Tại hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sáng 29/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra 10 nhóm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đảng và Nhà nước thời gian qua đã tập trung tạo thể chế, làm chính sách đầu tư, kinh doanh nhìn chung khá tốt. Theo ông, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường cạnh tranh nên phải xây dựng nhiều giải pháp tiến bộ để phục vụ phát triển doanh nghiệp.
Chính vì thế, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam thời gian qua đã có sự lớn mạnh, góp phần xây dựng đất nước và cộng đồng quốc tế minh bạch. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn phát triển mới với một Đảng lãnh đạo, một Nhà nước pháp quyền thì Thủ tướng cho rằng phải nhìn nhận lại bức tranh hiện tại, đó là môi trường đầu tư của Việt Nam chưa thật sự thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với doanh nghiệp trong giờ giải lao hội nghị sáng nay. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã không ngần ngại chỉ ra những điểm còn tồn tại cần được giải quyết.
Cụ thể, các luật ban hành còn chậm so với yêu cầu thực tế, làm cho doanh nghiệp phải chờ đợi, bị khó khăn trong hoạt động.
Có những trường hợp các thông tư và nghị định không rõ ràng, còn cảm tính khiến nảy sinh nhiều cách nghĩ khác nhau trong cùng vấn đề, làm luật bị lạc hậu, trì trệ.
Chưa phát huy hiệu quả trong từng doanh nghiệp để tìm những giải pháp đột phá nhằm áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Xuất khẩu của nước ta hiện chưa nhiều, trong khi sở hữu trí tuệ là cả một vấn đề.
Sức cạnh tranh của doanh nghiệp có chiều hướng giảm trong bối cảnh nền kinh tế rất cần động lực phát triển. Nguyên nhân trước hết là do thể chế, thủ tục rườm rà khiến chi phí tăng.
Công tác cổ phần hoá chưa thực sự triển khai quyết liệt, bởi thực tế tỷ lệ doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá công bố là đạt 93% nhưng vốn hoá ra thị trường chưa tới 10%.
Thực trạng các doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi, khả năng kết nối giữa doanh nghiệp nhỏ với nhau cũng như kết nối doanh nghiệp nội và ngoại còn khá yếu.
Tình trạng phí chồng phí vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra chồng chéo và xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực. Một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên ở nhiều cấp, nhiều ngành gây phiền hà cho doanh nghiệp. Mặc dù Nghị quyết 09 đã ra đời 2 năm nhưng đến nay nhiều địa phương, nhiều bộ ngành vẫn chưa hiểu hết tinh thần để hành động.
Để giải quyết những tồn đọng này, Thủ tướng cho rằng, trước hết doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược phát triển trong hội nhập, văn hóa doanh nhân, “phải tự cứu mình trước khi trời cứu”. Đổi lại, Chính phủ, Nhà nước khi ban hành chính sách thì không được làm chính sách theo kiểu "sáng nắng chiều mưa", không được hồi tố chính sách.
Các cơ quan Nhà nước khi ban hành chính sách thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm cuối cùng về chính sách của mình đưa ra. Phải coi doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ. Cơ quan Nhà nước phải thấm nhuần tư tưởng này để thực hiện trong thực tiễn.
Song song đó, Chính phủ sẽ đưa ra các giải pháp để khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, thành lập doanh nghiệp để làm ăn. Theo đó, thời gian tới cần triển khai 10 nhóm giải pháp sau:
1. Nhà nước bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định pháp luật, doanh nghiệp được kinh doanh những gì không cấm.
2. Tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế bình đẳng về vốn, đất, quy định kinh doanh, trừ trường hợp đặc biệt.
3. Nhà nước đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách, không "sớm nắng chiều mưa", để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư.
4. Ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành chính sách quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm.
5. Quy định về điều kiện kinh doanh cần được lượng hóa, minh bạch, dễ hiểu, tạo điều kiện người dân, doanh nghiệp hiểu. Lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, chứ không thể nào lúc thế này, lúc thế kia, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
6. Coi doanh nghiệp tư nhân là động lực để phát triển kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ vì các loại hình này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập của xã hội.
7. Ngăn chặn hình sự hóa quan hệ kinh tế nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Nhà nước, Bộ Công an không có chủ trương hình sự hóa kinh tế, trừ trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng.
8. Có cơ chế quản lý phù hợp đối với những doanh nghiệp hoạt động công ích, hoạt động có tính rủi ro lớn, làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
9. Giảm, tiến tới loại bỏ các loại phí, phụ phí bất hợp lý. Nghị định, thông tư phải thực hiện đúng.
10. Yêu cầu đến 1/7/2016 bỏ hết quy định cũ, thực hiện đúng nghị định, thông tư, theo tinh thần luật đã được Quốc hội thông qua. Thủ tướng yêu cầu tập hợp rà soát các quy định về quản lý Nhà nước, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Cơ quan Nhà nước phải đổi mới tư duy, và doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Theo Thủ tướng, trước mắt Chính phủ sẽ không tăng thuế, phí, lãi vay ngân hàng, đặc biệt sẽ giảm 1% khi cho vay cho khoản vay trung dài hạn, lĩnh vực ưu tiên.
Thủ tướng cũng yêu cầu thanh tra, kiểm toán thuế cần minh bạch để chống tiêu cực. Bộ máy hành pháp, tư pháp, lập pháp cần phải hợp lực để tạo môi trường mới cho doanh nghiệp hoạt động.
“Chính phủ đã có một nghị quyết chuyên đề về phát triển doanh nghiệp và sẽ thảo luận trong thời gian ngắn tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lệ Chi