Trong đợt tái cấu trúc đầu tiên, ông Nguyễn Ngọc Thủy mở lại 31 trung tâm Anh ngữ, thỏa thuận 300 nhà đầu tư đổi nợ lấy bất động sản.
Tính đến 31/3, Tập đoàn Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy mở cửa trở lại 31 trung tâm dạy tiếng Anh Apax Leaders - Apax English. Hiện chuỗi này có 7 chi nhánh tại Hà Nội, 5 điểm dạy tại TP HCM, số còn lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ. Việc mở cửa trở lại 31 trung tâm Apax Leaders giúp Egroup hoàn thành giai đoạn một trong kế hoạch tái cấu trúc sau loạt khủng hoảng nợ lương giáo viên, chậm thanh toán lãi và gốc cho nhà đầu tư, chậm bồi thường học phí cho phụ huynh khi đóng cửa chi nhánh.
Cần 180 tỷ đồng để mở lại 52 trung tâm
Nói với VnExpress, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Apax Leaders, cho rằng ba yếu tố quan trọng nhất của một trung tâm Anh ngữ là chương trình học, giáo viên và chăm sóc khách hàng. Bước đầu, họ đã hoàn thành ký hợp đồng với đối tác cung cấp chương trình dạy học.
Trong thời gian tới, công ty sẽ kiện toàn hệ thống chăm sóc khách hàng, rà soát và chuẩn hóa 80% quy trình, quy định theo hướng đơn giản hóa để nhân viên có thể triển khai công việc nhanh chóng. Đồng thời, ban lãnh đạo sẽ cơ cấu lại công ty gọn nhẹ nhằm tiết kiệm chi phí và đạt hiệu quả cao. "Chúng tôi sẽ áp dụng điều này trong vòng 3 tháng tới và hy vọng kiện toàn trong 8 tháng", ông Tuấn nói.
Hiện tại, hệ thống này vẫn gặp vấn đề thiếu giáo viên và "đang rất nỗ lực" tuyển dụng giáo viên bản ngữ. Ngoài ra, tổng số học viên trở lại chỉ khoảng 14.000, thấp hơn hẳn trước đây. Đại diện Apax nói khi mở cửa trở lại, có 3 trung tâm gặp vấn đề từ phía phụ huynh và chủ mặt bằng nên hoạt động gián đoạn. Riêng trung tâm Phan Xích Long (TP HCM) ghi nhận nhiều người kéo băng rôn đến gây áp lực. Tại trung tâm Phan Văn Trị (TP HCM) cũng xuất hiện nhóm biểu tình, khiến chủ mặt bằng quyết định đóng cửa suốt tuần qua.
Trong buổi đối thoại với phụ huynh tại TP HCM gần đây, ông Nguyễn Ngọc Thủy hứa sẽ trả học phí từ tháng 6. Trước đó, thời hạn Apax Leaders đưa ra với phụ huynh là từ tháng 11. Đại diện nhóm gần 1.000 phụ huynh cho biết, những buổi họp gần đây, ban lãnh đạo Apax "làm việc chú tâm và có trách nhiệm hơn" so với những lần đầu tiếp xúc. Nhiều phụ huynh thuộc nhóm này đồng ý với lộ trình trả học phí sắp tới và đang làm đơn để công ty thống kê, sắp xếp chi trả. Tuy nhiên, việc chia nhỏ thành từng lần thanh toán khiến các phụ huynh gặp khó về tài chính, nhất là nhóm vay ngân hàng hoặc vay trả góp qua công ty tài chính, vẫn chưa hài lòng.
Mục tiêu sắp tới, Apax English - Apax Leaders sẽ mở cửa trở lại 3-5 trung tâm trong tháng 4, đến tháng 5 sẽ đạt con số 44 trung tâm. Chuỗi dạy tiếng Anh này muốn lấy lại mốc 52 chi nhánh vào tháng 6. Ông Tuấn cho biết, một số chi nhánh trong kế hoạch đều phải xây dựng lại toàn bộ.
Để lấy lại số lượng trung tâm kể trên và tiếp tục tái cấu trúc đến cuối năm, Apax cần khoảng 180 tỷ đồng. Đại diện công ty nói đã có nhiều nhà đầu tư ủng hộ tài chính. Cuối tháng 2, ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup, đích thân kêu gọi nhà đầu tư góp tiền hỗ trợ quá trình khôi phục Apax. Trong ngày đầu kêu gọi, hơn 130 nhà đầu tư đã góp hơn một tỷ đồng.
"Đây là điều tích cực và cho thấy rằng, đây là thời điểm vàng để Apax phục hồi như xưa vì toàn bộ ban lãnh đạo, nhân viên, nhà đầu tư đều đồng lòng, dốc sức đưa Apax trở lại quỹ đạo như những năm 2018 - 2019 trở về trước", ông Tuấn tự đánh giá.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư cho rằng phương án này vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro. "Lấy lại số lượng trung tâm như trước khủng hoảng chưa chắc giúp Apax thành công vì mọi chuyện giờ đây đã khác", một nhà đầu tư gắn bó với Egroup từ năm 2017 nhận định.
Người này đồng ý trong giai đoạn trước năm 2019, chuỗi trung tâm Anh ngữ của ông Nguyễn Ngọc Thủy được đánh giá rất cao, mạng lưới rộng khắp và có vị thế lớn nhất nhì thị trường. Tuy nhiên sau khủng hoảng, Apax Leaders khó giữ được uy tín, đội ngũ giáo viên chất lượng - vốn là điểm bán hàng đặc trưng (USP) của chuỗi, cũng khó huy động dồi dào như trước. Chưa kể, trong thời gian này, các đối thủ có thêm cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Người này cho biết, ít nhất có hai chuỗi dạy tiếng Anh lớn đã "giành" được khách hàng từ Apax khi áp dụng chương trình hỗ trợ học phí cho học viên bị ảnh hưởng trong đợt khủng hoảng vừa rồi.
300 nhà đầu tư đồng ý hoán đổi nợ lấy bất động sản
Song song với việc khôi phục hoạt động kinh doanh của Apax, Egroup cũng tìm cách hoàn thành nghĩa vụ tài chính với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu hoặc ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với các công ty con Egame, Ecapital. Doanh nghiệp này đề ra phương án đổi nợ lấy bất động sản.
Tùy theo quy mô khoản nợ mà Egroup đưa ra hai dự án để nhà đầu tư lựa chọn hoán đổi. Thứ nhất, những nhà đầu tư đang có dư nợ dưới một tỷ đồng có thể hoán đổi sang dự án 75 lô đất nền ở Thanh Hóa. Chủ đầu tư là Công ty Đại Nam Á, mỗi nền có diện tích 100-194m2, đồng giá 300 triệu đồng. Ban lãnh đạo khẳng định tất cả đều đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu chọn hoán đổi, Egroup sẽ cấn nợ 100 triệu đồng và nhà đầu tư cần bỏ thêm 200 triệu đồng để sở hữu.
Thứ hai, nhóm có dư nợ trên một tỷ đồng được giới thiệu 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng thuộc dự án Wynham SkyLake Resort & Golf Club (Chương Mỹ, Hà Nội). Dự án này diện tích đa dạng, giá từ 12,5 tỷ đồng trở lên. Egroup sẽ trả 6 tỷ đồng, tùy sản phẩm mà nhà đầu tư sẽ bỏ thêm tiền mặt tương ứng để sở hữu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đến nay đã có hơn 300 nhà đầu tư đồng ý hoán đổi bất động sản. Hiện tại nhóm này đã lựa xong sản phẩm, trong đó có 100 lượt hoán đổi thành công. "Công ty đang làm việc với các đối tác để tiếp tục có những tài sản hoán đổi phù hợp và đảm bảo lợi ích cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu cho đôi bên", ông nói thêm.
Ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ ông Nguyễn Ngọc Thủy hoàn thành nghĩa vụ tài chính bằng tiền, thay vì hoán đổi sang dạng tài sản khác. Dương Quân - một nhà đầu tư ở Hà Nội, cùng gia đình góp hơn 3 tỷ đồng vào hệ sinh thái Egroup, là một trong nhiều người không đồng ý hoán đổi nợ sang bất động sản. Ngoài việc gia đình đang gặp khó về tài chính sau khi bị chậm trả lãi, anh cũng cho rằng phương án trên không hợp lý.
Thứ nhất, giá trị bất động sản hoán đổi chỉ có thể do Egroup quyết định. Anh Quân đã tra cứu và tham khảo một số sản phẩm và cho rằng mức giá mà công ty đưa ra cao hơn hẳn mặt bằng chung thị trường. Thứ hai, bất động sản là loại tài sản có tính thanh khoản không cao, nhất là giai đoạn thị trường ảm đạm hiện nay. Nhà đầu tư này cho rằng, nếu chấp nhận hoán đổi, đến lúc bản thân cần tiền gấp sẽ rất khó thực hiện giao dịch ngay.
Hiện tại ngoài việc hoán đổi nợ bằng bất động sản, Egroup cho biết đang tìm kiếm những giải pháp khác để nhà đầu tư "cùng tái cấu trúc hệ thống, giúp hoạt động kinh doanh phục hồi để giải quyết một phần công nợ". Trước mắt, công ty đưa ra gói đầu tư hợp tác mở trung tâm Apax với vốn ban đầu 3 tỷ đồng. Nhà đầu tư sẽ được chia 40% lợi nhuận và nhận lãi từ tháng vận hành thứ 7. Với giả định 700 học sinh, công ty ước tính nhà đầu tư có thể hoàn vốn sau 30 tháng và thu về 2,2-2,3 số tiền ban đầu sau 60 tháng.
"Tất nhiên vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư và phụ huynh bức xúc, việc này chỉ chấm dứt khi công ty tái cấu trúc thành công", ông Thủy nói và từ chối tiết lộ số lượng nhà đầu tư vẫn đang phản hồi. Ban lãnh đạo công ty bảo lưu quan điểm, việc quan trọng nhất để "cứu" Apax là dồn tiền khôi phục hoạt động dạy học, từ đó mới có thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho các nhà đầu tư và hoàn trả học phí cho phụ huynh.
Tất Đạt