Blackpink - nhóm nhạc nữ Hàn Quốc sắp có buổi biểu diễn tại Hà Nội - thu về gần 164 triệu USD tiền vé chỉ trong 40 đêm lưu diễn.
Số liệu từ Touring Data - một nền tảng theo dõi doanh thu phòng vé độc lập - cho thấy 40 đêm thuộc chuyến lưu diễn quanh thế giới Born Pink World Tour của Blackpink đạt doanh thu khoảng 163,8 triệu USD, với hơn 900.000 vé tiêu thụ. Trung bình mỗi đêm diễn, nhóm nhạc này thu về hơn 4 triệu USD với khoảng 22.600 khán giả. Các con số kể trên chưa gồm 24 đêm diễn vẫn chưa được thống kê.
Blackpink vì thế trở thành nhóm nhạc có doanh thu một chuỗi buổi biểu diễn (concert) cao nhất lịch sử. Trước đó, kỷ lục này thuộc về nhóm nhạc nữ nổi tiếng của Anh - Spice Girls với Spice World Tour 2019 có doanh thu 78,2 triệu USD cùng gần 700.000 khán giả.
Born Pink World Tour là chuyến lưu diễn thứ hai của Blackpink, khởi động từ giữa tháng 10/2022, với lịch trình dày đặc tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương với tổng cộng 64 đêm diễn thành công. Cuối tháng 7, nhóm này có thêm hai đêm diễn tại Hà Nội.
Không riêng Blackpink, ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc nói chung đang thu lợi lớn từ các buổi biểu diễn sau đại dịch. Tính riêng 10 chuỗi concert K-pop có doanh thu cao nhất giai đoạn 2022-2023, tổng số tiền các thần tượng Hàn Quốc mang về lên đến gần 420 triệu USD.
Bên cạnh kinh doanh đĩa nhạc (album), concert cũng là nguồn thu quan trọng của ngành âm nhạc Hàn Quốc. Trung bình, mỗi buổi biểu diễn đón khoảng 10.000 khán giả. Có buổi ghi nhận đến 40.000-75.000 người. Tính theo tiền Việt, giá vé trung bình mỗi concert khoảng 2-5 triệu đồng, tùy nơi tổ chức và danh tiếng của ca sĩ.
Không chỉ giới hạn trong nước, các công ty giải trí Hàn Quốc còn mở rộng địa điểm tổ chức concert ra nhiều quốc gia châu Á và một số thành phố lớn ở phương Tây. Theo tính toán của Công ty chứng khoán Hyundai Motor, khoảng 2,85 triệu người dự kiến tham dự các buổi concert K-pop tại nước ngoài trong năm 2022.
Theo công ty nghiên cứu Research & Markets, thị trường sự kiện K-pop toàn cầu được định giá 8,1 tỷ USD năm 2021. Con số trên dự đoán tăng lên 20 tỷ USD năm 2031. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của giai đoạn này đạt 7,3%.
Tại các buổi concert, người hâm mộ không chỉ chi tiền mua vé tham dự mà còn tiêu thụ thêm các sản phẩm có gắn hình ảnh thần tượng (goods). Phổ biến là tấm ảnh nhỏ in hình thần tượng (card), ảnh to (poster), gậy phát sáng dùng để cổ vũ (lightstick), nhãn dán in biểu tượng nhóm nhạc (sticker), trang sức, quần áo, phụ kiện thời trang...
Theo số liệu mới nhất từ Cơ quan Nội dung Sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA), doanh thu goods tính chung cho các đợt concert, ra mắt album và sự kiện đạt 150 tỷ won trong năm 2018, gồm cả các mặt hàng do tư nhân sản xuất và hàng vi phạm bản quyền.
Sự phổ biến của các thần tượng K-pop trở thành nguồn tài nguyên quý giá của các công ty chủ quản. SM Entertainment, YG Entertainment, JYP Entertainment và Hybe hiện được gọi là "Big 4" trong ngành giải trí Hàn Quốc.
Năm ngoái, tổng doanh thu của "Big 4" đạt gần 2,6 tỷ USD với lợi nhuận ròng hơn 0,5 tỷ USD. Chỉ xét riêng doanh thu, các thần tượng đến từ 4 công ty kể trên đã mang về số tiền tương đương một nửa quy mô kinh tế của các "thiên đường du lịch" như Maldives, Fiji, Barbados...
Tiểu Gu