Các nhà khoa học xét nghiệm ADN của Methuselah phát hiện con cá sống ở thủy cung tại San Francisco, California, đã 92 tuổi và có thể sống đến 101 tuổi.
Theo công bố từ tạp chí khoa học Smithsonian của Mỹ hôm 21/9, con cá phổi (lungfish) có tên gọi Methuselah là cá cảnh già nhất thế giới. Các nhà khoa học đã phân tích ADN của 33 con cá phổi tại các viện nghiên cứu trên khắp nước Mỹ và Australia để xác định tuổi thật của chúng. Methuselah được xác nhận năm nay 92 tuổi và có thể sống đến 101 tuổi.
Hiện nay con vật vẫn bơi lội tại thủy cung Steinhart thuộc California Academy of Sciences, một trong những bảo tàng lịch sử tự nhiên lớn nhất thế giới lưu trữ hơn 46 triệu mẫu vật, tại San Francisco, bang California.
Tháng 11/1938, con cá phổi mang "quốc tịch" Australia tên Methuselah đã được đưa đến thủy cung Steinhart trên một con tàu viễn dương. Vào thời điểm đó, Mỹ vừa mới hồi phục sau cuộc Đại suy thoái và nước Đức vẫn nằm dưới sự cai trị của Adolf Hitler.
Methuselah được đặt theo tên của một nhân vật trong Kinh thánh, người sống tới 969 tuổi. Giống nhân vật đó, Methuselah cũng sống rất thọ so với hơn 231 con cá đồng loại được đưa từ Fiji và Australia đến San Francisco cùng thời điểm.
Charles Delbeek, người phụ trách các dự án thủy cung tại Steinhart, cho biết dù mọi người ở viện đều biết Methuselah tồn tại từ những năm 1930 nhưng không có phương pháp nào xác định được tuổi con cá vào thời điểm nó được đưa đến San Francisco. "Thật thú vị khi cuối cùng con vật được xác định tuổi thật dựa trên cơ sở khoa học", Delbeek nói.
Đại diện thủy cung cho biết Methuselah ngày nay được coi là "một đại sứ quan trọng của loài cá phổi", giúp giáo dục và khơi dậy sự tò mò của du khách khắp nơi trên thế giới. Việc con cá ngày ngày bơi lội tại thủy cung và trở thành cá cảnh sống lâu nhất thế giới giúp bảo tàng ngày một nổi tiếng hơn, thu hút lượng lớn khách ghé thăm để tận mắt nhìn thấy Methuselah.
Trong nhiều năm "làm việc" tại thủy cung Steinhart, Methuselah đã tạo dựng được danh tiếng nhờ "tính cách quyến rũ và thích được xoa bụng", theo đại diện thủy cung.
Brenda Melton, giám đốc phụ trách chăm sóc động vật của thủy cung nhận xét Methuselah là một "con cá xinh đẹp và vui vẻ". "Nó đã ở đây một thời gian dài, nhìn thấy nhiều thứ hơn bất kỳ ai tại thủy cung. Chúng tôi rất may mắn có được nó", Melton nói.
Cá phổi Australia hay cá phổi Queensland, thường được biết đến với biệt danh "hóa thạch sống" vì các dấu vết hóa thạch của chúng đã có từ 380 triệu năm trước. Loài cá này có một hoặc hai lá phổi nằm ngoài mang. Khi lượng nước thay đổi hoặc khi nơi sinh sống trải qua thời kỳ khô hạn, chúng có thể nổi lên mặt nước để lấy oxy. Loài cá này nằm trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Ngày 29/9, thủy cung Steinhart tròn 100 tuổi. Đây là nhà của gần 60.000 động vật, đại diện hơn 1.000 loài. Theo website của Steinhart, nơi đây mang đến cho du khách cái nhìn "chưa từng có" về môi trường sống dưới nước và trên cạn. Đến đây tham quan, du khách sẽ tìm thấy những loài không được trưng bày ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Vai trò hiện tại của thủy cung là "tiếp tục định hình vai trò của các bể cá hiện đại trong việc giáo dục, truyền cảm hứng cho công chúng về tính đa dạng sinh học và bền vững của các đại dương, rừng mưa".
Ngoài thủy cung Steinhart, San Francisco còn thu hút du khách khắp nơi trên thế giới nhờ các biểu tượng độc đáo khác như cầu Cổng Vàng (Golden Gate Brigde), chợ Ferry Building, phố Lombard, công viên Cổng Vàng, bảo tàng Walt Disney Family, theo gợi ý từ Tripadvisor.
Anh Minh (Theo CNN, Smithsonian)