Nhu cầu thị trường cải thiện giúp lượng đơn đặt hàng mới, việc làm trong ngành sản xuất tại Việt Nam tăng, theo S&P Global Market.
S&P Global Market vừa đánh giá, sức khoẻ ngành sản xuất tại Việt Nam bắt đầu cải thiện dần sau thời kỳ suy giảm kéo dài 3 tháng. Kết luận này được đưa ra căn cứ vào chỉ số chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 2 đạt 51,2 điểm, tăng 3,8 điểm phần trăm so với tháng trước. 3 tháng trước đó, chỉ số này liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm.
Chỉ số PMI được thực hiện bằng cách khảo sát lãnh đạo các công ty tư nhân nhóm sản xuất, dịch vụ nhằm đánh giá sức khoẻ chung của cả nền kinh tế. PMI lấy ngưỡng 50 điểm, trong đó, lĩnh vực sản xuất được xác nhận có sự mở rộng nếu chỉ số đạt trên 50 và thu hẹp nếu dưới 50.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố hôm qua (28/2), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, IIP ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Ông Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá nhân tố chính giúp ngành sản xuất tại Việt Nam tốt dần lên là nhu cầu thị trường cải thiện.
"Nhu cầu cải thiện ở cả trong nước và nước ngoài đã thổi luồng sinh khí mới vào ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 2, từ đó kết thúc thời kỳ suy giảm nhẹ kéo dài ba tháng trong giai đoạn chuyển giao giữa hai năm", ông nói.
Điều này giúp các công ty có được khách hàng mới và có số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu tiên trong 4 tháng. Mức tăng số lượng đơn đặt hàng mới cũng được ghi nhận là mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhanh hơn, và đây là lần tăng thứ hai liên tiếp nhờ nhu cầu trên thị trường quốc tế cải thiện.
Đơn đặt hàng mới tăng đã khiến sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng vào giữa quý đầu của năm.
Các doanh nghiệp được khảo sát cũng cho thấy tâm lý kinh doanh đã được cải thiện tháng thứ ba liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2022. Niềm tin kinh doanh đạt mức cao hơn trung bình của lịch sử chỉ số. Một số doanh nghiệp nói, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến Covid-19 ở Trung Quốc cũng thúc đẩy tăng trưởng trong năm tới.
Tuy nhiên, mối lo ngại kéo dài của doanh nghiệp vẫn là lạm phát khi cả chi phí đầu vào và giá bán hàng trong tháng 2 đều tăng với tốc độ nhanh nhất trong tám tháng. Các công ty sẽ hy vọng áp lực giá cả sẽ giảm trong thời gian tới để bảo đảm duy trì được tình trạng cải thiện nhu cầu. Hiện các công ty tìm cách bù đắp bằng tăng giá bán hàng nhanh hơn. Dù vậy, họ cũng đánh giá, có những dấu hiệu tích cực hơn về năng lực của chuỗi cung ứng khi thời gian giao hàng giảm.
Tại toạ đàm gần đây, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, đánh giá Việt Nam sẽ nối đà phục hồi tăng trưởng trong năm ngoái. GDP Việt Nam dự kiến đạt 7,2% trong năm 2023 và 6,7% trong năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức toàn cầu. Kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023 vẫn đứng trước một số rủi ro vĩ mô như lạm phát, nợ công, khôi phục lòng tin, song triển vọng phục hồi tích cực vào nửa cuối năm. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Đức Minh