Lãi suất vay ngân hàng tăng mạnh

Mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân hiện lên quanh 13% và doanh nghiệp tầm 9%, tăng khoảng 2% mỗi năm so với đầu năm.

Chị Hằng - nhân viên truyền thông tại TP HCM - đang vay trả góp căn nhà mua từ trước dịch Covid-19, cho biết liên tiếp nhận được thông báo tăng lãi suất trong ba tháng gần đây, từ hơn 11% lên 13,5% một năm. Với khoản vay tiền tỷ, mỗi tháng chị sẽ trả thêm tiền lãi cả triệu đồng.

Không riêng khoản vay cá nhân, giám đốc một doanh nghiệp vận tải có trụ sở tại Hà Nội cũng cho biết lãi suất vay của công ty ông đã tăng khoảng 2,5% so với đầu năm. "Với khoản vay gần 2.000 tỷ đồng, mỗi năm, công ty tôi phải trả thêm khoản tiền lãi hơn 50 tỷ đồng so với trước", ông tính toán.

Trong khi đó, theo ông, sức ép chi phí ngày một tăng, ngành logistics lại bị ảnh hưởng vì xuất nhập khẩu vẫn khá trầm lắng, buộc công ty phải tính đến phương án giảm quy mô vốn vay để nhẹ áp lực.

Theo ghi nhận của VnExpress, hiện mức lãi suất cho vay doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực ưu tiên đã tăng thêm 1-2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà băng cho vay trong khoảng 8-10% tùy từng nhóm khách hàng và mục tiêu vay vốn.

Còn với nhóm khách hàng cá nhân, mức lãi suất cho vay mới và khoản vay cũ tại phần lớn ngân hàng hiện đã tăng ít nhất 2% so với đầu năm. Thông thường, các nhà băng hay ưu đãi lãi suất cho khoản vay mới trong 3 tháng đến một năm đầu tiên, trước khi áp dụng mức lãi suất thả nổi. Hiện lãi suất ưu đãi cho khoản vay mới dành cho cá nhân thế chấp đã tăng từ 8-9% lên mức tối thiểu 11,5% một năm tại nhóm nhà băng tư nhân và khoảng 10% tại khối ngân hàng có vốn nhà nước.

Một số nhà băng thậm chí đã dừng chương trình ưu đãi lãi suất năm đầu. Chẳng hạn như tại TPBank, khách vay mua xe phải chịu lãi suất thả nổi ngay từ năm đầu tiên với mức 13,3% - tức bằng biên độ 4,1% cộng với lãi suất cơ sở 9,2% một năm.

Tại BIDV, lãi suất khoản vay mới áp trong năm đầu cũng đã tăng từ 7% lên 9,5% - tương đương với mức lãi suất thả nổi tại nhà băng này.

Ở những ngân hàng có vốn nước ngoài - thường có lãi suất ưu đãi nhất thị trường - nay lãi suất cho vay cũng rục rịch tăng. Một nhân viên tín dụng khách hàng cá nhân của Shinhan Bank cho biết, mức lãi suất cho vay đã tăng lên 8,9% trong ba năm đầu và sau đó thả nổi khoảng 10,5-11% mỗi năm. Cùng thời điểm này năm ngoái, nhà băng này cho vay khách hàng cá nhân chỉ 5,5-9% một năm, tùy từng chương trình.

Với khách vay cũ đang áp dụng lãi suất thả nổi (biên độ 3,5-4% so với lãi suất cơ sở), hiện mặt bằng trong nhóm ngân hàng tư nhân (top 10) dao động 12,5-13,5% một năm. Nhóm nhà băng nhỏ thậm chí lãi suất cho vay còn cao hơn.

Giao dịch tại ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.

Giao dịch tại ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.

Lãi suất tăng mạnh nhưng việc vay vốn không dễ, đặc biệt trong bối cảnh "room" tín dụng hạn hẹp, một số nhà băng thậm chí đã cạn dư địa. Việc giải ngân mới phụ thuộc nhiều vào tiến độ thu hồi nợ và điều kiện cần là mua kèm bảo hiểm.

Nhân viên tín dụng của BIDV tại TP HCM cho biết, đây là thời điểm lãi suất vừa cao lại vừa khó vay bởi một số chi nhánh đã hết room, muốn giải ngân phải chờ thu hồi nợ. Nhà băng này cuối năm nay cũng dừng chương trình cho vay cá nhân mua xe, chỉ ưu tiên cho nhóm khách vay tiêu dùng, mua đất và dự án nhà ở.

Lý giải đà đi lên mạnh của lãi suất cho vay, các chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay những năm trước đã giảm xuống mức thấp giờ đang tăng trở lại, chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng và lãi suất tiền gửi có xu hướng đi lên.

Từ đầu năm tới nay, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại khối ngân hàng có vốn nhà nước tăng bình quân 1%, còn tại nhóm tư nhân tăng từ 1% đến 2,7%. Một số ngân hàng tư nhân dù "room" tín dụng đã cạn vẫn chạy đua nâng lãi suất huy động lên 8-9% một năm và tung ra chứng chỉ tiền gửi lãi suất lên tới 10% một năm để hút vốn.

Lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng cũng liên tục đi lên từ tháng 6 đến nay. Tới đầu tháng 10, lãi suất có lúc vượt 10% - mức cao nhất kể từ năm 2012 - do thanh khoản trên hệ thống gặp nhiều áp lực.

Lãnh đạo các nhà băng dự báo lãi suất cho vay thời gian tới khó hạ nhiệt và sẽ phụ thuộc nhiều vào thanh khoản, đặc biệt là diễn biến giải ngân đầu tư công. Tiền hút vào nhiều thông qua trái phiếu Chính phủ, thu ngân sách vượt kế hoạch trong khi giải ngân đầu tư công chậm khiến thị trường khan tiền, áp lực lên lãi suất cho vay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết việc giảm lãi suất vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến lạm phát, tỷ giá và định hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới.

Các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng thời điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh. Theo thống kê năm 2021, thế giới đã có 113 lượt tăng lãi suất điều hành. Còn tính từ đầu năm đến nay, đã có thêm 269 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Trong khối ASEAN, Philippines, Malaysia, Indonesia và Thái Lan cũng đã liên tục tăng lãi suất điều hành.

Bên cạnh đó, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng cũng ảnh hưởng tới việc điều hành lãi suất cho vay. Giá nguyên vật liệu thế giới đi lên, chi phí vận chuyển tăng cao, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020 sẽ tạo áp lực lớn cho lạm phát. Ngoài ra, tỷ giá USD/VND gia tăng cũng đang gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Quỳnh Trang - Minh Tuấn

Adblock test (Why?)