Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về điện lực, trong đó có giá điện nên Bộ Tài chính đề nghị không quy định trách nhiệm phối hợp rà soát của bộ này khi điều chỉnh giá.
Ý kiến này được Bộ Tài chính nêu khi gửi góp ý với Bộ Công Thương ngày 30/8, về dự thảo sửa đổi Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Theo đó, Bộ Tài chính muốn Công Thương xác định rõ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của hai bộ trong thực hiện cơ chế điều chỉnh giá điện. Theo Luật Giá và Luật Điện lực, Bộ Công Thương là đơn vị có trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực, trong đó có giá điện. Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì xây dựng khung giá của giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh, cơ cấu biểu giá; khung giá phát điện, giá bán buôn, truyền tải, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, phí điều độ vận hành hệ thống điện và phí điều hành giao dịch thị trường điện lực.
Vì thế, cơ quan ngành tài chính chỉ là đơn vị phối hợp trong những trường hợp có biến động bất thường hoặc tác động lớn tới kinh tế.
"Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì quản lý chuyên ngành về mặt hàng điện, Bộ Tài chính chỉ có ý kiến tham gia trên cơ sở đề nghị của cơ quan chuyên ngành về kết quả rà soát phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Đề nghị Bộ Công Thương không quy định trách nhiệm phối hợp rà soát khi điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân ", Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Chẳng hạn, theo dự thảo sửa đổi Quyết định 24 do Bộ Công Thương chủ trì, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát với báo cáo tăng, giảm giá của EVN nếu giá bình quân biến động 3-5% và từ 5 đến dưới 10%. Bộ Tài chính không muốn quy định trách nhiệm của họ trong xem xét, kiểm tra các báo cáo, tính toán của EVN. Thay vào đó, Bộ Công Thương cần chủ động rà soát và có ý kiến với phương án giá bán lẻ điện bình quân do EVN trình.
Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 10% trở lên so với giá hiện hành hoặc ngoài khung giá, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đề nghị quy định theo hướng Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát phương án giá và gửi lấy ý kiến cơ quan ngành tài chính, các đơn vị liên quan.
Ngoài ra, Bộ Tài chính góp ý dự thảo không nên quy định chi tiết các nội dung mang tính chất chuyên môn, như tham gia họp, báo cáo, chủ động có ý kiến gửi cơ quan chủ trì về phương án giá bán lẻ điện bình quân hàng năm.
Hiện dự thảo sửa đổi Quyết định 24 đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Trong báo cáo gửi Thủ tướng mới đây, cơ quan này cho biết bản dự thảo mới vẫn đưa ra quy định thẩm quyền giảm, tăng giá điện; rút ngắn thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện, các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện.
Giá điện đang được xác định dựa vào giá bán lẻ bình quân do Chính phủ quy định trên cơ sở tính đủ các chi phí đầu vào (phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý...) nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư.
Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện đang được thực hiện theo Quyết định 24, trong đó thời gian giữa hai lần điều chỉnh là 6 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Nhưng quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ. Chẳng hạn, từ 2017 đến nay, giá điện được điều chỉnh 3 lần, vào 2017 (tăng 6,08%), 2019 là 8,36%. Giá này được giữ trong 4 năm, tới tháng 5/2023 mới tăng thêm 3%.
Tại lần sửa đổi này, ngoài rút ngắn thời gian điều chỉnh từ 6 tháng xuống còn 3 tháng một lần, công thức tính giá điện bình quân được sửa đổi gồm giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ và các yếu tố gắn với giá thành sản xuất, như chênh lệch tỷ giá, lỗ từ sản xuất kinh doanh và các chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ được xác định căn cứ báo cáo tài chính được kiểm toán.
Góp ý về phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân, công thức xác định giá, cơ chế điều chỉnh, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương quy định đảm bảo phù hợp pháp luật và chịu trách nhiệm.
Trước đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị rà soát kỹ phương pháp, công thức lập giá bán lẻ để tránh ảnh hưởng tới vĩ mô, nền kinh tế và các đối tượng sử dụng điện.