Cuộc chiến chống lạm phát của Fed ngày càng phức tạp

Tăng trưởng việc làm và tiền lương tăng đang tạo ra những thách thức mới cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong quá trình ghìm lạm phát.

Số liệu mới công bố của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nước này đã tạo thêm 263.000 việc làm trong tháng 11, bất chấp việc một số tập đoàn lớn gần đây sa thải nhân viên. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp là 3,7%.

Nhờ vậy, tiền lương cũng tiếp tục tăng trưởng. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 5,1% trong tháng 11 so với cùng kỳ 2021, trong khi tốc độ trước đại dịch là khoảng 3%.

Trước thông tin này, các nhà kinh tế cảm thấy khích lệ bởi thị trường lao động mạnh mẽ. Nhưng họ cũng lo điều này - đặc biệt là việc tăng lương - sẽ buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh hơn để ghìm lạm phát.

Một số nhận định dữ liệu lao động mới cho thấy nguy cơ thu nhập và lạm phát sẽ vẫn tăng đến năm 2023, trừ khi nền kinh tế bước vào suy thoái. "Báo cáo chỉ ra chúng ta đã có hai năm tăng lương cao và chu kỳ này vẫn đang tiếp tục hình thành", Steven Blitz - kinh tế trưởng phụ trách thị trường Mỹ tại TS Lombard cho biết.

Daniel Zhao, nhà kinh tế tại Glassdoor, cho rằng nền kinh tế đang có nhiều tín hiệu tốt xấu đan xen. "Thị trường việc làm có khả năng phục hồi tốt hơn mong đợi. Nhưng lạm phát cũng biến động hơn dự kiến", ông nói.

Trong khi đó, Jan Groen - kinh tế trưởng thị trường Mỹ tại TD Securities cho rằng báo cáo rõ ràng là một tin xấu với cuộc chiến chống lạm phát của Fed. "Báo cáo khẳng định thị trường lao động vẫn là yếu tố chính duy trì áp lực lạm phát cơ bản trong nền kinh tế Mỹ", ông nói.

Một bảng tuyển dụng tại Somerville, Massachusetts vào tháng 9. Ảnh: Reuters

Một bảng tuyển dụng tại Somerville, Massachusetts vào tháng 9. Ảnh: Reuters

Fed đã tăng lãi suất 6 lần trong năm nay và có kế hoạch tăng lần nữa vào tháng này với hy vọng kìm hãm đà tăng giá. Bất chấp những nỗ lực đó, lạm phát vẫn ở mức cao, dù đã giảm từ đỉnh 9,1% vào mùa hè xuống còn 7,7% hiện tại. Mục tiêu của Fed là đưa lạm phát về 2% mà không làm suy yếu nền kinh tế hoặc tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc phiên 2/12 ngay sau báo cáo việc làm. Dù vậy, DJIA đã đảo chiều vào cuối ngày.

Fed lo ngại rằng thị trường lao động liên tục nóng lên có thể dẫn đến tăng lương, khiến lạm phát trầm trọng hơn. Tăng trưởng tiền lương, vốn hạ nhiệt tháng gần đây, đã tăng tốc trở lại vào tháng 10 và tháng 11. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần này nhấn mạnh chừng nào lạm phát còn quá cao, việc tăng lương của người Mỹ sẽ không đồng nghĩa mức sống đi lên.

"Hiện tại, tiền lương của mọi người đang bị lạm phát ăn mòn", ông Powell cho biết tại một sự kiện ở Viện Brookings hôm 30/11. Theo ông, thị trường lao động muốn bền vững, mạnh mẽ thì phải có sự ổn định về giá cả.

Megan Greene - kinh tế trưởng toàn cầu tại Viện Kroll cho biết tín hiệu từ thị trường lao động là hồi chuông cảnh tỉnh rằng Fed sẽ không sớm chấm dứt quá trình tăng lãi suất. "Tôi rất ngạc nhiên về sức mạnh của thị trường lao động, nhưng nó không thể kéo dài. Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế kỳ lạ", ông nói.

Gần đây, quan chức Fed báo hiệu rằng họ đang bước vào một giai đoạn tăng lãi suất mới, sau khi đã nâng lãi với tốc độ nhanh nhất kể từ thập niên 80. Họ đang cố gắng xác định cẩn thận hơn mức lãi suất cần phải tăng và tăng trong bao lâu để giảm lạm phát.

Ông Powell vạch ra hai chiến lược khả thi. Một là nhanh chóng tăng lãi suất cao hơn nhiều so với mức 4,5-5% mà họ từng nhận định là phù hợp. Cách thứ hai là tăng chậm hơn và giữ ở mức cao lâu hơn.

Hiện chủ tịch Fed và các đồng nghiệp cảm thấy nghiêng về cách hai hơn, vì không muốn gây ra thiệt hại không cần thiết cho nền kinh tế. "Chúng tôi không muốn thắt chặt quá mức vì giảm lãi suất không phải là điều chúng tôi muốn làm sớm. Đó là lý do Fed đang chậm lại và sẽ tìm ra cách phù hợp", ông nói.

Thị trường lao động mạnh mẽ vẫn đang là một trong những trụ cột vững chắc nhất của kinh tế Mỹ. Người Mỹ đang chi tiêu mạnh tay. Nhưng hoạt động sản xuất lại suy giảm vào tháng 11, lần đầu tiên sau hơn hai năm.

Bên cạnh đó, dù hoạt động tuyển dụng vẫn mạnh, ngày càng nhiều người Mỹ rời bỏ lực lượng lao động trong tháng 11. Tỷ lệ những người đang làm việc hoặc tìm việc đã giảm 3 tháng liên tiếp, tính đến tháng 10.

Nhìn chung, thị trường lao động vẫn thiếu 102.000 người so với trước đại dịch. Các nhà kinh tế cho rằng đây là một xu hướng đáng lo ngại, có thể tiếp tục đẩy tiền lương lên cao khi các nhà tuyển dụng phải cạnh tranh trong thời kỳ nguồn cung nhân sự thu hẹp.

Nhìn rộng hơn, số liệu việc làm mới nhất cho thấy sự khác biệt trong tuyển dụng, khi người Mỹ chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ. Việc làm tăng nhiều nhất trong tháng 11 tập trung vào các ngành dịch vụ, như giải trí, khách sạn, chăm sóc sức khỏe và xây dựng. Trong khi đó, việc làm mới lại giảm trong lĩnh vực bán lẻ, vận chuyển và kho bãi.

Một báo cáo riêng của chính phủ Mỹ đầu tuần này cho biết cả nước có 10,3 triệu cơ hội việc làm trong tháng 10, giảm so với 10,7 triệu một tháng trước đó. Tuy nhiên, đây vẫn là mức cao.

Giacomo Santangelo, nhà kinh tế tại Monster.com, cho biết có sự mất kết nối giữa người lao động và việc làm. "Bạn có thể nói rằng mọi người thất nghiệp đều có cơ hội, nhưng điều đó không phù hợp với thực tế. Nhu cầu về điều dưỡng rất lớn, nhưng nếu mất việc tại Twitter, Meta hoặc Alphabet, bạn cũng không thể trở thành y tá được", vị chuyên gia giải thích.

Thực tế đó ngày càng trở nên rõ ràng khi một số công ty đã tuyên bố sa thải hàng loạt nhân công, trong khi nhiều công ty khác phải vật lộn để tìm đủ lao động. Một số nhà tuyển dụng lớn nhất như Walmart, Amazon và Google, gần đây đã cắt giảm hàng nghìn việc làm văn phòng. Trong khi đó, các lĩnh vực được trả lương thấp như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và khách sạn lại ghi nhận tình trạng thiếu người.

Phiên An (theo Washington Post, WSJ)

Adblock test (Why?)