Nếu mối quan hệ đã kéo dài hàng thập kỷ Mỹ - Arab Saudi rạn nứt, kinh tế thế giới sẽ phải gánh chịu hậu quả khổng lồ.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất, nhưng gần đây cũng khó xử nhất, trên thế giới. Giới chức Washington đã rất giận dữ sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đầu tháng này quyết định giảm sản xuất 2 triệu thùng dầu một ngày. Việc này đã đẩy giá dầu lên cao chỉ vài tuần trước bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Mỹ đã cảnh báo Arab Saudi sẽ phải chịu hậu quả.
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang cân nhắc các biện pháp mà cách đây không lâu họ còn chưa nghĩ đến, như cấm bán vũ khí cho Arab Saudi và mở đường cho Bộ Tư pháp nộp đơn kiện nước này và các thành viên OPEC.
Arab Saudi cũng ra tín hiệu sẽ trả đũa, như bán trái phiếu chính phủ Mỹ. Việc này có thể gây ảnh hưởng lớn đến các thị trường tài chính và kinh tế Mỹ.
Giới phân tích cho biết cả hai bên đều không giấu giếm sự căng thẳng. Nếu mối quan hệ đã kéo dài hàng thập kỷ này rạn nứt, kinh tế thế giới, chứ chưa nói đến vấn đề an ninh, sẽ phải gánh chịu hậu quả khổng lồ.
"Đây sẽ là đáy mới. Chúng ta đã chứng kiến quan hệ Mỹ - Saudi xuống cấp nhiều năm qua. Nhưng đây sẽ là thời điểm tồi tệ nhất", Clayton Allen – Giám đốc hãng tư vấn Eurasia Group cho biết.
Mấu chốt vấn đề nằm ở mối quan tâm lớn nhất của cử tri Mỹ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Đó là lạm phát và giá xăng cao.
Biden đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục OPEC tăng sản xuất. Ông từng đến thăm nước này hồi mùa hè, gặp mặt Thái tử Mohammed bin Salman. Quan chức Mỹ khi đó cho rằng họ đã đạt thỏa thuận bí mật với Arab Saudi để tăng cung dầu cho đến hết năm nay, New York Times tuần này cho biết. Nhưng họ đã nhầm.
Hồi tháng 8, OPEC+ chỉ tăng sản xuất 100.000 thùng một ngày - mức thấp nhất lịch sử nhóm này. Động thái này được coi là "cú tát vào mặt" chính quyền Biden.
Những gì diễn ra sau đó còn tồi tệ hơn. Đầu tháng 10, OPEC+ thông báo giảm sản xuất 2 triệu thùng một ngày. Động thái này khiến giá xăng dầu tại Mỹ tăng vọt, đúng thời điểm lạm phát hiện cao nhất 4 thập kỷ.
"Cả hai bên đều không hiểu nhau", Allen cho biết, "Riyadh đã đánh giá thấp sự giận dữ của Mỹ. Còn Mỹ lại cho rằng họ có thỏa thuận không cần nói ra lời".
Fatih Birol – Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận xét động thái của OPEC+ là "chưa từng có tiền lệ" và "là điều đáng tiếc". "Khi kinh tế toàn cầu ở trên bờ vực suy thoái, họ lại quyết định tăng giá", ông cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 27/10.
Căng thẳng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Giới chức hai bên đều liên tục chỉ trích nhau trong vài ngày qua. Trong một cuộc họp báo của OPEC+ đầu tháng 10, Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Abdulaziz bin Salman dường như khen ngợi kế hoạch xả kho dầu dự trữ chưa từng có tiền lệ của Mỹ: "Tôi không gọi đây là bóp méo thị trường đâu. Trên thực tế, nó đã được thực hiện đúng thời điểm", ông Abdulaziz cho biết trước báo giới, "Nếu việc này không diễn ra, tôi chắc chắn mọi thứ giờ sẽ rất khác".
Nhưng 3 tuần sau đó, ông lại nói khác. "Mọi người đang dùng kho dự trữ khẩn cấp, coi đó là công cụ thao túng thị trường, dù mục đích thực sự của nó là giảm thiểu tình trạng thiếu cung", ông cho biết trong một hội thảo lần này, "Dùng dầu dự trữ sẽ gây ra hậu quả đau đớn trong vài tháng tới".
Căng thẳng giữa Mỹ và Arab Saudi có thể châm ngòi cho một cuộc trả đũa gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu. Giới chức Mỹ đang nỗ lực kêu gọi kích hoạt dự luật về NOPEC (Không thành lập nhóm nước xuất khẩu hoặc sản xuất dầu), nhằm cho phép Bộ Tư pháp Mỹ kiện OPEC vì độc quyền. Dù NOPEC không phải mới được đưa ra, mức độ khả thi hiện tại đang rất cao.
Arab Saudi cũng có thể trả đũa Washington. Giới chức Saudi đã cảnh báo có thể bán trái phiếu chính phủ Mỹ nếu Quốc hội nước này thông qua NOPEC, Wall Street Journal tuần này cho biết.
Ít nhất thì việc bán trái phiếu Mỹ cũng sẽ gây bất ổn trên thị trường trong bối cảnh tình hình vốn đang rối ren. Việc này sẽ kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên, khiến chi phí đi vay của các gia đình và doanh nghiệp cũng đắt đỏ theo.
Nhưng đổi lại, tài sản của Arab Saudi cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn. Nước này hiện sở hữu 119 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ. Họ hiện là chủ nợ lớn thứ 16 trên thế giới của Mỹ.
Một rủi ro khác là Arab Saudi – nước lãnh đạo OPEC – có thể giảm cung hơn nữa, hoặc ít nhất từ chối các lời kêu gọi khi giá tăng vọt trong tương lai vì lệnh cấm dầu Nga của EU. Việc OPEC siết thêm nguồn cung có thể kéo giá xăng tại Mỹ lên cao, làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát và rủi ro suy thoái.
GDP Mỹ đã tăng trở lại trong quý III sau 2 quý liên tiếp giảm. Tuy nhiên, giới quan sát thị trường lại lo ngại đó là dấu hiệu Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Mà điều này cuối cùng có thể dẫn đến suy thoái.
Hà Thu (theo CNN)