Sau 50 năm làm bạn, từ "nhận nhiều hơn trao", kinh tế Việt Nam dần song hành với Nhật, cùng hướng đến nhiều "quả ngọt" chung.
Tối qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida thông báo hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuyên bố chung này được đưa ra nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Nhật, đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Những mối thâm tình đầu tiên
"Quan hệ Việt - Nhật có đặc điểm tương đối độc đáo là dựa trên sự tin cậy, gần gũi giữa các lãnh đạo cao nhất của hai nước", ông Nguyễn Quốc Cường, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015-2018, nói với VnExpress.
Tháng 9/1973, Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu thiết lập quan hệ. Nhật Bản sau đó thực thi chính sách đối ngoại theo học thuyết Fukuda - chủ trương nước Nhật có vai trò cầu nối, góp phần duy trì hoà bình, ổn định khu vực Đông Nam Á, và trong đó, Việt Nam đóng vai trò quan trọng.
Năm 1993, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thăm Nhật, đánh dấu chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chính phủ Việt Nam.
Một năm sau, ông Murayama Tomiichi trở thành Thủ tướng Nhật đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.
Lãnh đạo hai nước cũng liên tục thăm viếng, gặp gỡ. Các đời Thủ tướng Nhật đã thăm Việt Nam 12 lần. Ngược lại, các đời Tổng Bí thư Việt Nam thăm Nhật 4 lần (lần đầu vào năm 1995, khi đó Nhật là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam). Các đời Chủ tịch nước thăm Nhật 3 lần, Thủ tướng 21 lần, Chủ tịch Quốc hội 4 lần.
Riêng ông Abe Shinzo có 4 lần thăm chính thức Việt Nam. Cựu Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, người có nhiệm kỳ ba năm dưới thời cố Thủ tướng này, đánh giá ông Abe là người đóng góp tích cực và dành cho Việt Nam nhiều ngoại lệ. Trừ Mỹ, Việt Nam có lẽ là nước được ông đến thăm nhiều nhất.
"Ông ấy nhiều lần chia sẻ Việt Nam 'rất đặc biệt, luôn ở trong tim mình’ và con người Việt thuỷ chung với bạn bè", ông Cường nhớ lại.
Cựu đại sứ kể, trong đánh giá của cố thủ tướng Nhật, người Việt luôn dành cho ông tình cảm "như giữa những người bạn thân" mỗi khi ông sang Việt Nam hoặc có lãnh đạo Việt Nam đến thăm Nhật Bản, bất kể ông còn đương chức hay không.
‘Quả ngọt' ở Việt Nam
Mối thân tình giữa các lãnh đạo cấp cao liên tục được duy trì và chuyển thành hành động.
Trong các nhà tài trợ song phương cho Việt Nam từ 1995 đến nay, Nhật luôn là đối tác ODA lớn nhất. Hết năm nay, triển vọng giá trị vốn vay bằng đồng yen có thể lần đầu vượt 100 tỷ yen từ năm tài khóa 2017.
Ông Kubo Yoshitomo, Phó trưởng đại diện, Văn phòng Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nói vốn ODA tập trung vào giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị vì là 3 lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Những dòng vốn đó đã thành hình qua 3.300 km đường bộ được xây dựng (tương đương 70% đường hai làn tiêu chuẩn cao tại Việt Nam), các nhà máy điện với tổng công suất 4.500 MW (khoảng 10% sản lượng điện quốc gia), hay những công trình biểu tượng như cầu Nhật Tân, nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng, tuyến đường sắt Metro số 1...
Ngoài "phần cứng" trong xây dựng hạ tầng, vốn ODA còn hỗ trợ những "phần mềm" như phát triển nguồn nhân lực; xây dựng thể chế, chính sách pháp luật. Khi Covid-19 bùng nổ, Nhật Bản là nước đầu tiên viện trợ vaccine cho Việt Nam.
Dấu ấn của Nhật Bản không chỉ thể hiện ở ODA mà còn ở dòng vốn đầu tư FDI. Đến 20/9, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 71,3 tỷ USD, xếp thứ ba trên 143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, theo Cục Đầu tư nước ngoài.
Một trong những doanh nghiệp đặt chân đến Việt Nam từ rất sớm là Acecook. Năm 1993, họ mang đến hai lời hứa: phát triển ngành hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm mang văn hoá Việt Nam ra thế giới.
"Sau 30 năm, chúng tôi đã hoàn thành lời hứa này", ông Kajiwara Junichi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Acecook, nói với VnExpress. Acecook hiện sở hữu 11 nhà máy, 6 chi nhánh tại Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động. Doanh nghiệp cũng cung cấp ra thị trường xuất khẩu lẫn nội địa hơn 3 tỷ sản phẩm mỗi năm.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội, cho biết đầu tư của Nhật vào Việt Nam bắt đầu tăng tốc với khoản rót vốn đáng kể vào nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, được Chính phủ chấp thuận vào năm 2008. Ngoài ra còn một loạt dự án quy mô khác, chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản, năng lượng, sản xuất, xây dựng.
Sau những doanh nghiệp đầu tiên tới Việt Nam như Acecook, năm 2008, vốn Nhật mới được tăng tốc đổ vào Việt Nam. Tháng 12/2008, Việt - Nhật ký Hiệp định Đối tác kinh tế song phương (VJEPA), cũng là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam, trong đó, hai nước dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản.
"Giai đoạn này, số thành viên của Phòng Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam không ngừng mở rộng, vượt quá 2.000 công ty, đông nhất trong ASEAN", ông Takeo Nakajima kể.
Trong cả ba đợt bùng nổ FDI ở Việt Nam, trừ thời gian chịu tác động của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1998, sự phá sản của Lehman Brothers năm 2008, số dự án đầu tư của Nhật vào Việt Nam đều có chiều hướng tăng lên, theo dữ liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Về thương mại, do hàng hoá có tính chất bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp, Nhật Bản được xem là thị trường xuất khẩu tiềm năng. Việt Nam chủ yếu xuất sang thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện, dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép.
Trong tuần hàng Việt năm nay, các siêu thị của ông lớn AEON tại Nhật Bản xuất hiện những sản vật miền Nam như nhãn, xoài, sầu riêng, mật dừa nước. Trước đó nhiều năm, các sản vật của miền Bắc cũng đã lên kệ siêu thị Nhật. Phó tổng giám đốc điều hành AEON Nhật Bản Mitsuko Tsuchiya cho biết, trái cây Việt Nam thực tế được thị trường Nhật đánh giá cao, bởi hầu hết được nuôi trồng trong điều kiện tự nhiên. 10 tấn nhãn Long An, 200 tấn chuối đã được xuất khẩu thông qua chuỗi bán lẻ này. Giai đoạn 2017-2022, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác đã đạt hơn 2 tỷ USD.
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp như máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ôtô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.
Việt Nam thành đối tác lớn của Nhật
"Tất cả thành viên trong công ty đều là người Việt, trừ tôi", Daisuke Mori, ông chủ 28 tuổi của startup Nhật Bản, nói bằng tiếng Việt giọng Quảng.
Ở Việt Nam, ngay trong thời kỳ Covid-19, Daisuke Mori, 28 tuổi, đã nhìn thấy cơ hội làm ăn mà anh nói "ở Nhật không có".
"Thị trường Việt Nam, đặc biệt là Internet, đang thay đổi rất nhanh - điều không xảy ra ở Nhật Bản vì hầu hết ngành công nghiệp đều đã có cơ sở hạ tầng và cơ cấu hoàn chỉnh", anh nói. Vài năm qua, công ty anh cung cấp dịch vụ đại lý quảng cáo, marketing cho các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop cũng như xây dựng, phát triển ứng dụng cho các website thương mại của khách hàng. Anh thừa nhận không dễ để thích ứng với những thay đổi như ở Việt Nam. "Nhưng tôi cảm thấy rất kích thích khi làm", anh kể.
Các "ông lớn" Nhật Bản khác còn nhìn ra nhiều cơ hội hơn Daisuke Mori. Với Việt Nam, "sức hút" để họ ra quyết định đầu tư chính là quy mô thị trường 100 triệu dân.
Đại diện AEON - ông lớn bán lẻ coi Việt Nam là một trong hai thị trường trọng điểm nhất - đánh giá nhiều doanh nghiệp Nhật bị thu hút bởi tốc độ tăng dân số nhanh, đặc biệt là tầng lớp trung lưu Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn nhiều các nước châu Á khác, trong đó có Nhật Bản là một lợi thế của Việt Nam. AEON đã tuyên bố tiếp tục mở nhiều trung tâm thương mại lớn trong 3-5 năm tới tại Việt Nam.
Thị trường đông dân của Việt Nam không chỉ có sức mua lớn mà còn là nơi cung cấp nguồn lao động dồi dào cho nước Nhật. Nhiều năm trở lại đây, nước này đối diện tình trạng già hoá dân số nghiêm trọng khi tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên), chiếm hơn 29% - mức cao nhất thế giới. Áp lực này khiến nhiều doanh nghiệp Nhật phải mở rộng sang những quốc gia có quy mô lớn, dân số trẻ, cũng như tăng nhập khẩu lao động.
Theo đánh giá của Phó đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Watanabe Shige, nhân lực cần cù của Việt Nam đã đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, xã hội nước họ. Việt Nam dẫn đầu trong 15 nước phái cử thực tập sinh đi làm việc tại Nhật, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước. Tổng cộng hơn 345.000 lao động Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Nhật trong 84 ngành nghề, tính đến cuối năm 2022. Hiện số lao động Việt tại Nhật chiếm khoảng một phần tư số người lao động nước ngoài tại Nhật Bản.
Trước đây, phần lớn đầu tư vào Nhật Bản đến từ các nước phát triển phương Tây. Nhưng theo Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội Takeo Nakajima, gần đây, đầu tư vào Nhật Bản của các công ty châu Á, trong đó có Việt Nam, ngày càng tăng.
Doanh nghiệp Việt đầu tư sang Nhật chủ yếu ở lĩnh vực công nghệ thông tin. Khoản đầu tư đáng kể nhất, theo tính toán từ JETRO, là của FPT, công ty có gần 15.000 kỹ sư đang làm việc cho khách hàng Nhật; có 2.900 nhân viên sự đang làm việc trực tiếp tại 16 văn phòng, trung tâm phát triển ở Nhật.
Đơn vị đặt chân vào thị trường Nhật Bản từ những năm 2000 này đặt mục tiêu vào top 20 công ty dịch vụ công nghệ lớn nhất tại Nhật Bản năm 2025, doanh thu 1 tỷ USD năm 2027.
Sau 50 năm...
Quan hệ hai nước được nhìn nhận phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay nhưng theo Đại sứ Nguyễn Quốc Cường, "không có nghĩa là không có đà để phát triển hơn nữa".
Ngoài những lĩnh vực truyền thống, theo ông, có thể làm sâu sắc hơn mối quan hệ, và có những lĩnh vực mới, cần chung tay hợp tác như chuyển đổi số, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu.
"Trước đây chúng ta chủ yếu nhận sự giúp đỡ của Nhật, đến nay, tiềm lực của Việt Nam đã có thể tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu mà Nhật Bản cần", Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đánh giá.
Theo khảo sát của JETRO, 34% số người được hỏi cho rằng "tình hình chính trị, xã hội ổn định" là lợi thế của môi trường đầu tư Việt Nam, chỉ đứng sau Singapore trong ASEAN. Theo đó, 5-10 năm tới sẽ là giai đoạn quan trọng hơn nữa với quan hệ Việt - Nhật.
Cùng quan điểm về "sự ổn định chính trị", ông Tetsuya Nagaiwa, Tổng giám đốc Muji Việt Nam, bổ sung "điểm cộng" với môi trường đầu tư Việt Nam là việc dân số đông, người dân cởi mở và sẵn sàng chấp nhận những thứ mới.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Việt Nam cần cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng logistics - yếu tố giúp các doanh nghiệp có thể mở rộng kinh doanh khắp cả nước. Đồng thời, CEO Nhật có 4 năm sống ở Việt Nam cũng đề nghị tinh giảm các thủ tục, quy trình cấp giấy phép để tránh tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư.
"Nếu hai điều này được cải thiện, tôi nghĩ Việt Nam sẽ thu hút thêm nữa các nhà đầu tư, không chỉ từ Nhật Bản", ông Tetsuya Nagaiwa nói
Phương Ánh - Viễn Thông
Đồ hoạ: Đỗ Nam