Không nghĩ được thưởng Tết, chị Oanh – công nhân công ty may mặc ở Linh Trung (Thủ Đức) bất ngờ khi nhận tin sẽ có thưởng vào giữa tháng 1/2024.
"Hoạt động kinh doanh èo uột, lương giảm nhưng vẫn có thưởng 0,5 tháng là niềm vui rất lớn với chúng tôi", chị Oanh nói.
Những năm Covid-19, dịch bệnh bủa vây nhưng theo chị Oanh, đơn hàng đều đặn, công nhân phải tăng ca 1-2 giờ mỗi ngày. Năm nay, đa phần công nhân tại công ty chỉ làm 8 giờ, có ngày còn được về sớm trước 2 giờ.
Mong công nhân có Tết vui vẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may ở Đồng Nai cho biết năm nay chỉ đạt 60% doanh thu so với kế hoạch và đã giảm 30% lao động nhưng sẽ vẫn cố gắng thưởng mỗi nhân viên 0,7% tháng lương. "Lợi nhuận ít ỏi nhưng chúng tôi vẫn cân đối để chia thưởng Tết cho người lao động bởi cuối năm họ còn mua sắm, chi tiêu nhiều", CEO công ty trên nói.
Đạt 75% doanh số so với năm ngoái, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean (VitaJean), chia sẻ công ty đã phải nỗ lực rất lớn. Ngoài đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp cũng "đu trend" bán hàng livestream để có thêm lợi nhuận.
"Năm nay, đơn hàng lao dốc, chúng tôi tìm mọi cách tạo việc làm cho người lao động nhưng vẫn phải giảm 7-8% số lượng nhân sự so với năm 2022. Dẫu vậy, so với mặt bằng chung trong ngành, công ty vẫn có lợi nhuận", ông Việt bộc bạch
Theo ông Việt, mọi năm doanh nghiệp thưởng cho người lao động 1,5 tháng lương và thêm các khoản thưởng từ công đoàn, thưởng thành tích. Do đó, nhiều cá nhân có thành tích tốt được thưởng tới 2-3 tháng. Còn năm nay mức thưởng cắt giảm nhiều. Với hơn 3.200 người lao động, công ty cố gắng có thưởng cho mỗi người tháng 13 và thêm phần thưởng từ công đoàn.
Với Tập đoàn Vinatex - doanh nghiệp có số lượng lao động lớn nhất ngành dệt may - gần 63.000 người, năm nay mức thưởng cao nhất trong một số công ty con khoảng 2 tháng lương. Còn với các đơn vị thành viên có doanh thu, lợi nhuận không như kỳ vọng, sẽ thưởng một tháng lương thứ 13.
Hiện, mức lương bình quân người lao động thuộc Vinatex là 9,6 triệu đồng một người. Để có được mức thưởng này cho người lao động, từ đầu năm các doanh nghiệp thành viên đã lên kế hoạch, "để dành" thu nhập, lợi nhuận với số tiền ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.
Đánh giá về mức thưởng Tết năm nay, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP HCM Phạm Xuân Hồng, cho rằng đây là bài toán khó cuối năm của doanh nghiệp trong ngành. Theo ông, ngay cả giai đoạn Covid-19 hoạt động kinh doanh cũng không khó như hiện tại.
Do đó, những doanh nghiệp thua lỗ sẽ không có thưởng cho người lao động. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp dù chỉ đạt 50-70% kế hoạch vẫn thưởng Tết cho người lao động từ 0,5-1 tháng lương. Đây cũng là mức phổ biến của ngành này. Mức này giảm mạnh so với các năm trước. Tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 – nơi ông Hồng làm chủ tịch, năm nay cũng sẽ có thưởng tháng 13 cho người lao động. Ngoài ra, công đoàn các doanh nghiệp vẫn hộp quà Tết cho người lao động 500.000 đồng đến một triệu đồng.
Theo tính toán của VnExpress, với mức lương bình quân của công nhân ngành may 8,2-9 triệu đồng một tháng, ước tính người lao động được nhận thấp nhất khoảng 4 triệu đồng và cao nhất 10 triệu. Ngoài ra, với những lãnh đạo công ty, mức thưởng khoảng 20-40 triệu đồng.
Theo ông Hồng, năm nay doanh thu doanh ngành dệt may bị tác động bởi nhiều yếu tố từ tình hình địa chính trị. Song song đó, đơn hàng của doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng, công nhân giảm giờ làm, nhà máy giảm công suất, thậm chí đóng cửa. Mãi lực tiêu dùng trong nước và thế giới suy yếu khiến doanh nghiệp dù tìm "trăm phương nghìn kế" vẫn khó khăn. Đây cũng là năm khó khăn nhất của ngành dệt may trong nhiều năm qua. Theo thống kê, toàn ngành năm nay xuất khẩu đạt kim ngạch 40 tỷ USD, giảm khoảng 12% so với 2022.
Đồng quan điểm, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho rằng năm 2023 dệt may phải thay đổi liên tục bởi những biến động khó lường. Có những diễn biến trên thị trường rất nhanh, khiến chi phí doanh nghiệp bị đẩy lên cao. Ông dẫn chứng, gần đây nhiều hãng tàu thay đổi lịch trình vận chuyển qua Biển Đỏ sau khi nhóm Houthi ở Yemen tấn công các tàu hàng tại đây, khiến lịch trình các hãng vận chuyển tàu thay đổi, kéo dài 7-10 ngày và đẩy giá vận chuyển container tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, đơn giá trên mỗi đơn hàng cũng giảm bình quân 20-30%, đặc biệt có những mặt hàng cơ bản (sơ mi, quần âu) giá giảm tới 40-50% do bị cạnh tranh với các đối thủ từ Bangladesh, Ấn Độ. Trong khi đó, yêu cầu chất lượng, thời gian giao hàng từ các nhà mua cao hơn trước. Có những đơn hàng trước đây giao 1 tháng, nhưng hiện họ yêu cầu rút ngắn còn một phần ba thời gian, tức trong 7-10 ngày phải giao đủ. Lúc này buộc doanh nghiệp phải huy động nhân lực, dây chuyền sản xuất để kịp thời gian, vì nếu không họ sẽ hủy hợp đồng và quay sang đặt hàng đối thủ.
"Trước đây đơn hàng lên tới hàng trăm nghìn chiếc, giờ các nhà mua chỉ đặt số lượng rất ít, vài chục, hoặc vài nghìn chiếc một nhưng doanh nghiệp vẫn phải xoay xở đáp ứng, vì nếu không là mất khách vào tay đối thủ cạnh tranh", ông Cao Hữu Hiếu cho hay.
Bối cảnh đơn hàng ít nên từng hợp đồng doanh nghiệp đều phải chắt chiu. Khác với mọi năm, quý III năm nay đơn hàng giảm sâu nhưng khởi sắc trở lại từ quý IV. Nhờ linh hoạt ứng biến với các tình huống bất thường, Vinatex cũng như nhiều doanh nghiệp dệt may có thể xoay chuyển tình thế trong bối cảnh khó lường hiện nay.
Dự báo về tình hình dệt may năm 2024, ông Cao Hữu Hiếu cho hay ngành may sẽ có khởi sắc hơn từ năm sau nhờ sức cầu tăng trở lại từ nhiều thị trường, nhưng ngành sợi vẫn gặp khó khăn trong nửa đầu năm.
Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Hồng, ngành dệt năm 2024 sẽ ấm hơn vì nhu cầu mua sắm của người dân quay trở lại. Song, ngành dệt may vẫn còn đối diện nhiều thách thức khi tình hình thế giới cũng như thị trường chưa ổn định, chiến sự trên thế giới vẫn còn kéo dài và gây bất ổn.
Thi Hà - Anh Minh