Giá ớt tăng vọt

Ớt tại nhà vườn Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đang được bán giá 25.000-35.000 đồng một kg, tăng 66% so với tháng trước đó.

Ông Phan ở Gia Lai cho biết vừa bán một tạ ớt chỉ thiên giá 30.000 đồng một kg, thu 3 triệu đồng. Nếu giá tiếp tục duy trì mức tốt, gia đình ông có thể thu 30 triệu đồng trong vụ này.

Tương tự, ông Thành - người sở hữu 0,5 ha ớt ở Tiền Giang - vừa bán mỗi kg ớt với giá 32.000 đồng. "Tôi vừa thu hoạch 3 tấn ớt thu về 96 triệu đồng. Từ nay đến cuối vụ, vườn nhà tôi có thể hái thêm 2 tấn. Nếu duy trì mức giá này, năm nay gia đình có lãi khoảng 100 triệu đồng", ông Thành nói.

Ông Vũ Tuấn, thương lái chuyên thu mua ớt ở các tỉnh miền Tây, cho biết ớt xiêm đang có giá rất cao vì mùi thơm và vị cay đặc trưng. Ngoài ra, loại này có nhu cầu cao trên thị trường. Nếu Trung Quốc không mua, chúng sẽ được bán cho các cơ sở chuyên chế biến ớt tương, ớt bột chế biến.

"Tôi đang bán giá sỉ 35.000-38.000 một kg. Còn giá bán lẻ 45.000-50.000 đồng", ông Tuấn cho hay.

Ở tại nhà vườn ở Đăk Lăk. Ảnh: Hội mua bán ớt

Ở tại nhà vườn ở Đăk Lăk. Ảnh: Hội mua bán ớt

Số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, Tiền Giang cho thấy giá ớt bán tại vườn và chợ lẻ tăng 50-60% so với tháng 8.

Nguyên nhân giá ớt tăng mạnh so với vụ trước do đang vào mùa mưa bão, sản lượng thấp, chi phí sản xuất tăng cao. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc nhộn nhịp khiến cầu cao hơn cung, đẩy giá đi lên.

Với mức giá ổn định như hiện nay, người nông dân có thu nhập trên 300-350 triệu đồng mỗi ha một năm (chưa trừ chi phí).

Số liệu từ Cục trồng trọt cho thấy ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ớt được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh với tổng diện tích trên 7.000 ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm. Trong khi đó, tại Tây Nguyên, người dân cũng đã thu hẹp diện tích trồng còn khoảng 4.000-5.000 ha với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm.

Hồng Châu

Adblock test (Why?)