Thưởng thức mâm cơm của người Thái ở Pù Luông

Thanh HóaẨm thực của người Thái ở Pù Luông có nhiều món ăn gây thương nhớ như cơm lam, vịt Cỗ Lũng, rau rừng.

Thiên nhiên trù phú ưu ái cho Pù Luông, vùng đất phía tây bắc Thanh Hóa những sản vật đa dạng. Chuyến du lịch khó trọn vẹn nếu thiếu đi trải nghiệm ẩm thực của người bản địa. Dưới đây là những đặc sản du khách nên thử trong kỳ nghỉ tại Pù Luông.

Mâm cơm của người Thái ở Pù Luông.

Vịt Cổ Lũng

Giống vịt Cổ Lũng là đặc sản ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước. Vịt mình bầu, cổ rụt, chân ngắn, lông có màu như chim sẻ với một viền khoang trắng quanh cổ. Do sinh trưởng giữa non nước Pù Luông với khí hậu trong lành, mát mẻ, vịt Cổ Lũng có nguồn thức ăn tự nhiên sạch, đa dạng. Thịt vịt từ đó cũng có hương vị khác biệt, chỉ luộc không thịt đã ngọt, thơm, chắc. Du khách có thể gọi vịt luộc, quay, nướng... tại các nhà hàng, homestay, khu nghỉ dưỡng ở Pù Luông.

Vịt quay.

Ốc núi

Ốc núi chủ yếu sống trong khe đá, hang đá trong rừng. Chúng không chỉ ăn rong rêu, cỏ dại mà còn thích ăn cả thảo dược mọc tự nhiên trong rừng. Thịt ốc sống trong tự nhiên chắc, thơm, bổ dưỡng. Đồng bào ở Pù Luông thường luộc, hấp ốc với gừng hay làm gỏi, xào ốc. Đặc biệt nhất là người Thái không dùng nước mắm chua ngọt với vị gừng xả, mà chấm ốc với sốt chẳm chéo.

Ốc đá.

Cơm lam

Cơm lam là món ăn giản dị hội tụ những hương thơm đặc trưng của thiên nhiên Pù Luông, từ nếp nương, ống lam đến lá chuối. Cơm lam nướng trên bếp củi đượm mùi khói, chỉ cần chấm thêm chút muối vừng là tròn vị, hoặc ăn kèm các món nướng, rau rừng cũng rất đưa cơm. Du khách còn có thể tự tay chuẩn bị và làm những ống cơm lam trong hoạt động lớp nấu ăn của một số homestay, khu nghỉ dưỡng.

Thịt gác bếp

Thịt gác bếp.

Thịt gác bếp là đặc sản của bà con dân tộc Thái ở các huyện Quan Hóa, Bá Thước. Đặc sản này có nhiều nhất vào dịp đầu năm, khi đồng bào dùng để đón Tết, tiếp khách. Thịt gác bếp có thể là thịt trâu, thịt ba chỉ... đem hun khói, sấy chậm để bên ngoài khô nhưng bên trong còn mềm, ngọt, màu hồng sậm. Hương vị đặc trưng không thể thiếu những gia vị núi rừng như mắc khé, ớt, gừng. Đặc sản này cũng hợp để du khách mua về làm quà.

Măng rừng

Mùa xuân, người Thái vào rừng một buổi có thể thu về cả bồ măng. Măng rừng luộc đăng đắng ban đầu có thể khiến thực khách nhăn mặt, nhưng càng ăn càng thấy vị ngọt hậu thanh thanh lưu lại nơi đầu lưỡi. Ngoài măng tươi luộc, người Thái còn làm măng chua để ăn quanh năm, nấu kèm với canh cá.

Cá nướng

Cá nướng.

Người dân Pù Luông thường nấu cá với măng chua, hoặc nướng cá với mắc khén. Cá ướp hành củ, nước mắm, muối tiêu đem nấu cùng măng chua tạo thành một tô canh hấp dẫn trên mâm cơm của người Thái. Còn cá suối ngọt thịt nướng trên than hồng dậy mùi thơm của mắc khén, ớt, sả. Du khách có thể cuốn cá nướng thành gỏi với rau rừng, bún tươi, dưa chuột, cà rốt... chấm thêm nước mắm cốt pha chua ngọt.

Rau rừng

Mâm cơm của người Thái không thể thiếu các loại rau rừng. Đó có thể là nộm hoa chuối rừng, nộm rau rừng, nộm hoa đu đủ đực, canh lá đắng nấu cùng lòng và tiết. Dù chế biến theo cách nào, những món rau dân dã luôn gói trọn tất cả nét tươi mới, sức sống của thiên nhiên Pù Luông đặt vào mâm cơm của người Thái.

Bài và ảnh: Xuân Mạnh

Adblock test (Why?)