Chủ tịch BIDV: Cho vay 8,5%, ngân hàng chỉ hưởng lãi gần 0,7%

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà công khai chi tiết giá vốn, các chi phí cũng như mức lợi nhuận của mỗi khoản cho vay, qua đó đề nghị Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Kết thúc bài phát biểu dài 16 phút với hàng loạt kiến nghị, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói: "Tôi rất mong muốn điều hành kinh tế của đất nước như một bản nhạc giao hướng, trong đó Thủ tướng là nhạc trưởng, nhạc công là các cơ quan bộ ngành còn chúng tôi là ca sĩ và chúng ta sẽ có bản nhạc tuyệt vời, bất hủ cho giai đoạn 5 năm tới". Với tư cách là "ca sĩ" và cũng là đại diện đầu tiên của ngành ngân hàng phát biểu, ông Trần Bắc Hà liên tục xin thêm giờ để nêu ra hàng loạt những bất cập trong ngành cũng như đề xuất.

Về lãi suất, vị này cho rằng mức hiện nay là thấp nhất trong nhiều năm. Để chứng minh rằng ngành ngân hàng đã rất cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp, ông Trần Bắc Hà kể ra chi tiết từng chi phí của nhà băng khi cho vay. Theo Chủ tịch BIDV, với mức lãi suất cho vay bình quân 8,5% một năm, mức biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng hiện rất thấp, chỉ khoảng 0,69%. "Hiện giá vốn là 7,8%, lãi suất huy động 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự trữ thanh toán 0,5%, chi phí quản lý hoạt động ngân hàng là 1,75%, NIM ròng chỉ 0,69% trong khi đó tỷ lệ này của các ngân hàng trong ASEAN từ 2,2-2,5%", ông Hà nói.

Do đó, theo vị lãnh đạo này, lãi suất cho vay tuy khó giảm nhưng có thể được nếu có một số điều kiện. Một trong những "điều kiện" ông nêu ra là cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Theo ông, nên tiết giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND và 3% với ngoại tệ. Tỷ lệ dự trữ thanh toán theo ông cũng nên là 8% thay vì là 10% như theo Dự thảo Thông tư 36.

Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà cũng cho rằng, để giảm áp lực lãi suất trung và dài hạn, Chính phủ nền điều chỉnh giảm tỷ lệ phát hành trái phiếu và siết chặt quản lý chi tiêu công. Hiện các ngân hàng thương mại vẫn là những thành viên chủ yếu tham gia mua trái phiếu trên thị trường. Theo ông Hà, cần giảm khoảng 10% khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ.

Một bất cập khác ông Hà đưa ra là vấn đề xử lý nợ xấu. Theo đó, 3 năm nay, các ngân hàng vẫn chờ Nghị định tạo lập thị trường mua bán nợ để xử lý nợ xấu nhưng vẫn chưa có. Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất có lộ trình để thực hiện một số quy định trong Thông tư 36 sửa đổi. Theo đó, Thông tư này dự kiến giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 40% nên ông Trần Bắc Hà đề nghị đưa ra lộ trình 24 tháng thay vì áp dụng luôn. Theo ông, 12 tháng đầu tiên có thể giảm tỷ lệ này từ 60% xuống 50% và chỉ áp dụng 40% sau 24 tháng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và ngân hàng.

Không chỉ vậy, là đại diện của một ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, ông Trần Bắc Hà còn đề xuất cổ tức Nhà nước được chia nên để lại ngân hàng để tạo cơ sở nâng cao năng lực tài chính. "Vốn tự có của các ngân hàng phải tăng 19-22% mới đáp ứng nên đề nghị cổ tức Nhà nước được chia để lại cho ngân hàng. Nếu không cứ vắt kiệt tổ chức tín dụng, chúng tôi sẽ không có tiền đề để tăng trưởng", ông Trần Bắc Hà nói.

Ngay sau khi ông Trần Bắc Hà phát biểu, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dí dỏm thông báo đại diện BIDV đã nói quá giờ 5 phút. "Tuy nhiên, bù lại doanh nghiệp lại có được thông tin giảm 50 điểm cơ bản lãi suất cho vay ngắn hạn thì cũng được".

Phát biểu sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng thông báo từ ngày 29/4, hàng loạt ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank và Vietcombank thông báo hạ lãi suất cho vay trung và dài hạn về dưới 10% một năm. Ngoài ra, các nhà băng lớn cũng cam kết sẽ tiết giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí quản lý để tạo dư địa giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Ông Hưng cho biết, dù khó khăn nhưng ngành ngân hàng sẽ phấn đấu đưa giảm 1% lãi suất trong năm nay. Đồng thời, về Thông tư 36, ông cam kết sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về lộ trình, liều lượng thực hiện để tránh gây tác động bất lợi cho thị trường.

Let's block ads! (Why?)