Người châu Âu đang nghèo đi

Người dân châu Âu đang đối mặt với hiện thực kinh tế mới mà họ chưa từng trải qua suốt nhiều thập kỷ - đó là họ đang trở nên nghèo hơn.

Cuộc sống tại lục địa từ lâu khiến thế giới phải ghen tị về phong cách sống đang dần mất đi ánh hào quang, khi người châu Âu nhận thấy sức mua của họ dần giảm sút. Người Pháp đang ăn ít gan ngỗng và uống ít rượu vang đỏ hơn. Người Phần Lan cũng dùng phòng xông hơi vào những ngày nhiều gió – khi tiền điện bớt đắt đỏ.

Tại Đức, tiêu thụ thịt và sữa hiện thấp nhất 3 thập kỷ. Thị trường đồ ăn hữu cơ từng bùng nổ tại đây cũng đang lao dốc. Hồi tháng 5, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Italy Adolfo Urso cũng triệu tập cuộc họp khẩn cấp khi giá mỳ Ý - đồ ăn thiết yếu của nước này - tăng với tốc độ gấp đôi lạm phát quốc gia.

Khi tiêu dùng rơi tự do, châu Âu cũng bước chân vào suy thoái từ đầu năm nay. Đây là điều đã được dự báo từ lâu. Nhiều năm qua, việc dân số già đi, người lao động ưu tiên có nhiều thời gian rảnh và công việc ổn định hơn là tăng thu nhập đã khiến tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động tại đây trì trệ. Sau đó, Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine lần lượt xuất hiện. Việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị bóp nghẹt và giá năng lượng, thực phẩm tăng vọt đã làm trầm trọng thêm tình hình tại đây.

Trong khi đó, phản ứng của các chính phủ chỉ làm phức tạp thêm vấn đề. Để giữ việc làm, họ tập trung trợ cấp cho các chủ doanh nghiệp, khiến người tiêu dùng không có tiền mặt dự trữ khi cú sốc giá xảy ra. Người Mỹ thì ngược lại – họ hưởng lợi từ giá nhiên liệu đã hạ nhiệt và các khoản hỗ trợ trực tiếp của chính phủ để duy trì tiêu dùng.

Một phụ nữ rời điểm phân phối thực phẩm ở Berlin (Đức). Ảnh: AP

Một phụ nữ rời điểm phân phối thực phẩm ở Berlin (Đức). Ảnh: AP

Trước đây, châu Âu có thể trông chờ vào lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, khi Trung Quốc - thị trường chủ chốt cho hàng châu Âu - còn chưa hồi phục, động cơ tăng trưởng này chưa phát huy tác dụng.

Chi phí năng lượng cao và lạm phát ở mức cao nhất 50 năm cũng đang ăn mòn lợi thế giá của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Khi thương mại toàn cầu co lại, việc châu Âu dựa nhiều vào xuất khẩu lại trở thành một điểm yếu. Xuất khẩu hiện đóng góp 50% GDP khu vực đồng euro, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 10% tại Mỹ.

Sau khi điều chỉnh theo lạm phát và sức mua, lương lao động tại Đức đã giảm 3% kể từ năm 2019. Mức giảm tại Italy và Tây Ban Nha cùng là 3,5%, còn Hy Lạp là 6%. Trong khi đó, lương thực tế tại Mỹ lại tăng 6% trong cùng kỳ, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)

Ngay cả tầng lớp trung lưu cũng cảm nhận được sự "nghèo đi". Tại Brussels (Bỉ) – một trong những thành phố giàu nhất châu Âu, các giáo viên và y tá xếp hàng buổi tối để mua đồ nửa giá từ một chiếc xe tải. Bên bán hàng là Happy Hours Market, chuyên gom thực phẩm gần hết hạn từ các siêu thị, sau đó bán hàng trên ứng dụng. Khách mua có thể đặt từ đầu giờ chiều, và nhận hàng vào buổi tối.

"Một số khách hàng nói với tôi rằng: ‘Nhờ có các anh, tôi mới được ăn thịt 2-3 lần một tuần’", Pierre van Hede – người giao hàng cho biết.

Karim Bouazza – một y tá 33 tuổi – hôm đó đến nhận thịt và cá cho vợ và hai con ở nhà. Anh phàn nàn lạm phát khiến "bạn gần như cần làm thêm một việc nữa để chi trả cho mọi thứ".

Các dịch vụ tương tự đang mọc lên trên khắp châu Âu, quảng cáo là cách vừa tiết kiệm tiền, vừa giảm lãng phí thực phẩm. TooGoodToGo thành lập năm 2015 tại Đan Mạch, chuyên bán thực phẩm thừa từ các hãng bán lẻ và nhà hàng. Họ hiện có 76 triệu người đăng ký trên khắp châu Âu – gấp 3 lần cuối năm 2020.

Tại Đức, Sirplus – một startup thành lập năm 2017 – cũng rao bán "thực phẩm cần giải cứu", như các sản phẩm đã quá hạn. Motatos – thành lập tại Thụy Điển năm 2014 – nay còn hiện diện ở Phần Lan, Đức, Đan Mạch và Anh.

Chi tiêu với nhóm thực phẩm cao cấp cũng lao dốc. Đức tiêu thụ 52 kg thịt mỗi người năm 2022, ít hơn 8% so với năm trước đó và cũng là thấp nhất kể từ năm 1989. Dù một phần lý do là người dân muốn ăn uống lành mạnh và nhân đạo với động vật hơn, các chuyên gia cho rằng xu hướng này càng tăng tốc khi giá thịt vài tháng gần đây đã lên 30%. Người Đức cũng bớt ăn thịt bò để chuyển sang các loại rẻ hơn, như thịt gà, theo Trung tâm Thông tin Nông nghiệp Liên bang Đức.

Thomas Wolff – một người bán thực phẩm hữu cơ gần Frankfurt cho biết doanh số bán hàng giảm tới 30% năm ngoái, khi lạm phát tăng tốc. Trước đó, Wolff từng tuyển 33 người để đáp ứng nhu cầu đồ ăn hữu cơ đắt đỏ. Nhưng anh giờ đã phải cho toàn bộ nghỉ việc.

Ronja Ebeling – một tư vấn viên 26 tuổi tại Hamburg – cho biết luôn tiết kiệm khoảng một phần tư thu nhập, một phần vì lo tiền lương hưu khi về già. Cô ít chi tiền cho quần áo, mỹ phẩm và dùng chung ôtô với một người bạn.

Tiêu dùng yếu và dân số già cũng khiến châu Âu kém hấp dẫn với các doanh nghiệp, từ đại gia hàng tiêu dùng P&G đến đế chế hàng xa xỉ LVMH. "Người Mỹ hiện chi tiêu mạnh tay hơn người châu Âu", Giám đốc Tài chính của Unilever Graeme Pitkethly cho biết hồi tháng 4.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế eurozone tăng trưởng 6% trong 15 năm qua, nếu tính theo USD. Trong khi đó, Mỹ tăng tới 82%.

Tăng trưởng yếu và lãi suất cao đang gây sức ép lên hệ thống an sinh xã hội vốn rất hào phóng của châu Âu. Các nhà kinh tế học cho rằng việc các chính phủ tung hàng trăm tỷ USD để trợ giá, giảm thuế nhằm bù đắp chi phí nhiên liệu cao có thể đang kéo lạm phát lên cao hơn.

Vivek Trivedi (31 tuổi) sống tại Manchester (Anh), kiếm được 51.000 bảng (67.000 USD) mỗi năm. Nhưng hiện tại, khi lạm phát ở Anh duy trì trên 10% gần một năm qua, chi tiêu hàng tháng của Trivedi cũng phải điều chỉnh. Anh mua thực phẩm ở những nơi giảm giá và bớt ăn ngoài. Một số đồng nghiệp của Trivedi còn phải tắt sưởi hoàn toàn trong nhiều tháng vì sợ chi phí tăng cao.

Huw Pill – nhà kinh tế học tại Ngân hàng Trung ương Anh hồi tháng 4 cảnh báo người Anh nên chấp nhận rằng họ đang nghèo đi và dừng yêu cầu tăng lương. "Đúng vậy, tất cả chúng ta đều đang nghèo đi", ông cho biết. Pill giải thích rằng tìm cách bù đắp tăng giá bằng tăng lương sẽ chỉ càng khiến lạm phát thêm nghiêm trọng.

Giới phân tích dự đoán khi chi phí quốc phòng tăng lên và lãi vay ở mức cao, các chính phủ châu Âu sớm muộn cũng sẽ tăng thuế. Thuế tại châu Âu vốn đã ở mức cao so với các nước phát triển khác. Người Mỹ có thể giữ khoảng ba phần tư thu nhập sau khi nộp các loại thuế. Nhưng người Pháp và Đức thì chỉ còn nửa.

Nhiều công đoàn châu Âu đang đấu tranh giảm giờ làm, thay vì tăng lương. IG Metall – công đoàn lớn nhất Đức – đang kêu gọi giữ nguyên mức lương, nhưng tuần chỉ làm 4 ngày. Họ cho rằng tuần làm việc ngắn hơn sẽ cải thiện tâm lý và chất lượng cuộc sống của lao động, đồng thời thu hút nhân lực trẻ.

Kristian Kallio – lập trình viên game tại phía bắc Phần Lan – gần đây đã giảm 20% số giờ làm việc trong tuần, chấp nhận giảm 10% lương. Một phần ba đồng nghiệp của anh cũng chọn cách này. Thời gian rảnh rỗi, anh làm việc mình thích, như nấu ăn và đạp xe đường dài. "Tôi không muốn quay về giờ đi làm như trước kia", anh nói.

Tại một nhà máy ôtô ở Melfi (Italy), các nhân viên từ nhiều năm nay đã giảm giờ làm, vì nguyên liệu khó kiếm và chi phí năng lượng cao. Số giờ làm gần đây giảm 30% và lương cũng giảm tương ứng. "Lạm phát cao và giá năng lượng đều khiến việc gồng gánh chi phí gia đình thêm khó khăn", Marco Lomio – nhân viên tại nhà máy cho biết.

Hà Thu (theo WSJ)

Adblock test (Why?)