Chủ tịch Coteccons: Trượt thầu sân bay Long Thành không ảnh hưởng tương lai

Ông Bolat Duisenov, Chủ tịch Coteccons, nói dù rất buồn khi thua nhưng gói thầu nhà ga sân bay Long Thành chiếm tỷ trọng nhỏ trong kế hoạch kinh doanh của công ty.

Trả lời câu hỏi của VnExpress trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm nay, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD), khẳng định việc trượt gói thầu 5.10 - sân bay Long Thành không ảnh hưởng tương lai của công ty. Trong kế hoạch kinh doanh của CTD, gói thầu này chiếm tỷ trọng nhỏ vì doanh nghiệp này đặt mục tiêu lớn hơn khi tham gia mảng xây dựng hạ tầng.

"Sân bay Long Thành là cơ hội lớn mà chúng tôi bỏ lỡ, tôi rất buồn và có nhiều cảm xúc khi không trúng thầu. Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi sẽ về nhà và bỏ cuộc", ông Bolat chia sẻ.

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Coteccons, phát biểu trong phiên họp thường niên chiều 17/10. Ảnh: CTD

Ông Bolat Duisenov - Chủ tịch Coteccons, phát biểu trong phiên họp thường niên chiều 17/10. Ảnh: CTD

Gói thầu 5.10 gồm thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Đây là hạng có giá trị lớn nhất trong dự án, trị giá 35.000 tỷ đồng.

Coteccons dẫn đầu Liên danh Hoa Lư là một trong ba đơn vị tham gia đấu thầu, bên cạnh Liên danh Vietur và CHEC-BCEG-Vietnam Contractors. Sau vòng chấm thầu đầu tiên với phần thắng thuộc về Vietur, Liên danh Hoa Lư tố nhà thầu này vi phạm quy định, không đủ tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Sau đó, các cơ quan cấp bộ vào cuộc xử lý khiếu nại. Kết cuối cùng vẫn là Liên danh Vietur trúng gói thầu xây dựng nhà ga sân bay Long Thành.

Theo CEO Võ Hoàng Lâm, thời gian trước, công ty đã có cách tiếp cận chưa phù hợp với loại hình dự án đầu tư công. Sau khi trượt thầu, doanh nghiệp này tiến hành quy trình rút kinh nghiệm. Công ty học tập và nghiên cứu cách tiếp cận mới, tương tự các tổng thầu quốc tế. CTD sẽ tìm cách đệ trình biện pháp thi công tốt nhất với mức giá phù hợp nhất, từ đó đưa ra phương án tốt nhất cho chính phủ để có cơ hội xây dựng các dự án trọng điểm. Ông tin nếu tiếp tục cải tiến phương pháp tiếp cận, cơ hội sẽ đến với Coteccons.

Khi CTD mở rộng sang xây dựng hạ tầng, một số cổ đông đặt câu hỏi về cơ hội tham gia các dự án trong tương lai của công ty. Trong đó, một ý kiến cho rằng có nhiều dự án hạ tầng đã triển khai suốt thời gian qua, nhưng đến nay Coteccons "chỉ được làm khán giả". Người này yêu cầu ban lãnh đạo công ty chứng minh năng lực theo đuổi lĩnh vực kể trên.

Trả lời cổ đông, ông Lâm dùng từ "đam mê" để nói về kế hoạch này và nhắc lại sân bay Long Thành chỉ là một trong nhiều dự án đầu tư công trọng điểm thời gian tới. Để phát triển kinh tế mạnh mẽ trong 3-5 năm tới, Việt Nam sẽ phải đầu tư nhiều dự án hạ tầng lớn. Song song đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng đang đổ về ồ ạt, đòi hỏi nhiều công trình phục vụ. Nhờ đó, CTD dự báo ngành xây dựng sẽ tăng trưởng 40-45% và công ty có thể nắm thị phần rất lớn trong đó.

Ngoài sân bay, xây dựng hạ tầng còn nằm ở đường cao tốc, các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt đô thị và nhiều dự án công cộng khác. Coteccons đang nghiên cứu để tham gia và chỉ tập trung vào các dự án có quy mô lớn.

Thời gian qua, công ty tiến hành củng cố đội ngũ, giải quyết các vấn đề tồn đọng và tối ưu năng lực vận hành. Sau giai đoạn đấu thầu sân bay Long Thành, doanh nghiệp này đã xây dựng được một bộ máy làm việc chuyên về hạ tầng - đầu tư công để phục vụ cho tương lai. Mục tiêu của CTD là tìm được chỗ đứng trong phân khúc hạ tầng, tương tự như vị thế của doanh nghiệp này ở phân khúc dân dụng và công nghiệp. Ông Bolat cho rằng cần 6-18 tháng nữa, kết quả của mảng hạ tầng mới được ghi nhận, phụ thuộc vào tình hình phát triển chung của đầu tư công tại Việt Nam.

Ngoài hạ tầng, Coteccons đang lên kế hoạch mở rộng thêm mảng xây dựng nhà ở xã hội và năng lượng tái tạo. Song song đó, doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị tấn công thị trường nước ngoài. Trước hết, CTD sẽ đi theo các khách hàng thân thiết khi họ xuất ngoại. Công ty sẽ tự chủ động thăm dò thị trường để mở rộng hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Các hoạt động đa dạng hóa kể trên sẽ là một trong những chiến lược để Coteccons hoàn thành mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD và vốn hóa 1 tỷ USD đã đề ra trước đó. Một cổ đông nghi ngờ mục tiêu kể trên chỉ là "khẩu hiệu suông" của lãnh đạo công ty vì đến nay tình hình kinh doanh vẫn chưa tăng trưởng đáng kể. Đáp lời, ông Bolat khẳng định "chắc chắn hoàn thành" hai cột mốc kể trên, nhưng sẽ cần thêm nhiều thời gian so với dự tính ban đầu là năm 2025.

Tất Đạt

Adblock test (Why?)