Chủ nhật, 1/5/2016 | 05:00 GMT+7
Chủ nhật, 1/5/2016 | 05:00 GMT+7
Du nhập vào Việt Nam từ những năm 1970, trải qua 2 thế hệ tiểu thương nhưng đặc sản của Campuchia giữa lòng Sài Gòn vẫn luôn đắt khách.
Mặc dù quy mô không lớn, lại nằm trong hẻm 374 Lê Hồng Phong, phường 1, quận 10, TP HCM nhưng chợ Campuchia không hề thiếu những đặc sản nổi tiếng mang nguồn gốc của đất nước chùa tháp. Đa phần các quầy hàng ở đây được duy trì qua 2 thế hệ.
Chủ sạp khô Hai nhỏ ở đây cho biết, sạp khô này của gia đình chị được bán từ sau năm 1970 do cha mẹ chị là người Campuchia làm chủ. Tới nay, khi cha mẹ già yếu thì truyền lại cho chị quản lý. Toàn bộ thực phẩm được nhập 100% từ Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
"Ban đầu khi mang sản phẩm qua Việt Nam, gia đình tôi nhắm chủ yếu là đối tượng người Campuchia tại đây. Tuy nhiên, lượng khách đến mua lại đa phần là người Việt. Mỗi ngày sạp của tôi bán tới vài trăm kg khô cho khách hàng từ trong đến nước ngoài, rất hiếm khi hàng ế ẩm", chủ sạp này cho biết.
Cũng đắt khách không kém sạp Hai Nhỏ, chủ sạp Tư Xê cho biết, cửa hàng liên tục đóng hàng cho khách gửi đi nước ngoài. Các loại khô cá lóc, lạp xưởng, cá tra Biển Hồ, thịt trâu treo gác bếp, khô nhái là những đặc sản Capuchia bán rất đắt khách. Nhiều khách hàng mua cả 20-30kg đóng hộp gửi đi. Giá các sản phẩm ở đây dao động 200.000-500.000 đồng một kg.
Riêng với lạp xưởng, vào những dịp lễ,Tết số lượng người mua cũng như khách đặt tăng gấp đôi so với ngày thường nhưng giá cả vẫn không đổi.
Ngoài cá tra, cá sặc còn nhiều loại cá khô khác như cá sấy được bày biện rất hấp dẫn. "Vì là dân buôn lâu năm, mối hàng để lấy quen nên hàng luôn đạt chất lượng ngon nhất. Đặc biệt thay vì vài tháng nhập hàng một lần thì tôi lấy hàng theo tháng để đảm bảo độ ngon và sạch", chủ cửa hàng khô ở chợ này cho biết.
Không xé nhỏ ra từng sợi như những loại khô bò ở các vùng miền khác, khô bò Campuchia là những tảng thịt lớn tán mỏng. Sản phẩm được làm từ bò chăn thả tự nhiên trên các cánh đồng bạt ngàn của xứ sở chùa tháp, nên cho loại thịt rất chắc. Đây cũng là sản phẩm bán chạy tại khu chợ này với giá 250.000-300.000 đồng một kg.
"Loại khô bò này có thể nướng hoặc chiên, ăn nóng chấm với tương ớt rất ngon. Do vậy, mà hầu như ngày nào sản phẩm cũng được nhiều khách đặt hàng. Mỗi tháng tôi bán tới vài chục kg", chủ sạp Hai nhỏ chia sẻ.
Ngoài khô, chợ này còn bán các loại mắm đặc trưng của Campuchia, nổi bật là mắm bò hóc hay prahok - một loại mắm làm từ nguyên liệu chính là cá nước ngọt. Đây là một nguyên liệu tiêu biểu trong nền ẩm thực Khmer. Hay mắm ba khía - loại mắm được làm từ con ba khía rất ưa chuộng ở Campuchia. Giá các sản phẩm này dao động 200.000-250.000 đồng một kg.
Đến chợ này khách hàng cũng dễ dàng mua được các loại gạo của Campuchia. "Gạo Campuchia hạt đều, dẻo, thơm, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật thấp nên được khá nhiều người lựa chọn. Đối với sản phẩm gạo dẻo thông thường giá 19.000 đồng một kg, còn gạo đặc sản 21.000 đồng một kg. Cửa hàng tôi có tới 5 loại gạo đủ mọi phân khúc", chủ sạp gạo chợ này nói.
Gia vị tại chợ cũng khá đa dạng, đặc trưng như ngải bún và trái trúc (chanh thái), hai loại gia vị truyền thống của người Campuchia. Đây là thành phần không thể thiếu để tạo nên hương vị cho món bún num bo chóc. Ngải bún có hình thon dài, không có hương thơm nồng như gừng nhưng dịu nhẹ và kéo dài.
"Những gia vị này phải nhập thường xuyên để đảm bảo độ tươi ngon. Củ ngải bún chỉ thơm hương khi còn tươi nên lúc nấu bún, nhất thiết phải chọn loại củ còn tươi nguyên, lớp da căng, nếu là loại mới đào lên thì càng tốt. Ngải bún được cạo sạch vỏ, rửa và giã nát, sau đó cho vào ít nước nấu sôi, lọc lấy nước cốt. Vì là những gia vị quý hiếm nên giá cũng không hề rẻ, dao động 130.000-150.000 đồng một kg", chủ sạp Tư Xê chia sẻ.
Là chủ sở hữu quán bún num bo chóc 2 thế hệ ở chợ Campuchia, cô Diệu cho biết, sau năm 1970 khi di cư từ Campuchia qua Việt Nam, mẹ cô đã mở qua quán ăn này và giờ truyền lại cho cô.
"Bún num bo chóc là một món ăn mang đặc trưng của đất nước Campuchia nên tất cả nguyên liệu để nấu bún đều được nhập từ Campuchia. Loại thịt dùng trong bún num bo chóc là thịt cá lóc. Và phải là cá lóc sông chứ không phải cá lóc nuôi thì tô bún mới đậm đà và không bị tanh. Giá dao động 30.000-40.000 đồng một tô", cô Diệu nói.
Cũng được truyền lại kinh nghiệm từ người mẹ gốc Campuchia, chè Campuchia Cô Có mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách ghé ăn. Hàng chè này có 7 loại là chè hột me, bí đỏ, thốt nốt... Nguyên liệu được nhập hàng tuần từ Campuchia, nấu bằng đường thốt nốt và đều được ăn cùng sầu riêng, nước cốt dừa, sữa đặc, đá bào... Món được nhiều khách hàng chọn lựa hơn cả là chè thập cẩm Campuchia.
"Quán chè này có tuổi đời tới vài chục năm nhưng chưa bao giờ hết đắt khách. Không chỉ du khách, người gốc Capuchia, người Việt mà các tiểu thương trong chợ này cũng ghé ăn thường xuyên", cô Có tươi cười kể.
Mỗi chén chè thập cẩm có giá 15.000 đồng. Nguyên liệu bao gồm: bí đỏ, hột me, mì trứng, trứng muối bọc đậu xanh, rau câu dừa, sữa... Món chè này có vị ngọt nhẹ nhàng, thơm thơm, bùi bùi rất mát mà không hề ngán.