Phó thủ tướng Nga: Củi và than vẫn được dùng trong 50 năm tới

Phó thủ tướng Aleksandr Novak, người từng là Bộ trưởng Năng lượng Nga, dự báo củi và than vẫn sẽ sưởi ấm các ngôi nhà trong 50 năm tới dù tỷ lệ giảm dần.

Khi được hỏi về nguồn năng lượng trong nửa thế kỷ tới trên kênh truyền hình Soloviev đầu tuần này, ông Aleksandr Novak dự đoán một phần không nhiều các nguồn năng lượng hydrocarbon truyền thống sẽ vẫn tồn tại.

"Ngay cả than, củi cùng với dầu và khí đốt cũng sẽ được sử dụng, mặc dù tỷ trọng của chúng sẽ giảm", ông nhận định. Ông Aleksandr Novak từng là Bộ trưởng Năng lượng Nga. Cũng theo ông, thủy điện sẽ vẫn tồn tại, bằng cách này hay cách khác. Trong khi đó, công suất các nguồn năng lượng mới như mặt trời và gió sẽ tăng lên những năm tới.

Ông Aleksandr Novak chỉ ra rằng EU đang quay lại sản xuất nhiệt điện than do "những quyết định không hiệu quả và vô lý" trong việc từ bỏ khí đốt Nga, mà theo ông là "nguồn tài nguyên rất thân thiện với môi trường, giá rẻ và đáng tin cậy".

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak vào tháng 10/2022. Ảnh: Reuters

Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak vào tháng 10/2022. Ảnh: Reuters

Đầu tháng này, Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức tuyên bố sẽ kích hoạt lại một số nhà máy than đã ngừng hoạt động để tiết kiệm khí đốt và ngăn chặn tình trạng thiếu điện trong mùa sưởi ấm sắp tới.

Theo đó, hai tổ máy tại nhà máy Niederaussem và một tổ máy tại nhà máy Neurath sẽ tái khởi động để sản xuất điện than, dự kiến hoạt động đến tháng 3/2024. Ngoài ra, Berlin cũng đang xem xét kéo dài hoạt động của hai tổ máy than khác tại nhà máy Neurath cho đến mùa xuân năm 2025. Theo Bộ, động thái này là một "công cụ phòng ngừa rủi ro cho mùa đông sắp tới".

Trước đó, vào tháng 8, chính phủ Pháp đã gia hạn hoạt động các cơ sở nhiệt điện than để ngăn chặn nguy cơ thiếu điện trong mùa đông. Đồng thời, các cơ quan chức năng thắt chặt yêu cầu hoạt động của nhà máy. Bộ Chuyển đổi Sinh thái Pháp cho biết các nhà sản xuất nhiệt điện than sẽ chỉ được phép hoạt động tối đa 1.800 giờ trong mùa đông tới, tương đương khoảng 11 tuần, giảm so với 2.500 giờ vào mùa đông 2022.

Năm ngoái, châu Âu đã dừng hoàn toàn việc mua than Nga. Ủy ban châu Âu ước tính lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng đến 25% tổng lượng than xuất khẩu của Nga, trị giá hơn 8 tỷ USD mỗi năm. Điều này khiến Moskva phải phân bổ lại hơn 25 triệu tấn than vốn dùng để bán sang EU để chuyển sang châu Á. Kể từ đó, Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất.

Năm 2022, Trung Quốc mua 47 triệu tấn than nhiệt (tăng 5% so với cùng kỳ 2022) và 21,1 triệu tấn than cốc (tăng 127%) của Nga. Trong khi Ấn Độ cũng tăng mạnh nhập khẩu than và là nước mua than cốc lớn thứ hai của Nga với 9,3 triệu tấn, tăng 143%.

Vào tháng 5, Công ty Năng lượng Than Siberia, nhà cung cấp than lớn nhất của Nga, đã công bố kế hoạch tăng gấp 3 lần nguồn cung cấp cho quốc gia láng giềng. Công ty dự kiến cung cấp tới 20 triệu tấn than cho Trung Quốc trong năm nay.

Phiên An (theo RT)

Adblock test (Why?)