Quy định hàng "made in Vietnam" (sản xuất tại Việt Nam) được Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng từ năm 2018, nhưng sau 5 năm vẫn chưa thể ban hành.
Việt Nam hiện vẫn chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để doanh nghiệp xác định, thể hiện hàng hóa trên bao bì là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" cho hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa. Khi vụ việc một công ty sản xuất điện tử trong nước bị "tố" đội lốt nhập hàng từ Trung Quốc rồi đem về bán trong nước vào năm 2018, cơ quan quản lý không thể xử lý do thiếu quy định. Sau vụ việc này, Bộ Công Thương báo cáo, kiến nghị Thủ tướng cho phép xây dựng quy định "sản xuất tại Việt Nam". Sau 5 năm, quy định "made in Vietnam" vẫn chưa được ban hành.
Tại báo cáo vừa gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công Thương thừa ủy quyền Chính phủ, nêu loạt vướng mắc, giải thích vì sao đến nay vẫn chưa thể đưa ra quy định, điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam với hàng hóa lưu thông trong nước.
Theo Bộ này, lúc đầu họ báo cáo Chính phủ xây dựng Thông tư "sản xuất tại Việt Nam", nhưng năm 2019, nội dung thông tư khi đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành thì phát sinh chính sách vượt thẩm quyền của Bộ Công Thương nên xin chuyển hướng sang xây dựng nghị định.
Năm 2021, Nghị định 111 sửa đổi, bổ sung Nghị định 43 về nhãn hàng hóa được ban hành, và nội dung về cách ghi nhãn hàng hóa được đưa vào văn bản này. Tức là quy định "sản xuất tại Việt Nam" sẽ chỉ tập trung vào việc đưa ra bộ tiêu chí xuất xứ để xác định hàng sản xuất tại Việt Nam, là cơ sở ghi nhãn xuất xứ hàng hóa. Việc xây dựng văn bản "sản xuất tại Việt Nam" ở cấp Nghị định, lúc này không còn cần thiết.
Tháng 5/2022, Chính phủ đồng ý cho Bộ Công Thương quay trở lại xây dựng quy định ở cấp Thông tư, thay vì Nghị định. Song những vướng mắc về thẩm quyền ban hành đang "vênh" với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công Thương".
Lý do nữa, Bộ này đưa ra, là việc quy định ở cấp Thông tư về hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam" sẽ mang tính pháp lý chặt chẽ hơn quy định hiện nay với hàng trong nước, nên "tiềm ẩn rủi ro pháp lý, dễ vấp phải phản ứng tiêu cực từ doanh nghiệp".
Bộ giải thích, về lý thuyết, quy định của Thông tư chỉ áp dụng khi thương nhân có nhu cầu ghi nhãn "sản xuất tại Việt Nam" với hàng hóa của mình (nghĩa là hàng hóa nào muốn dán nhãn này thì mới bị điều chỉnh). Trường hợp hàng không ghi xuất xứ Việt Nam, sẽ không bị ảnh hưởng bởi chính sách này.
Tuy nhiên, theo Nghị định 111, quy định "xuất xứ hàng hóa" là một nội dung
bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Như vậy, mọi hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định, tiêu chí nếu nhà chức trách ban hành Thông tư "sản xuất tại Việt Nam", trừ hàng xuất xứ nước ngoài. Phạm vi tác động của quy định này nếu được ban hành, sẽ rất lớn.
Trong dự thảo Thông tư đưa ra năm 2019, sản phẩm được coi là "made in Vietnam" nếu có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam, như cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng... Trường hợp hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng và đảm bảo 2 tiêu chí về chuyển đổi mã số (mã HS) và hàm lượng giá trị gia tăng thì được coi là hàng hóa của Việt Nam.
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan quản lý nhận định, hoạt động truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ của từng linh kiện, nguyên liệu không phải dễ dàng, rất tốn kém. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã quen với các khái niệm trong lĩnh vực xuất xứ như hàm lượng giá trị, chuyển đổi mã số, mã số HS; có nhân lực và hệ thống sổ sách kế toán để tính toán các thông số nên việc tuân thủ không khó khăn. Ngược lại, quy định này sẽ là trở ngại với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, thậm chí có thể sẽ phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn, Bộ Công Thương nêu quan điểm việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp. Cơ quan này cho biết, sẽ cùng Bộ Tư pháp nghiên cứu, xử lý những vướng mắc về thẩm quyền ban hành Thông tư và xem xét ban hành quy định này theo thẩm quyền tại thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.