Bữa cơm của gia đình bà Thảo (32 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) những tháng gần đây ít có các món ăn từ thịt heo, thay vào đó chủ yếu là gà và trứng.
Theo bà Thảo, tùy vào mua ở chợ truyền thống hay siêu thị mà mỗi kg thịt ba rọi dao động 150.000-180.000 đồng. Các phần thịt rẻ hơn như chân giò, cốt lết, đùi cũng từ 100.000-130.000 đồng - gấp đôi đến gấp ba lần mỗi kg thịt gà.
"Rau củ, gia vị và nhiều món khác cũng lên giá chóng mặt còn lương bổng vẫn vậy nên tôi phải siết chi tiêu cho các mặt hàng đắt đỏ. Mỗi tuần 1-2 bữa ăn thịt là đủ rồi", người phụ nữ này nói.
Khảo sát của VnExpress thực hiện cuối tháng 6 tại các trang trại chăn nuôi cũng cho thấy giá heo hơi đã vượt 60.000 đồng một kg, tăng nhẹ so với những ngày trước đó. Phần đông chủ trại cho biết giá đi lên bởi chi phí thức ăn chăn nuôi nhảy vọt, còn giá con giống cũng tăng 20% so với cách đây hai tháng.
Thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) chỉ ra rằng không riêng gia đình bà Thảo mà phần đông người Việt cũng có xu hướng ăn thịt heo ít hơn. Giai đoạn 2016-2018, Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo bình quân cao nhất thế giới với 30-31 kg một người một năm. Tuy nhiên, trong hai năm đại dịch, con số này còn không quá 26 kg.
Ipsos, hãng nghiên cứu thị trường đa quốc gia có trụ sở tại Pháp, bằng việc thống kê toàn bộ nguồn cung trang trại gia súc, gia cầm ở 10 tỉnh thành chăn nuôi trọng điểm kết hợp với sản lượng xuất nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch và các sản phẩm chế biến từ thịt cũng cho ra kết quả tương đương. Theo đó, mỗi người Việt trước đây ăn 30 kg thịt heo một năm nhưng đến năm 2021 thì giảm còn 23,5 kg - thấp hơn mức 24 kg mà đơn vị này dự báo trước đó.
Ông Phong Quách, Giám đốc bộ phận tư vấn Ipsos Việt Nam, cho biết mức tiêu thụ thịt trên đầu người Việt Nam đang đi lên nhờ mức sống được cải thiện và người tiêu dùng có nhiều nguồn thịt để lựa chọn. Tuy nhiên, thịt heo không còn là ưu tiên số một bởi ba lý do.
Thứ nhất, dịch tả heo châu Phi làm tâm lý người tiêu dùng e ngại và nguồn cung cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thứ hai, giá thịt heo có thời điểm vọt lên cao bởi nhiều chi phí đầu vào như cám, logistics tăng mạnh. Cuối cùng là hậu Covid khiến người dân chi tiêu dè sẻn và tìm nguồn đạm động vật rẻ hơn để thay thế.
Lượng tiêu thụ gia cầm (chủ yếu là gà) bình quân mỗi năm của người Việt đang tăng nhanh, từ bình quân mỗi năm 12 kg vào 2016, nay lên 20 kg. Hải sản thế chỗ thịt heo, trở thành nguồn cung protein nhiều nhất cho người Việt, với bình quân 29 kg một năm. Bò, loại thịt có mặt bằng giá cao hơn các nguồn thịt khác, cũng nhích nhẹ từ 4,3 kg lên 5 kg một năm.
"Chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt khó có thể tăng đột biến khi các trường học bước vào kỳ nghỉ hè, trong khi các nhà hàng và bếp ăn công nghiệp vẫn tiêu thụ với mức tương đương quý đầu năm nay", báo cáo phân tích ngành thịt vào cuối tháng 5 của Công ty chứng khoán VNDIRECT viết.
Đồng quan điểm, ông Phong Quách nhận định việc một số trại heo bán tháo để chạy dịch khiến nguồn cung trong thời gian tới giảm, dẫn đến giá nhích lên.
Giá heo hơi xuất chuồng nhiều khả năng duy trì trên 60.000 đồng một kg, cao hơn mức 51.000-54.000 đồng trong giai đoạn tháng 10/2021 đến tháng 4/2022. Áp lực cân đối chi tiêu giữa lúc vật giá leo tháng càng khiến sản lượng tiêu thụ khó hồi phục trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường thịt heo được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng. Lãnh đạo một công ty trong ngành thực phẩm đang niêm yết trên sàn chứng khoán ước tính thị trường thịt heo trị giá khoảng 10 tỷ USD, nhưng 90% sản phẩm bán ra không có thương hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và một khi bão giá đi qua thì nhu cầu cho các sản phẩm thịt có thương hiệu, có thể truy xuất nguồn gốc sẽ tăng vọt.
OECD dự báo đến năm 2023 mỗi người Việt sẽ ăn khoảng 27,7 kg heo, tăng khoảng 7% so với năm ngoái. Đến năm 2029, con số này có thể tăng lên 32,7 kg - cao hơn giai đoạn trước dịch - và vượt qua Hàn Quốc, Trung Quốc để đứng đầu thế giới về mức tiêu thụ bình quân đầu người.
Thiên Ngân