Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam năm ngoái lãi sau thuế 331 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2021, gấp rưỡi kế hoạch được cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo giao.
Báo cáo tài chính của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ghi nhận doanh thu bán hàng năm ngoái đạt 2.387 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2021 và cao hơn 14% so với kế hoạch đề ra. Đây là nguồn thu từ sản xuất hơn 206 triệu bản sách giáo khoa.
Sau khi trừ giá vốn, nhà xuất bản lãi gộp 740 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều biến động mạnh khiến lợi nhuận sau thuế còn 331 tỷ đồng. Dù vậy, chỉ tiêu này vẫn vượt xa mục tiêu được giao và xác lập kỷ lục mới trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Trong số 7 công ty do nhà xuất bản nắm quyền chi phối, có 6 công ty báo lãi. Cổ tức nhà xuất bản nhận được từ các đơn vị này là 10 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, nhà xuất bản có tổng tài sản 1.270 tỷ đồng, giảm 340 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả giảm hơn phân nửa, từ khoảng 700 tỷ đồng còn dưới 320 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tăng ba năm liên tiếp theo đà tăng của giá sách giáo khoa. Lãnh đạo nhà xuất bản từng giải thích rằng giá cao bởi chi phí tăng ở cả bốn yếu tố cấu thành giá bán là số lượng cuốn sách trong một bộ sách, chi phí tổ chức bản thảo, chi phí vật tư và chi phí tiếp thị.
Trong báo cáo gửi cơ quan chủ quản và Bộ Tài chính, nhà xuất bản nói rằng hoạt động sản xuất kinh doanh năm ngoái vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết vấn đề được liệt kê lặp lại báo cáo của năm 2021.
Cụ thể, đơn vị này cho biết tác động tiêu cực của đại dịch, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế thế giới... gây nên những bất thường trong tỷ giá, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển. Điều này ảnh hưởng lớn đến việc đảm bảo nguồn lực tài chính, chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm của nhà xuất bản.
Lãnh đạo nhà xuất bản nói thêm tình hình cạnh tranh trong xuất bản sách giáo khoa ngày càng tăng. Việc báo chí và dư luận xã hội phản ánh thông tin về nhà xuất bản cũng gây nên nhiều bất lợi, tác động đến hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra đến làm việc cũng gây nên tâm lý lo lắng cho đội ngũ cán bộ và người lao động.
Cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ xác định Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, độc quyền để đăng ký giá sách giáo khoa "cao bất hợp lý".
Theo quy định tại Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá mà do doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính. Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về giá sách đã kê khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá việc này có thể dẫn đến hiện tượng giá cao, thấp khác nhau. Trong khi đó, sách giáo khoa thuộc nhóm vật tư giáo dục thiết yếu của học sinh; ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt là người dân vùng khó khăn.
Theo Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15 hồi tháng 6/2022, sách giáo khoa sẽ được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi Luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo phương thức chào hàng cạnh tranh cũng được Thanh tra Chính phủ đánh giá có nhiều bất thường, chưa đảm bảo công bằng, hiệu quả kinh tế. Cụ thể, nhà xuất bản xác định nhu cầu sản xuất không sát thực tế nên lượng hàng tồn kho lớn. Việc này làm tăng chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dẫn đến giảm hiệu quả sử dụng vốn. Đơn vị còn sử dụng giấy in định lượng thấp hơn định lượng giấy in sách thường theo Tiêu chuẩn quốc gia.
Đến tháng 2 năm nay, ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, bị bắt với cáo buộc có sai phạm trong đấu thầu cung cấp giấy in.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có vốn điều lệ 596 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100%.
Theo quy định, đơn vị này phải công bố thông tin định kỳ bao gồm cả báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng. Tuy nhiên, đơn vị này thường xuyên trễ hẹn, thậm chí không công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư, báo cáo tài chính...
Phương Đông