 5% trong bối cảnh giá dầu liên tục xuống thấp là cực kỳ khó.

Trước bối cảnh đó, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước đề ra chính sách tiền tệ linh hoạt phù hợp với các chính sách vĩ mô khác. Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, hiện nay đã giảm mạnh và chỉ bằng 40% so với thời điểm 2011, nhưng công cụ điều hành lãi suất cũng phải dựa vào các chính sách vĩ mô và lạm phát nên Ngân hàng Nhà nước phải hết sức thận trọng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng quy mô lớn, trong đó yêu cầu tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Và BIDV đã tiên phong giảm lãi suất bình quân 0,3-0,5% và cam kết lãi suất trung dài hạn không vượt quá 10,5%. Các ngân hàng khác như Vietcombank, Công Thương cũng đưa ra cam kết sẽ giảm lãi suất. Sau ngày hôm nay, các ngân hàng sẽ lần lượt công bố chính sách giảm lãi suất này.

Ông Hưng cho biết, cơ quan này cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các biến động của kinh tế vĩ mô trên thị trường thế giới để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Hiện nay yêu cầu của nền kinh tế là vốn trung dài hạn nhưng nguồn vốn huy động của các nhà băng đa phần là ngắn hạn. Thời gian qua, nhiều ý kiến đề nghị xem xét Thông tư 36, nhưng chiếu theo thực tế thì buộc phải quy định như vậy để giảm thiểu rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống trước những biến đổi khó lường.

Tuy nhiên, trước nhiều kiến nghị thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và nghiên cứu thận trọng Thông tư này để có thể đưa ra lộ trình thực hiện phù hợp nhất và trình Thủ tướng phê duyệt.

Đại diện ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm thông thoáng, quyền tự do cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là sống còn. Bộ sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính công. Đồng thời, sẽ tham mưu với Chính phủ xây dựng các khung khổ chính sách mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.

thu-tuong-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te-2

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng cam kết, trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ đưa 52 dịch vụ hành chính công lên cấp độ 3-4 để người dân có thể dễ dàng đăng ký kinh doanh qua mạng.

Về hội nhập, trong năm 2016, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lại các chương trình giới thiệu, cung cấp thông tin để các doanh nhân, người dân có điều kiện nắm bắt kịp thời các cơ hội từ đó có chiến lược cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội việc hội nhập mang lại.

Về bán buôn, bán lẻ, Bộ trưởng cho hay Bộ Công Thương đang phối hợp với các Bộ xây dựng chiến lược bán lẻ. Chính phủ cũng ưu tiên, quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh chúng ta mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường.

Để phát triển thị trường ôtô, tới đây, Bộ sẽ có cơ chế phù hợp để phát triển thị trường nhiên liệu.

Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến kiến nghị của Hiệp hội Dệt May về những bất cập hiện hành trong kiểm tra mẫu vải và cam kết sẽ cùng Hiệp hội bàn cách tháo gỡ,...

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới sẽ chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cụ thể, sẽ tham mưu với Chính phủ bổ sung sửa đổi quy định pháp luật theo hướng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Trước hết là sửa điều kiện về an ninh trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định cụ thể hơn về điều kiện, thời điểm thẩm định, hình thức nộp hồ sơ.

Đồng thời tiếp tục cải cách hành chính trong quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; bảo đảm an ninh kinh tế, đẩy mạnh cung cấp thông tin cho doanh nghiệp khi lựa chọn đối tác đầu tư; tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế nhất là đối tượng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Bộ tập trung đấu tranh tội phạm hình sự gây mất an toàn kinh doanh. Bộ trưởng Công an khẳng định không có khái niệm và chủ trương hình sự hóa. Tuy nhiên, còn tình trạng một số cán bộ do thoái hóa biến hất, không nắm vững pháp luật, không thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ… nên có hành vi vi phạm pháp luật, để xảy ra oan sai, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và người dân.

Bộ trưởng đề nghị doanh nghiệp tiếp tục phát hiện, cung cấp thông tin để ngăn ngừa, xử lý kịp thời sai phạm của cán bộ, chiến sĩ.

Tiếp lời của Bộ trưởng Tô Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, doanh nghiệp hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh".

Cùng với các bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội, UBND TP HCM và VCCI đã tiên phong ký cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng và Bí thư Thành ủy TP HCM.

Hai thành phố đã có những cam kết mạnh mẽ, cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư với những chỉ tiêu mang tính định lượng.

Theo đó, Hà Nội cam kết đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử; 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng sẽ được giải quyết trong vòng 2 ngày (giảm một ngày so với quy định); duy trì tỉ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử 95%, nộp thuế điện tử là 90%; cắt giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư so với quy định; giảm 20% thủ tục hành chính trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng, thu hồi đất...

TP HCM cam kết tích cực xây dựng chính quyền điện tử; phấn đấu 98% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử là 90%; về thủ tục hải quan phấn đấu giảm 50% so với quy định; thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư giảm 30%...

Thủ tướng nêu rõ, việc ký cam kết trên là ký mẫu giữa Hà Nội, TP HCM và VCCI, đồng thời yêu cầu tất cả các địa phương trong cả nước đều phải cam kết như là Hà Nội và TP HCM đã làm. Đây là những nội dung thiết thực và Chính phủ sẽ kiểm tra.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, với sự góp mặt của 19 bộ trưởng và lãnh đạo 63 tỉnh thành, chưa cuộc họp nào lại kéo dài như cuộc họp này.

Theo Thủ tướng, tinh thần doanh nhân của nước ta luôn hừng hực từ trước đến nay. Việt Nam đã chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang một nền kinh tế thị trường là bước tiến lớn. Tuy nhiên, khi bước vào một giai đoạn mới, chúng ta phải thừa nhận rằng môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn chưa thuận lợi cho doanh nghiệp. Các nghị định, thông tư ban hành còn quá chậm, gây cản trở khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm do cơ chế chính sách, chi phí thủ tục tăng. Chúng ta đạt 93% doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá, nhưng vốn hoá ra thị trường lại chưa tới 10% là quá thấp. Hiện nay, tình trạng liên kết chưa cao, phí chồng phí, cán bộ đảng viên ở nhiều cấp, ngành còn gây cản trở phiền hà cho doanh nghiệp.

Những phát ngôn ấn tượng của Thủ tướng tại cuộc đối thoại

Trong hai năm qua, dù Nghị quyết đi vào triển khai nhưng nhiều bộ ngành, các cấp chính quyền vẫn chưa hiểu rõ tinh thần nghị quyết.  Bên cạnh đó, kinh tế thị trường chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo khiến môi trường kinh doanh méo mó, chưa thuận lợi nhất để phát triển kinh tế.

Còn bản thân doanh nghiệp phải làm gì? Đó là cần phải xây dựng văn hoá doanh nhân, tăng cao năng lực, tức là bản thân doanh nghiệp trước hết cần phải tự cứu mình.

Doanh nghiệp được thực hiện kinh doanh tất cả các loại hình mà luật không cấm. Các cơ quan tuyệt đối không được thực hiện theo kiểu "sáng nắng chiều mưa" mà phải nhất quán.

Song song đó, khi đưa ra một chính sách mới thì phải rõ ràng, không được theo kiểu hiểu sao cũng được...

Muốn làm được những điều này, cần phải đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp. Việt Nam coi FDI là doanh nghiệp đồng hành để hỗ trợ nhau cùng phát triển. Không thanh tra chồng chéo, đặc biệt thanh tra, kiểm toán thuế phải minh bạch.

Cuối cùng, Thủ tướng cho rằng, tiếp cận vốn tín dụng, thuế và hải quan, cùng một số vấn đề khác sẽ được tổng hợp phân loại ra. Ngay trong chiều nay các Phó thủ tướng và Thủ tướng sẽ họp với các Bộ trưởng để giải quyết các đề xuất, kiến nghị trong sáng nay.

Trước đó một ngày, người đứng đầu Chính phủ cũng ký ban hành Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Chính phủ ra nghị quyết này.

Kỳ Duyên

Let's block ads! (Why?)