Bà Vân, 59 tuổi, đã thực hiện hành trình ấp ủ trong ba năm, cùng con trai phượt xe máy xuyên ba nước Đông Dương trong hơn 3 tháng.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân ở Gia Lai đã thực hiện nhiều chuyến đi từ hơn 6 năm trước để thỏa đam mê xê dịch. Trong những hành trình dọc ngang, chuyến đi khiến bà nhớ nhất là cùng con trai Mai Tứ Quý (24 tuổi) phượt xe máy qua tất cả các tỉnh thành của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia từ 1/8 đến 13/11/2022.
Từ khi lên lớp 10 (năm 2015), Quý chia sẻ với mẹ thích hội họa và định hướng sau này theo ngành kiến trúc. Tôn trọng sở thích của con, bà Vân đã mua máy ảnh, sửa soạn hành trang để bắt đầu những chuyến đi, giúp con thư giãn và tiếp thu thêm kiến thức phục vụ cho ngành học sau này. Những chuyến đi có cả dài và ngắn ngày, đầu tiên là các tỉnh miền Tây, sau đó đến miền Trung, ra Bắc rồi sang Campuchia.
Chuyến phượt xuyên ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia được bà lên kế hoạch từ ba năm trước nhưng bị trì hoãn do dịch Covid - 19. Sau khi Quý tốt nghiệp đại học và có thời gian rảnh, đúng lúc cửa khẩu Lào mở cửa sau dịch, bà cùng con trai chuẩn bị hành trang gồm quần áo, đồ dùng sinh hoạt, thuốc, dụng cụ sửa xe. Với số tiền ban đầu 60 triệu đồng, họ lên đường.
Từ Gia Lai, mẹ con bà Vân di chuyển sang Lào qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và dành 24 ngày để khám phá toàn bộ các tỉnh thành của Lào. Hai mẹ con về Việt Nam qua cửa khẩu Lóng Sập (Sơn La) và bắt đầu khám phá từ các tỉnh miền núi phía Bắc, qua đồng bằng sông Hồng, men theo cung đường ven biển miền Trung để về lại Gia Lai. Từ đây, bà Vân và Quý di chuyển qua cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai) sang Campuchia. Sau 14 ngày khám phá, hai mẹ con trở về Việt Nam ở cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), đi hết các tỉnh miền Tây đến mũi Cà Mau rồi quay ngược về nhà.
Ba nước Đông Dương với điều kiện tự nhiên khác nhau nên vẻ đẹp của mỗi nước cũng có những nét riêng. Bà Vân ấn tượng với Lào bởi những đền, chùa lộng lẫy, nổi bật và khung cảnh mùa lúa chín vàng ươm, thơm lừng ở các tỉnh Sekong, Luang Prabang. Thời tiết ở Lào khá nóng và khắc nghiệt. Đổi lại, Lào có những món ăn rẻ và ngon miệng, đặc biệt là món cá nướng (Pa Phao Keua) và bia Lào. Người dân Lào thân thiện, hiếu khách, nhiều người nói tốt tiếng Việt khiến bà thích thú.
So với Lào, Campuchia không để lại cho bà Vân ấn tượng nhiều ngoài những điểm di tích, đền chùa cổ được bảo quản, trùng tu tốt. Kiến trúc đền chùa của Campuchia "gai góc, cứng rắn" hơn Lào. Các thành phố lớn ở Campuchia như thủ đô Phnom Penh khá xô bồ và giá cả đồ ăn, dịch vụ du lịch đắt đỏ hơn, bà chia sẻ.
Với kinh nghiệm đi phượt hơn 6 năm, bà Vân đã lên lịch trình để cùng con trai chiêm ngưỡng khung cảnh mỗi nơi vào khoảng thời gian đẹp nhất. Hai mẹ con đã chinh phục hết 4 cực của Tổ quốc; trải nghiệm Tứ đại đỉnh đèo; ngắm những ruộng lúa vàng ươm trong mùa lúa chín tại bản Phùng, bản Luộc (Hà Giang), Mù Cang Chải (Yên Bái); đến 14 cột mốc biên giới với Trung Quốc (Lạng Sơn - Móng Cái) trong mùa cỏ lau. Những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất nước như vịnh Hạ Long, Phong Nha - Kẻ Bàng hay những di tích lịch sử như Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, ngã ba Đông Dương đều xuất hiện trong danh sách những điểm hai mẹ con ghé thăm.
Bà Vân và con trai cũng thưởng thức đặc sản của từng vùng, miền như cá chép ruộng (Hà Giang); ong đất, nếp Tú Lệ (Yên Bái); gà đen nướng ống lồ ô (Kon Tum); bún mắm (các tỉnh miền Tây) để chuyến đi thêm trọn vẹn.
Cùng nhau ngắm bình minh, hoàng hôn trên cực Bắc Lũng Cú hay cực Nam Mũi Cà Mau, phất cờ Tổ quốc tại cột mốc số 0 ở cực Tây A Pa Chải, đến hải đăng Vĩnh Thực (Quảng Ninh) nằm ở vị trí đầu tiên trên đường biên giới biển của Tổ quốc, ghé thăm cột mốc 1305 trên "sống lưng khủng long" Bình Liêu hay chinh phục đèo Mẻ Pia dốc 14 tầng ở Cao Bằng là những trải nghiệm ấn tượng và đáng nhớ trong hành trình hơn 100 ngày rong ruổi trên chiếc xe máy của hai mẹ con.
"Những vùng biển đẹp trải dọc đất nước, những ngọn núi đá hùng vĩ cao chọc trời và những mảnh đất màu mỡ, trù phú, trồng được nhiều loại nông sản là điều mà Lào hay Campuchia đều không có được", bà Vân nói. Hà Giang và Cao Bằng là hai nơi có "thiên nhiên đẹp và hùng vĩ nhất".
Khi chuẩn bị làm thủ tục sang Campuchia, ngân sách ban đầu 60 triệu đồng của họ cạn kiệt. Bà được hai người em trai giúp đỡ về tài chính để hai mẹ con tiếp tục hành trình. Tính ra mỗi ngày, mẹ con bà chi tiêu khoảng 500.000 - 1 triệu đồng cho tất cả các sinh hoạt.
Suốt hơn ba tháng ròng rã trèo đèo, lội suối, chiếc xe máy của bà Vân đã phải sửa phanh, thay lốp nhiều lần. Sự cố nghiêm trọng nhất mà hai mẹ con gặp phải là lần bị ngã xe khi đang trên đèo lên Mù Cang Chải. Do mặc áo giáp đi xe máy, đệm bảo vệ đầu gối tay, chân và mũ bảo hiểm 3/4 nên cả hai không bị thương. Bà Vân khuyên những người có sở thích đi phượt nên trang bị đồ bảo hộ đầy đủ và chú ý quan sát đường đi để đảm bảo an toàn.
Quý luôn cảm thấy biết ơn mẹ vì đã là người đồng hành cùng anh trên mọi chặng đường. "Việc đi phượt dài ngày đòi hỏi phải có ý chí mạnh mẽ. Đôi lần muốn bỏ cuộc nhưng thấy mẹ quyết tâm thực hiện chuyến đi vì mình, tôi cũng có thêm động lực", Quý cho biết. Còn bà Vân hy vọng "chuyến đi sẽ mang đến cho con những hình ảnh, màu sắc đa dạng, mới mẻ, phục vụ cho công việc và cũng là đam mê thiết kế của con sau này".
Quỳnh Mai
Ảnh NVCC