Xuất khẩu Việt Nam có dấu hiệu hồi phục

Việt Nam đang phục hồi ổn định từ suy thoái thương mại toàn cầu và xuất khẩu có khả năng tiếp tục tăng tốc khi đơn hàng cải thiện.

Đánh giá vừa được đưa ra trên cơ sở xuất khẩu của Việt Nam tháng 10 tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng sau khi có dấu hiệu phục hồi từ tháng 9. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng qua ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng 9 và tăng 5,9% so với cùng kỳ 2022.

Mặc dù vậy, phục hồi không diễn ra đồng đều. Trong 34 mặt hàng xuất khẩu chính, có 15 mặt hàng tăng so với cùng kỳ, là động lực để đưa xuất khẩu tháng 10 đi lên. Điện tử tiêu dùng (trừ điện thoại) đã vượt qua giai đoạn đáy nhưng dệt may và da giày tiếp tục sụt giảm đơn hàng.

S&P Global Market trong một báo cáo cùng ngày cũng chỉ ra, lượng đơn đặt hàng mới với hàng hoá Việt Nam đã tăng tháng thứ ba liên tiếp nhờ nhu cầu khách hàng cải thiện. Dù vậy, tốc độ tăng trưởng này là nhẹ và đang ở mức yếu nhất trong thời kỳ tăng trưởng hiện nay. Các thống kê chưa đầy đủ cho thấy khách hàng vẫn ngần ngại trong cam kết đặt hàng mới.

Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market, nói tốc độ tăng của đơn hàng hiện tại không đủ để khuyến khích các công ty tăng sản lượng. Thay vào đó, các doanh nghiệp đang dùng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu của khách.
Khảo sát của đơn vị này cũng chỉ ra một tín hiệu tích cực khác là số việc làm hầu như không thay đổi, theo đó kết thúc thời kỳ giảm kéo dài 7 tháng. Nguyên nhân các doanh nghiệp chuẩn bị nhân sự để đáp ứng số đơn hàng mới tăng, cũng như triển vọng sản lượng năm sau.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng tháng 10/2023. Ảnh: Giang Huy

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng tháng 10/2023. Ảnh: Giang Huy

Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với đà của hai tháng qua, HSBC dự báo tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục tăng tốc nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi trong hai tháng cuối năm. Đây là tín hiệu cho sự phục hồi được mong đợi từ lâu trong lĩnh vực thương mại, góp phần nâng mức tăng trưởng năm 2024 lên 6-6,5% theo Chính phủ và 6,3% theo dự đoán của nhà băng này.

Sự phục hồi không chỉ giới hạn ở ngoại thương. Sau khi tiêu dùng nội địa cải thiện đôi chút trong quý III, doanh số bán lẻ tháng 10 tiếp tục phục hồi, tăng 7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nó vẫn thấp hơn một chút so với xu hướng tăng trưởng và nhu cầu đối với hàng tiêu dùng như ôtô tiếp tục sụt giảm ở mức hai con số.

Lạm phát cũng khởi đầu quý IV tích cực, chỉ tăng nhẹ lên 0,1% so với tháng 9, tương đương tăng 3,6% so với cùng kỳ tháng 10/2022. Con số này đều dưới mức dự báo của Bloomberg (4,0%) hay HSBC (3,9%). HSBC cho rằng rủi ro lạm phát nhìn chung vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Nhà băng này dự báo lạm phát tăng lên 4% trong quý IV (từ 2,9% của III) nhưng vẫn ở dưới mức trần 4,5%. Năm sau, lạm phát được kỳ vọng khoảng 3,3%. Mặc dù các nước trong khu vực như Indonesia và Philippines rục rịch tăng lãi suất nhưng HSBC cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không có động thái tương tự vì lạm phát dường như không phải là mối quan ngại cấp bách. Do đó, lãi suất điều hành có thể vẫn ở mức 4,5%.

Dù vậy, tại nhiều doanh nghiệp sản xuất, áp lực lạm phát cũng đang phủ bóng, theo S&P Global Market. Doanh nghiệp nói, hiện chi phí đầu vào và giá cả đầu ra tăng nhanh hơn. Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát đã đạt mức cao của tám tháng.

Ảnh hưởng của việc tăng giá dầu được nhiều người cho là đã làm tăng chi phí đầu vào, khi nhiên liệu và nhựa nằm trong số những mặt hàng có giá cả chịu ảnh hưởng của chi phí dầu cao. Trong khi đó, sự giảm giá của VND so với USD cũng tạo thêm áp lực tăng chi phí. Để bù đắp, các công ty đã tăng mạnh giá bán hàng.

Viễn Thông

Adblock test (Why?)