Các đại gia bán lẻ đua mở rộng quy mô

Uniqlo Việt Nam vừa xác nhận sẽ khai trương chi nhánh tại Vincom Bà Triệu (Hà Nội) ngày 28/10. Cửa hàng dự kiến rộng 2.000 m2, trải dài 3 tầng và tọa lạc tại một trong những trung tâm mua sắm lâu đời, sôi động nhất thủ đô.

Sau cửa hàng này, họ sẽ mở thêm hai chi nhánh tại Vincom Royal City và Vincom Trần Duy Hưng, với điện tích lần lượt 1.500 m2 và 2.000 m2. Với 3 điểm bán mới, đại gia thời trang Nhật sẽ có 15 cửa hàng tại Việt Nam sau 3 năm thâm nhập.

Một số đại gia khác cũng rục rịch kế hoạch bơm tiền vào Việt Nam. Đầu tháng này, Central Retail - sở hữu chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị GO! - dự kiến chi gần 800 triệu USD để mở rộng quy mô gấp đôi.

"Chúng tôi luôn muốn đặt mình vào trung tâm cuộc sống của người tiêu dùng", Olivier Langlet, CEO Central Retail Việt Nam nói với Nikkei về mục tiêu đạt doanh thu 100 tỷ baht (hơn 2,6 tỷ USD) năm 2026.

Gần đây, đại gia bán lẻ Thái Lan đã công bố kế hoạch chi 30 tỷ bath, tương đương 790 triệu USD, để có ít nhất 740 địa điểm kinh doanh vào năm 2026, gấp hơn hai lần số cơ sở hiện tại ở Việt Nam.

Với Lotte, sau khi rót vào Việt Nam 5 tỷ USD, cuối tháng 8, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Tập đoàn, ông Shin Dong-bin bày tỏ ý định đầu tư thêm một số dự án tại Hà Nội. Trong đó, tập đoàn đến từ Hàn Quốc muốn xây trung tâm thương mại thu hút 10 triệu lượt khách mỗi năm.

Khách vào mua sắm trong ngày Uniqlo Aeon Mall Hải Phòng Lê Chân khai trương hồi 27/5. Ảnh công ty cung cấp

Khách vào mua sắm trong ngày Uniqlo Aeon Mall Hải Phòng Lê Chân khai trương hồi 27/5. Ảnh công ty cung cấp

Chín tháng đầu năm, vốn FDI vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đạt 9,9 tỷ USD, xếp thứ 6 trong các ngành về quy mô, nhưng xếp thứ hai về số lượng, với hơn 5.900 dự án, chỉ xếp sau công nghiệp chế biến - chế tạo. Riêng tháng 9, số dự án FDI vào lĩnh vực này dẫn đầu (407 dự án), và xếp thứ tư về quy mô, với 617,9 triệu USD.

Các nhà bán lẻ cũng bắt đầu bung sức thuê mướn lại mặt bằng. Theo báo cáo do Colliers vừa công bố, quý III, thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP HCM sôi động hơn. Giá thuê trung bình khu vực trung tâm khoảng 140 USD/m2/tháng và có thể đạt trên 300 USD/m2/tháng tại các vị trí "vàng".

Tỷ lệ trống trung bình đang giảm đáng kể, với khu vực trung tâm ghi nhận ở mức 1-2% và khu vực ngoài trung tâm 20-30%. Tương tự tại Hà Nội, tỷ lệ trống trung bình là 3-5% tại trung tâm và ngoại ô khoảng 20-25%.

Góp phần giúp mặt bằng trống được hấp thụ nhanh còn phải kể đến động thái của các ông lớn nội địa. Thaco dự kiến chuỗi siêu thị Emart sẽ ra mắt vào tháng 10 tại khu đô thị Sala Thủ Thiêm. Các mô hình siêu thị như Nova Market hay WinMart+ cũng đang trên đà phát triển tốt, theo Colliers.

Sức hút của ngành bán lẻ theo các chuyên gia đến từ các yếu tố ngắn hạn lẫn dài hạn. Về ngắn hạn, ngành bán lẻ phục hồi khá nhanh sau đại dịch. Khi lạm phát không tiếp tục leo thang và giá xăng dầu hạ nhiệt, kỳ vọng hiện đã cải thiện hơn.

Một số doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý III. Hết tháng 8, Bách Hóa Xanh tăng trưởng doanh số tháng thứ 5 liên tiếp bất chấp việc đóng cửa khoảng 400 cửa hàng gần đây. Hay như nhà bán lẻ công nghệ Digiworld quý rồi doanh thu đạt 6.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tương ứng tăng 70% và 87% so với cùng kỳ 2021...

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước 9 tháng ước tăng 21% so với cùng kỳ 2021, với giá trị tuyệt đối hơn 4,17 triệu tỷ đồng. Đây là con số 9 tháng cao nhất trong 5 năm qua.

Trong khi đó, Colliers lý giải từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực về kinh tế nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng. Việc một số tổ chức quốc tế nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn so với đầu năm tạo tín hiệu khả quan thu hút các thương hiệu bán lẻ lớn tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

"Ngoài ra, một trong những yếu tố khác mang đến sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam là nhu cầu tiêu dùng nội địa phát triển mạnh, ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố nước ngoài", báo cáo của Colliers nhận định.

Các dự báo dài hạn cũng lạc quan không kém. "Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030, vượt qua cả Đức và Anh", ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, phát biểu trong một diễn đàn kinh tế vào cuối tháng trước.

Dự báo này được ông trích dẫn từ nghiên cứu dựa trên cơ sở dữ liệu nhân khẩu học độc quyền do nhà kinh tế học của HSBC James Pomeroy thực hiện gần đây.

Nghiên cứu này chỉ ra rằng, tại châu Á, Việt Nam (cùng với Bangladesh và Ấn Độ) sẽ chứng kiến mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng lớn nhất trong thập kỷ hiện tại. Ở Việt Nam, tầng lớp trung lưu cao (nhóm người dân có thu nhập từ 50 -110 USD mỗi ngày, tính theo PPP không đổi), dự kiến tăng trưởng trung bình 17% mỗi năm trong giai đoạn đến 2030.

Những dự báo dài hạn này phần nào lý giải sự tích cực đón đầu của các đại gia bán lẻ gần đây. Thị trường Hà Nội là ví dụ. Hai ông lớn Lotte và Aeon đang xây dựng hai dự án quy mô lớn tại đây. Lotte Ciputra Mall dự kiến hoàn thành năm sau, với 200.000 m2 diện tích sàn. Trong khi, Aeon Mall Hoàng Mai có thể hoạt động từ 2024, với quy mô 84.000 m2.

"Có thể thấy rằng Việt Nam vẫn đang được đánh giá là một trong số các thị trường bán lẻ hàng đầu và hấp dẫn nhất trên toàn cầu", phía Colliers nhận định. Hãng dịch vụ bất động sản và quản lý đầu tư này dự báo, trong giai đoạn sắp tới, thị trường sẽ chứng kiến sự hiện diện cũng như cạnh tranh thị phần của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam một cách rõ nét, khi các ông lớn như Central Retail, Aeon và Lotte đều đang định mở rộng quy mô.

Viễn Thông

Adblock test (Why?)