Dù nhàm chán gây khó chịu nhưng cũng là cơ hội để thay đổi tốt hơn nếu biết cách xác định nguyên nhân, đặc điểm và cách giải quyết.
Ai cũng từng thấy nhàm chán trong công việc. Nó khiến chúng ta cảm thấy lãng phí thời gian, bỏ lỡ cơ hội làm điều gì đó hiệu quả hơn, hoặc tệ hơn là tạo ra trạng thái cảm giác vô nghĩa. Tuy nhiên, nhàm chán cũng có thể mang lại những lợi ích quan trọng và bạn sẽ lãng phí chúng nếu không chú ý đến.
Ưu - nhược điểm nhàm chán trong công việc
Nhàm chán mang tiếng xấu đều có nguyên nhân. Ở văn phòng, điều này thường dẫn đến tình trạng giảm năng suất, tuyệt vọng ở vai trò mới hoặc chỉ đơn giản là mong muốn ngày làm việc nhanh kết thúc.
Nhàm chán có thể dẫn đến những quyết định sai lầm trong công việc do thiếu chú ý hoặc tập trung. Nó cũng gây ra các vấn đề khác, chẳng hạn lướt mạng trong giờ làm, kiệt sức, giảm sự hài lòng trong công việc và tăng mong muốn nghỉ việc.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy nhàm chán – khi được giải quyết vấn đề cách tích cực – cũng có lợi ích. Những khoảnh khắc nhàm chán có thể mang đến thời gian nghỉ ngơi ngắn cho bộ não và cơ thể bạn trong thế giới rối rắm. Cảm giác nhàm chán có thể tạo ra không gian mơ mộng, từ đó có thể khơi dậy sáng tạo, những ý tưởng đổi mới.
Cách tận dụng sự nhàm chán hiệu quả
Alyson Meister, Giáo sư về lãnh đạo và hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh IMD (Thụy Sĩ) và Aksinia Stavskaya, nhà huấn luyện về nhân sự và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Bocconi (Italy) không khuyến khích tìm kiếm những công việc mà bạn sẽ cảm thấy nhàm chán phần lớn thời gian trong ngày. Tuy nhiên, ứng xử tốt với những khoảnh khắc nhàm chán có thể giúp khai thác những mặt tích cực. Sau đây là 4 bước gợi ý của nhóm chuyên gia.
Đầu tiên là nhận biết. Nếu thấy khó chịu vì nhàm chán, hãy tránh hành động ngay lập tức. Nhận biết và xác định rõ nhàm chán nhằm định hướng một cách có chủ ý, mang đến cơ hội phát triển khả năng phục hồi và khả năng sử dụng nhàm chán cho những mục đích tích cực. Quan trọng nhất, trong lúc nhàm chán, đừng đưa ra quyết định vội vàng (như nghỉ việc) để thoát khỏi sự khó chịu.
Bước tiếp theo là giải mã. Không phải tất cả cảm giác nhàm chán đều giống nhau. Nghiên cứu cho thấy có nhiều kiểu nhàm chán, không có cùng biểu hiện trong cơ thể và tâm trí, dẫn đến các hành vi khác nhau. Giải mã sớm những loại cảm xúc có thể giúp bạn lập chiến lược đối phó hoặc ngăn không cho sự nhàm chán gia tăng.
Hãy tự hỏi bản thân nhàm chán đang cảnh báo bạn điều gì. Có thể đơn giản là bạn cần chút thời gian thư giãn vì bạn làm việc quá lâu mà không nghỉ ngơi và đang cảm thấy mệt mỏi? Hoặc có thể công việc của bạn đang trở nên đơn điệu và bạn đang mất đi động lực và năng lượng. Sau đây là 5 loại nhàm chán:
Nhàm chán vô tư: Đây là một trong những kiểu nhàm chán tích cực. Nó có thể giống như cảm giác mệt mỏi nhưng đầy niềm vui, đồng thời cũng phản ánh sự thờ ơ nói chung với thế giới bên ngoài. Kiểu nhàm chán này có thể giúp tăng cường nghỉ ngơi và phục hồi, đặc biệt trong những ngày bận rộn.
Nhàm chán định mức: Loại này khó chịu hơn một chút và thuộc nhóm phổ biến nhất. Nó xảy ra khi bạn không hoàn toàn tập trung vào một công việc hoặc hoạt động và tâm trí bạn bắt đầu thơ thẩn. Nó có thể xuất hiện dưới dạng suy nghĩ vẩn vơ hoặc không biết phải làm gì để thay đổi tình hình này, nhưng vẫn muốn thoát khỏi nó bằng mọi cách.
Nhàm chán tìm kiếm: Loại này phản ánh sự bồn chồn và tích cực tìm kiếm hành động nhằm giảm bớt cảm giác tiêu cực (ví dụ thông qua các hoạt động khác như giải trí). Mặc dù không thoải mái, kiểu nhàm chán này lại kích thích hoạt động, theo đuổi sự thay đổi và thường mang đến kết quả tích cực, như sáng tạo, đổi mới, và phát triển bản thân.
Nhàm chán phản ứng: Loại nhàm chán này phát sinh trong những tình huống một người được yêu cầu thực hiện một nhiệm vụ lặp đi lặp lại hoặc tẻ nhạt. Đó là kiểu nhàm chán vô cùng khó chịu và có chiều hướng tạo ra hành động, thể hiện theo kiểu tức giận hoặc hung hăng. Những người có cảm giác này có thể liên tục nghĩ đến các lựa chọn công việc khác hoặc thoát khỏi một cách nhanh chóng.
Nhàm chán vô cảm: Điều này có thể liên quan đến cảm giác không hứng thú, thiếu động lực, và không có cảm xúc với các hoạt động hoặc sự kiện mà người khác thường thấy kích thích hay thú vị. Nhàm chán vô cảm không nhất thiết đi kèm với cảm giác thất vọng hay bồn chồn mà là kèm theo cảm giác thờ ơ.
Nó có thể xảy ra do căng thẳng kéo dài, trầm cảm, hoặc các vấn đề sức khỏe tinh thần khác và có thể dẫn đến cảm giác bất lực, tuyệt vọng. Những người có cảm giác nhàm chán vô cảm có thể cảm thấy giống như họ đang sống mà không có bất kỳ mục tiêu hay niềm vui thực sự nào.
Bước ba, quyết định hành động. Dựa trên loại cảm giác nhàm chán và điều nó cảnh báo về bản thân hoặc hoàn cảnh của bạn, hãy quyết định điều cần phải làm phù hợp với loại đó. Có thể cảm giác nhàm chán chỉ đơn giản để cho bạn thư giãn và xả hơi sau thời gian làm việc đầy căng thẳng; hoặc có lẽ nó đang cho bạn biết điều gì đó về chính chức vụ của bạn.
Tất cả chức vụ đều có vài yếu tố đơn điệu, khó chịu hoặc đơn giản là nhàm chán, và đôi khi những nhiệm vụ này phải hoàn thành để đạt được thành quả trong công việc. Nếu bạn thấy bản thân thường xuyên nhàm chán, hãy cố gắng khai thác sự nhàm chán này để tạo xúc tác cho việc thay đổi.
Ví dụ, tạo ra sự thay đổi đối với loại, tính chất, mức độ phức tạp, hoặc tầm quan trọng các nhiệm vụ bạn đang làm. Bạn có thể cố tình trốn tránh cảm giác nhàm chán bằng cách tìm kiếm, hình dung, và ủng hộ những ý tưởng mới trong công việc, điều này cũng có thể nâng cao khả năng và tiềm năng lãnh đạo của bạn.
Bước cuối, bồi dưỡng sự nhàm chán đầy thông minh. Những khoảnh khắc nhàm chán có thể là cơ hội giúp bạn thư giãn khỏi thế giới có nhịp độ nhanh và siêu kết nối. Tận dụng nó thay vì để trôi qua vô ích cho những ý định tích cực. Ví dụ, dành thời gian hít thở, thực hiện một hoạt động khác bạn cho là thử thách.
Nhìn chung, thích ứng với cảm giác nhàm chán có thể giúp bạn phát triển sáng tạo, phục hồi, và khả năng thích ứng với các tình huống mới. Vì vậy, thay vì cố gắng trốn tránh hay phớt lờ nó, hãy xem nhàm chán như một công cụ có giá trị phát triển bản thân và là cách hướng đến cuộc sống trọn vẹn hơn.
Phiên An (theo Harvard Business Review)