Hệ thống trung tâm Anh ngữ của ông Nguyễn Ngọc Thủy báo doanh thu từ học sinh mới đã phục hồi, đạt 2,8 tỷ đồng trong tháng 7, nhưng còn thấp so với giai đoạn đỉnh cao.
Trong cuộc họp cổ đông và nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO Apax Leaders, cho biết chuỗi dạy tiếng Anh này có doanh thu từ học sinh mới tăng liên tục. Từ mức 465 triệu đồng vào tháng 4, chỉ số này nâng lên khoảng 2,78 tỷ đồng vào tháng 7.
Kết quả này có được sau khi Apax Leaders tái cấu trúc từ cuối năm 2022 đến quý I năm nay. Trước giai đoạn tái cấu trúc, công ty này ghi nhận doanh thu bằng không bởi nhiều bê bối chất lượng giảng dạy không đồng đều, nợ lương giáo viên khiến thiếu hụt người giảng dạy, chậm bồi thường học phí cho phụ huynh khi đóng cửa chi nhánh.
Apax Leaders đang hoạt động với 37 trung tâm, chủ yếu tập trung ở phía Bắc. Số học viên tính đến cuối tháng 7 đạt hơn 11.100 người, tăng gấp đôi so với cuối tháng 3. Tuy nhiên, con số này thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng - 120 trung tâm với khoảng 120.000 học viên. Thời gian qua, tình trạng phụ huynh tiếp tục rút học phí vẫn xảy ra ở các chi nhánh mở cửa trở lại.
Ngoài ra, ban lãnh đạo giải thích doanh thu tăng còn đến từ việc vận hành trở lại chương trình Chungdahm - chương trình học từng giúp Apax từ một trung tâm Anh ngữ duy nhất phát triển thành hệ thống lớn với 130 điểm dạy vào thời hoàng kim. Song song đó, chuỗi giáo dục này cũng tập trung thêm mảng đào tạo thi chứng chỉ IELTS, được xem là một xu hướng học tập có nhu cầu lớn hiện tại.
"Các con số về doanh thu kể trên chưa là gì cả nhưng chúng tôi chưa đẩy mạnh vấn đề tuyển sinh và kinh doanh, mà chỉ tập trung cải thiện chất lượng", ông Tuấn tự nhận xét.
Thực tế, mức doanh thu trên rất thấp so với kết quả kinh doanh của công ty trước khủng hoảng. Giai đoạn 2018-2020, Apax Holdings - công ty thuộc Egroup đứng sau Apax Leaders, thường báo doanh thu trung bình 100 tỷ đồng mỗi tháng. Riêng quý III/2020 - trước khi đại dịch xuất hiện, công ty này đạt đỉnh doanh thu hơn 600 tỷ đồng, trung bình thu về 200 tỷ đồng mỗi tháng.
Từ nay đến cuối năm, Apax Leaders đặt mục tiêu có 20.000 học sinh để đưa doanh thu lên 20 tỷ đồng mỗi tháng. Kế hoạch trọng điểm là "lấy lại thị trường miền Nam" trước tháng 10 năm nay với ít nhất 8 trung tâm ở TP HCM mở cửa trở lại.
"Chỉ cần Egroup chuẩn bị đủ tài chính, tốc độ làm việc của Apax sẽ tăng gấp đôi", ông Tuấn nói.
Đáp lại yêu cầu từ Apax Leaders, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Tập đoàn Egroup, nói đang thu xếp nguồn tài chính. Ông tiếp tục xin các nhà đầu tư dừng lãi từ thời điểm này và giảm lãi trong quá khứ. "Chi phí tài chính là gánh nặng lớn, sẽ rất khó cho tập đoàn phục hồi", ông Thủy giải thích.
Để giảm gánh nặng tài chính, ông Thủy nói sẽ tiếp tục hoán đổi nợ bằng các sản phẩm như trước đây gồm bất động sản, gói đầu tư tái cấu trúc các trung tâm tiếng Anh, gói học tiếng Anh và các thiết bị gia dụng. Những ai không tham gia hoán đổi nợ, lãnh đạo Egroup nói "cần đợi thêm" đến khi công ty đủ nguồn lực hoặc tiếp cận các quỹ đầu tư.
Trong tháng 7, doanh nghiệp này trả tiền trước cho những nhà đầu tư lớn tuổi, đau ốm bệnh tật hoặc hoàn cảnh khó khăn. Công ty nhận 73 hồ sơ đủ điều kiện, hoàn thành chi trả 2 triệu đồng một người cho 69 trường hợp.
Một nhà đầu tư tại Hà Nội cùng gia đình rót khoảng 3 tỷ đồng vào hệ sinh thái Egroup, cho rằng tiêu chí xét duyệt để được trả tiền trước khó và số tiền chi trả quá thấp. Cha và mẹ của anh đều dồn phần lớn tiền dưỡng già vào đầu tư Egroup. Thời gian qua, thu nhập cả gia đình đều bị sụt giảm, phải vay nợ ngân hàng. Người này cho rằng hoàn cảnh gia đình mình đang khó khăn nhưng xét theo tiêu chí Egroup đưa ra lại không đáp ứng. Nguyên nhân là cha và mẹ anh mắc bệnh tim và tiểu đường, nhưng vẫn dưới 80 tuổi và không nằm viện trên một tháng.
"Tôi đã liên hệ Egroup nhiều lần và chỉ nhận được phản hồi cần chờ đợi thêm, mỗi lần như thế hai phụ huynh lại xuống tinh thần thấy rõ", anh chia sẻ.
Thời gian tới, ông Thủy khẳng định toàn bộ hệ sinh thái sẽ đi theo mô hình "mở rộng đến đâu, giảm nợ đến đấy". Mô hình này khác với tư duy tăng trưởng nhanh bằng vay nợ mà công ty theo đuổi trước đó, dẫn đến khủng hoảng.
Song song với phục hưng chuỗi dạy tiếng Anh, ông Thủy cũng muốn ghép các hệ sinh thái với nhau trong cùng một địa điểm. Mô hình mới sẽ lấy Apax Leaders làm đầu tàu, sau đó kết hợp các thương hiệu khác, điển hình là trung tâm toán học CMS.
"Tháng 8 là giai đoạn bản lề rất quan trọng với ngành giáo dục vì chuẩn bị bắt đầu năm học mới. Nếu chúng ta lấy lại được thị trường miền Nam, đó sẽ tạo động lực phục hồi lớn cho tập đoàn", ông Thủy kỳ vọng.
Trên thị trường chứng khoán, sau nhiều đợt bị bán giải chấp, Egroup chỉ còn nắm trong tay 14,68 triệu cổ phiếu IBC của Apax Holdings - công ty con duy nhất đang niêm yết và đứng sau Apax Leaders, mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia.... Như vậy, Egroup mất quyền công ty mẹ khi tỷ lệ sở hữu tại Apax Holdings đang ở mức 17,66%.
Cổ phiếu IBC đang bị cảnh cáo và hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2022 và chậm họp đại hội đồng cổ đông năm 2023. Ngoài ra đến nay, công ty này cũng chưa công bố báo cáo tài chính cả hai quý đầu năm 2023. Ông Thủy giải thích, thời gian qua công tác quản trị nội bộ phát sinh vấn đề, thiếu nhân sự và đang trong quá trình tái cấu trúc làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành báo cáo tài chính. Công ty dự kiến họp thường niên vào tháng 11.
Tất Đạt