Trần giá khó ảnh hưởng đến dòng chảy dầu Nga

Giới phân tích cho rằng mức trần 60 USD cao hơn nhiều giá dầu Urals Nga trên thị trường, khiến dòng chảy dầu Nga có thể còn sôi động hơn.

Cách đây vài giờ, cả Liên minh châu Âu (EU) và G7 đều thống nhất áp giá trần bán dầu Nga ở mức 60 USD. Tuy nhiên, mức này hiện cao hơn khá nhiều giá thị trường của dầu Urals Nga, là 50 USD, theo số liệu của Argus Media. Nếu trước đây, người ta còn ngờ vực mục đích của trần giá, giờ điều đó đã rõ ràng: Mỹ và các đồng minh vẫn muốn duy trì dòng chảy dầu Nga.

"Mấu chốt trong quan điểm của chúng tôi, là đây chính là tín hiệu G7 muốn giữ dầu Nga trên thị trường", Joel Hancock – nhà phân tích tại Natixis cho biết, "Thị trường hiện đã thay đổi cách nhìn. Họ cho rằng dầu xuất khẩu Nga sẽ còn sôi động hơn dự báo và gần như không chịu ảnh hưởng bởi trần giá".

Hiện tại, mấu chốt là phản ứng của Moskva. Nga đến nay vẫn phản đối trần giá và dọa ngừng sản xuất. Nhưng hôm 1/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trần giá này "không liên quan". Đây là tín hiệu mạnh nhất đến nay cho thấy quan điểm của Nga về việc này có thể đã dịu đi. Và với việc trần giá được áp ở mức cao như hiện tại, cả người mua lẫn người bán đều có thể dễ dàng khẳng định hoạt động thương mại sẽ vẫn diễn ra bình thường.

"Chúng tôi không quan tâm trần giá là bao nhiêu. Chúng tôi sẽ trực tiếp thỏa thuận với các đối tác", Lavrov cho biết, "Và những nước vẫn tiếp tục làm việc với chúng tôi cũng sẽ chẳng nhìn vào trần giá đâu".

Các nước G7 gần như đã dừng nhập dầu thô Nga. Vì thế, trần giá chủ yếu nhắm vào các nước mua lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước này vẫn chưa tham gia, nhưng Mỹ hy vọng họ sẽ dùng trần giá làm đòn bẩy trong đàm phán. Quan trọng hơn cả, nếu không mua dầu dưới giá trần, họ sẽ không được dùng dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm của châu Âu.

Sáng kiến trần giá được đưa ra đúng thời điểm châu Âu phải đối phó lạm phát cao và rủi ro suy thoái. Các công ty và hộ gia đình khu vực này đang quay cuồng trong hóa đơn năng lượng tăng vọt do xung đột tại Ukraine và OPEC+ giảm sản xuất dầu. Các chính phủ đã phải chi hàng tỷ USD để giải quyết vấn đề này.

"Trần giá sẽ khuyến khích dầu Nga giá rẻ chảy vào thị trường toàn cầu. Nó được thiết kế nhằm bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp khỏi sự gián đoạn chuỗi cung ứng", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm 2/12, sau khi G7 thông báo chấp thuận mức trần 60 USD. Bà cho biết kể cả với các nước không tham gia sáng kiến này, "nó vẫn cho phép họ có quyền lực lớn hơn trong đàm phán giá với Nga và hưởng lợi từ sự ổn định trên thị trường năng lượng toàn cầu".

Đầu năm nay, việc EU thông qua các lệnh trừng phạt với dầu Nga đã khiến thị trường ngạc nhiên vì độ mạnh tay. Theo đó, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ phải tự tìm hãng cung cấp dịch vụ bảo hiểm kể từ ngày 5/12.

EU cho rằng các lệnh trừng phạt có thể khiến giá dầu tăng vọt, gây nguy hiểm cho kinh tế toàn cầu và thậm chí làm lợi cho Nga. Vì thế, trần giá được đưa ra để ngăn chặn việc này. Phương Tây sẽ vẫn cung cấp dịch vụ vận chuyển, bảo hiểm, tài chính cho dầu Nga, miễn là được bán dưới giá trần. Mục tiêu là vừa hạn chế nguồn thu của Nga, nhưng vẫn giữ được dòng chảy dầu trên toàn cầu.

"Chúng tôi cho rằng con số 60 USD là phù hợp", John Kirby - người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết hôm 2/12. Ông khẳng định mức giá này sau đó vẫn có thể được điều chỉnh.

Một số quốc gia châu Âu thì cho rằng sáng kiến trần giá của Mỹ là cách xoa dịu lệnh trừng phạt. Nhóm nước dẫn đầu bởi Ba Lan muốn áp giá trần sát chi phí sản xuất hơn. Ngược lại, các nước có ngành vận tải biển phát triển lại muốn mức giá cao hơn. Việc này khiến EU mất thời gian dài mới đi đến thống nhất.

"Khi dầu Urals hiện có giá khá thấp so với trần, về mặt nguyên tắc, đây là một mức giá khá tốt", Jorge Leon tại Rystad Energy nhận định.

Dù vậy, sáng kiến này hiện vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Ví dụ, dầu Nga tại châu Á được định giá rất khác. Dầu ESPO (Nga) ở đây được bán với giá hơn 70 USD một thùng.

Việc thực thi cũng là một dấu hỏi lớn, khi EU nới lỏng các quy định về trừng phạt và chưa có thêm lệnh cấm vận mới. Phản ứng của Điện Kremlin cũng chưa rõ ràng.

"Có quá nhiều bất ổn về việc nguồn cung dầu thô Nga thực sự sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào", Neil Beveridge – nhà phân tích dầu cấp cao tại Sanford C. Bernstein kết luận trên Bloomberg.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Adblock test (Why?)