Tỷ phú Warren Buffett - CEO Berkshire Hathaway - năm nay đã 92 tuổi, còn Tổng thống Joe Biden muốn điều hành nước Mỹ đến năm 86 tuổi.
Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, 650.000 người hơn 80 tuổi ở nước này năm ngoái vẫn làm việc. Con số này tăng 18% so với 10 năm trước. Một số phải quay lại làm việc vì lạm phát và thị trường chứng khoán biến động. Nhưng với rất nhiều người, lý do đơn giản chỉ là họ muốn thế.
Diễn viên Harrison Ford (80 tuổi) vừa ra mắt phần phim Indiana Jones mới nhất. Nhà động vật học Jane Goodall (89 tuổi) vẫn đang tìm cách bảo vệ loài tinh tinh. Ca sĩ Smokey Robinson (83 tuổi) vẫn đang đi tour. Và Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí muốn tái tranh cử. Việc Mỹ được điều hành bởi một tổng thống 86 tuổi đang làm dấy lên những cuộc thảo luận về việc con người có thể làm việc hiệu quả đến đâu khi đã ngoài 80.
Số liệu của giới chức Mỹ cũng cho thấy phần lớn người cao tuổi làm việc trong các vị trí quản lý, tài chính, các ngành nghề cần bằng cấp chuyên nghiệp. Daniel Jaffe (85 tuổi) - sáng lập hãng luật Jaffe Family Law Group tại Los Angeles - cho biết ông thích đến các hội thảo và tán gẫu trong các quán bar. Nếu không làm việc nữa, ông sẽ chẳng còn cơ hội làm những điều này.
"Xa mặt thì cách lòng thôi. Họ sẽ chẳng mời tôi đến tham dự các sự kiện nữa", ông cho biết.
Công ty của Jaffe chuyên xử lý các vụ ly dị của những người giàu có và nổi tiếng. Ông thích sự thách thức của công việc này: tìm cách để các cặp vợ chồng không ghét nhau sau ly hôn, hoặc không bị con cái ghét. Ông nói rằng mình đã bỏ lỡ mốc vàng để nghỉ hưu, nên vẫn sẽ tiếp tục làm việc.
Đi làm qua tuổi 80 đang trở thành xu hướng tại Mỹ. Trong các công ty thuộc chỉ số S&P 500, 1,6% thành viên HĐQT là từ 80 tuổi trở lên, tăng so với 1,3% thập kỷ trước, theo số liệu của hãng nghiên cứu Equila. Còn với nhóm CEO, có hai người trên 80 tuổi. Đó là CEO Berkshire Hathaway Warren Buffett (92 tuổi) và CEO Teledyne Technologies Robert Mehrabian 81 tuổi.
Equilar cho rằng dù nhiều công ty quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc với các lãnh đạo, họ thường có ngoại lệ cho những người quan trọng, hiểu biết về doanh nghiệp.
Cục Thống kê Lao động Mỹ dự báo tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động của nhóm từ 75 tuổi trở lên sẽ là 11,7% năm 2030. Năm 2020, con số này còn là 8,9%. Trong khi đó, tỷ lệ này với tất cả nhóm tuổi khác có thể giảm.
Nói cách khác, số người 75 tuổi trở lên vẫn còn làm việc tại Mỹ sẽ tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Số liệu công bố tháng trước bởi Cục Thống kê Mỹ cho thấy dân số nước này đang già hơn bao giờ hết. Tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng buộc nhiều người phải làm việc lâu hơn. Đây có thể là giải pháp cho tình trạng thiếu lao động hiện tại.
Andree Carlson năm nay 82 tuổi. Bà làm việc tại quầy hàng bánh trong siêu thị tại Georgia từ 6h sáng, 5 ngày mỗi tuần. Năm ngoái, khi đang đi mua sắm tại đây, và mặc đồng phục của hiệu bánh khác, Carlson đã nhận được lời mời đổi việc từ người quản lý siêu thị.
Khi đó, bà không thể tin mình được tuyển dụng. "Cô biết tôi già rồi đúng không?", bà hỏi lại. Nhưng sau đó, Carlson nhận ra những người lớn tuổi, có khả năng làm bánh, chấp nhận làm ca sớm và không phàn nàn như bà đang rất được săn đón.
Carlson không cần tiền. Bà thích cảm giác mình là người có ích. "Tôi làm việc cùng những người già như mình. Và tôi nghĩ phần lớn họ có lý do giống tôi. Chúng tôi thích có nơi để đi, có việc để làm và ai cũng muốn mình là người có ích", bà nói.
Nếu phải tưởng tượng hình ảnh của một doanh nhân khởi nghiệp ngành công nghệ, với startup mới nhất là một hãng an ninh mạng, không ai nghĩ đến CEO 87 tuổi như Marjorie Zingle.
"Tôi thích tham gia các cuộc họp, và khiến mọi người ngạc nhiên", CEO DataHiveSecure cho biết. Bà nổi tiếng trong lĩnh vực điện toán đám mây và khẳng định lĩnh vực này vẫn hấp dẫn với mình. Bên cạnh đó, vì là một góa phụ, Zingle không hào hứng với việc nghỉ hưu mà không có bạn đồng hành.
Vài thập kỷ qua, bà vẫn liên tục làm việc và tạo ra các công ty, để chứng minh cho những người nghi ngờ bà, rằng họ đã sai lầm. "Tôi không thể dừng lại được", Zingle cho biết.
Stephen Greyser (88 tuổi) đến nay vẫn làm cho Trường Kinh doanh Harvard và đã soạn thảo hơn 300 case study (tình huống nghiên cứu). Ông cho biết không có ý định phá vỡ kỷ lục (hơn 500 case study), mà chỉ thích làm công việc này. "Cái này được gọi là tình đồng nghiệp – sự hợp tác và cảm giác vui vẻ khi được ở trong một tổ chức", ông kết luận.
Hà Thu (theo WSJ)