Hơn 20% khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga cập cảng châu Âu đã được bán lại cho các nước khác trên thế giới.
Financial Times trích số liệu từ Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cho biết trong 17,8 tỷ m3 LNG của Nga được giao đến Liên minh châu Âu (EU) 9 tháng đầu năm, 21% sau đó được chuyển sang tàu khác có đích đến là các nước không thuộc EU, gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Bangladesh.
Trong các cảng của EU năm nay, Zeebrugge (Bỉ) và Montoir-de-Bretagne (Pháp) nhận nhiều LNG của Nga nhất. Ana-Maria Jaller-Makarewicz - chuyên gia phân tích năng lượng tại IEEFA cho biết hoạt động chuyển tải (transshipment - chuyển hàng từ tàu này sang tàu khác trên đường đi) đã giảm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine năm 2022. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn đang diễn ra với quy mô lớn và có lẽ đang bị bỏ quên.
"EU không nghĩ đến cách thức này khi bàn bạc về lệnh cấm với Nga. Họ không tính đến trường hợp chuyển tải", Jaller-Makarewicz cho biết. Hợp đồng chuyển tải LNG Nga đã bị cấm tại Anh và Hà Lan, nhưng vẫn sôi động giữa các tàu hàng tại Bỉ, Pháp và Tây Ban Nha.
Amund Vik - cựu lãnh đạo ngành năng lượng Na Uy cho biết các chính phủ châu Âu vẫn đang tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề này. "Họ rất thận trọng với chủ đề này khi mùa đông đến gần", ông nói.
Không như than đá và dầu thô, khí đốt Nga hiện không bị EU trừng phạt. Ủy ban Châu Âu (EC) chỉ đề nghị các nước thành viên dừng phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch Nga muộn nhất là năm 2027.
Trước đây, EU nhập khoảng 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên Nga qua đường ống, tương đương 40% nguồn cung mỗi năm. Hiện tại, để thay thế lượng nhiên liệu này, EU tăng nhập LNG từ các nước như Mỹ, Na Uy và Qatar. Dù vậy, EU vẫn phải nhập khẩu kỷ lục LNG từ Nga năm nay.
Giới chức châu Âu giải thích rằng họ vẫn nhập khí đốt Nga do đã ký các hợp đồng dài hạn từ trước chiến sự. Nếu chấm dứt hợp đồng, các doanh nghiệp châu Âu sẽ phải trả tiền đền bù cho Nga. Ví dụ, hợp đồng 20 năm của hãng khí đốt Bỉ Fluxys với Yamal (Nga) đến năm 2039 mới kết thúc.
Giới phân tích cho rằng hoạt động chuyển tải đang giúp Nga tăng thu từ bán khí đốt, bất chấp các nỗ lực của EU trong việc siết nguồn tài chính của Moskva. Bộ Năng lượng Bỉ cho biết họ "sẽ kiên quyết xử lý vấn đề này" và "đang thu thập dữ liệu về các cách tiếp cận hiệu quả".
Bộ Năng lượng Pháp thì nói rằng chưa có kế hoạch ngăn hoạt động chuyển tải LNG Nga tại các cảng của Pháp. "Pháp và châu Âu đã giảm đáng kể việc tiêu thụ khí đốt Nga, bằng cách đa dạng hóa nguồn cung", người phát ngôn Bộ này cho biết.
Hà Thu (theo FT, RT)