Trưa 30/4, trong vai một khách du lịch đến các khách sạn, nhân viên lễ tân nhà nghỉ Anh Khoa trên đường Hai Bà Trưng (TP Huế) báo giá, phòng đôi 700.000 đồng/2 người; phòng đơn 500.000 đồng và mức giá này được áp dụng từ ngày 30/4 đến mùng 2/5.
"Bình thường khách ở chỉ 250.000 - 300.000 đồng cho mỗi phòng nhưng đây là dịp lễ, phải tăng giá. Đây là tâm lý chung của nhiều cơ sở kinh doanh", nam lễ tân nói và cho hay có phòng khách đồng ý thuê với giá cả triệu đồng.
Chủ nhà nghỉ An Bình cạnh đó cho biết, giá phòng là 600.000 đồng cho phòng 2 - 3 khách ở. Khi một vị khách thắc mắc lý do vì sao lại tăng gấp đôi so với ngày thường, chủ nhà nghỉ giải thích: "Đây là xu hướng chung, dịp lễ ai cũng tăng giá để bù vào các chi phí phát sinh. Thời điểm này năm trước, phòng có khi được báo giá 1,5 triệu đồng là chuyện bình thường". Người này cũng đưa danh sách các phòng có khách thuê để chứng minh.
Nhiều nhà nghỉ, khách sạn ở Huế nay đã trong tình trạng "cháy phòng". Ảnh: Đắc Đức. |
Không niêm yết giá phòng cho khách, chủ nhà nghỉ Thanh Hằng đường Hai Bà Trưng (TP Huế) cho rằng, tăng giá dịch vụ dịp lễ là chuyện bình thường. Trưa 30/4, khách đến thuê được báo giá 700.000 đồng cho 1 phòng đôi. Tuy nhiên, theo bà chủ có thể buổi chiều quay lại, giá phòng lên cả triệu đồng là chuyện không có gì lạ vì khi đó khách đông, các nhà nghỉ, khách sạn đã "cháy phòng".
"Năm ngoái, khách còn chấp nhận bỏ đến 2 triệu đồng để thuê 1 phòng. Người này không thuê, người khác cũng đến ở thôi", chủ nhà nghỉ kể.
Cùng "chu kỳ" tăng giá, một khách sạn nhỏ trên trục đường Ngô Gia Tự, tối 28/4 báo giá với khách hàng mỗi phòng đôi là 300.000 đồng. Tuy nhiên, theo lễ tân, những ngày tiếp theo vì trúng dịp lễ, là mùa cao điểm nên mức giá phòng sẽ có thể thay đổi lên 800.000 đồng, có khi hơn 1 triệu đồng mỗi phòng đôi.
Ông Lê Ngọc Sanh, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, toàn tỉnh có 543 cơ sở lưu trú với hơn 10.000 phòng. Trong đó, lượng khách trong và ngoài nước tăng gần 20 % so với mùa lễ hội Festival 2014. Hầu hết các khách sạn lớn, khu nghỉ dưỡng đã hoạt động hết công suất. Theo ông Sanh, ngoài việc kiểm soát lượng khách đặt vé theo tour, tuyến ở các khách sạn theo tiêu chuẩn được doanh nghiệp niêm yết giá công khai thì khó khăn hiện nay vẫn là việc kiểm soát các điểm kinh doanh nhỏ lẻ tự ý tăng giá trong dịp lễ.
"Các điểm kinh doanh nhỏ lẻ vẫn còn tình trạng tăng giá, nhằm không để xảy ra tình trạng ép giá du khách thì ngay từ đầu tháng 4, đoàn kiểm tra của sở văn hóa phối hợp với các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra tất cả các cơ sở đăng ký dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh", ông Sanh nói và cho hay đường dây nóng tiếp nhận phản ánh nạn "chặt chém" du khách khi đến Huế du lịch vẫn luôn hoạt động và du khách có thể gọi điện bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chánh thanh tra Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, qua đường dây nóng, Huế vẫn chưa nhận được bất kỳ phản án nào về tình trạng du khách bị ép giá khi đến du lịch tại địa phương trong mùa lễ hội Festival năm nay. "Chúng tôi vẫn cho người thường xuyên kiểm tra các dịch vụ, cơ sở đăng ký lưu trú trên địa bàn. Ngoài ra, nếu phát hiện có tình trạng khách du lịch bị chèn ép về mặt giá cả thì chúng tôi sẽ xử lý nghiêm", ông Hà thông tin.
Đắc Đức