Từng nhận nhiều lời thiếu tôn trọng khi là người dân tộc thiểu số, Lò Thị Thùy Dương quyết tâm mặc trang phục Thái check-in 5 nước châu Âu.
Lò Thị Thùy Dương, sinh năm 1995, dân tộc Thái, đến từ Bản Cuông, xã Quài Cang, huyện Tuần giáo, tỉnh Điện Biên, hiện là du học sinh tại thành phố Holstebro, Đan Mạch ngành Chăn nuôi - Thú y. Từ những ngày còn bé, Dương đã ấp ủ mong ước mặc áo váy dân tộc Thái đi khắp đất nước và trên thế giới. Khi chuẩn bị hành lý sang Đan Mạch, cô không quên bỏ vào vali 3 bộ nhỏ gọn, với hy vọng có thể mặc đi khắp châu Âu.
Từ cô bé bị bệnh tim...
Để ước mơ mặc váy áo Thái đi khắp châu Âu thành hiện thực nhanh chóng hơn, Thùy Dương muốn trở thành một du học sinh. Cô từng là một bé gái bị bệnh tim, gầy gò, ốm yếu, luôn nghĩ ngày mai "có thể tự đi nổi 10 bước đi học mà không bị ngất không?". Những buổi tập thể dục, cô chỉ biết ngồi một góc, nhìn các bạn chạy nhảy, nô đùa, trong khi mình luôn có suy nghĩ không thể sống quá 15-16 tuổi do bệnh tim khá nặng.
Như một phép màu, khi cùng chị gái trên đường đi học về vào tháng 6/2019, Thùy Dương gặp được một người làm chương trình "Tầm nhìn thế giới", tìm và hỗ trợ những đứa bé bệnh tim để phẫu thuật, chữa khỏi bệnh. Vào tháng 7/2020, Thùy Dương được đưa tới Bệnh viện Tim Hà Nội để phẫu thuật và như được tái sinh. Từ đó, cô gái chuyên tâm học hành. Sau khi tốt nghiệp ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, Dương được nhà trường cho đi làm thực tập sinh nông nghiệp tại một trang trại ở Holstebro sau khi vượt qua kỳ thi tiếng Anh cộng thêm chi phí cá nhân. Công việc hằng ngày của Dương là vắt sữa bò, chăm sóc bê con.
... đến việc mặc áo váy Thái đi khắp châu Âu
Thùy Dương đã đặt chân tới 8 nước châu Âu, gồm Thụy Điển, Thụy Sĩ, Italy, Vatican, Đan Mạch, Đức, CH Czech, Áo. Trong đó, cô thực hiện bộ ảnh váy áo dân tộc Thái tại 5 nước. "Thật ngạo nghễ khi khoác trên mình bộ váy áo dân tộc đi khắp nơi. Đó là bộ đồ của dân tộc Thái, một trong 54 dân tộc của Việt Nam", cô nói đầy tự hào.
Thùy Dương có tình yêu sâu sắc với trang phục của người phụ nữ Thái đen. Chiếc áo ngắn hay còn gọi là áo cóm "sửa cỏm", bó sát thân khoe vóc dáng thon thả. "Sửa còm" được gắn hàng cúc bạc gọi là "mắc pém", khắc hoa văn côn trùng, hoa lá. Hàng cúc bạn hai bên vạt áo ngắn tượng trưng cho sự kết hợp nam-nữ, mang ý nghĩa trường tồn nòi giống. Với phụ nữ có chồng thì số hàng cúc sẽ chẵn thể hiện người mặc đã có đôi, có cặp. Người chưa chồng mặc cúc số lẻ. Chiếc váy của người Thái đen được làm bằng vải bông, nhuộm chàm, hoặc vải nhung, sa-tanh. Cạp váy bằng vẻ kẻ thổ cẩm, mép dưới váy tạo viền bằng thổ cẩm đỏ. Trong trang phục của người Thái đen ở Điện Biên không thể thiếu chiếc khăn piêu. Phụ nữ Thái mặc váy, áo cóm đã thướt tha, duyên dáng, lại kết hợp chiếc khăn piêu đội đầu càng tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ.
Những năm tháng còn học ở trường, Dương từng chứng kiến sự miệt thị và lời nói thể hiện sự thiếu tôn trọng với những người đồng bào dân tộc thiểu số. Các bạn hay hỏi cô "Cưỡi ngựa hay cưỡi voi xuống phố? Trên miền ngược có cưỡi hổ đi săn bắn, hái lượm không?". Khi đề xuất được mặc áo Thái vào ngày báo cáo khóa luận tốt nghiệp ở Việt Nam, cô nhận lại sự miệt thị và cười chê của bạn bè: "Hay là bạn thích nổi trội?". Đối mặt với lời lẽ tiêu cực, Dương không tự ái mà chỉ muốn mặc trang phục dân tộc mình đi khắp mọi nơi.
Những chuyến đi của Dương sẽ được lên kế hoạch tầm một tháng trước khi đi, chuẩn bị váy áo có màu phù hợp với các địa danh, ví dụ Nhà thờ St. Charles ở Áo có màu trắng thì Dương sẽ mặc váy đen. "Mình được đắm chìm vào vẻ đẹp được mài dũa theo năm tháng của những bức tường thành La Mã ở Italy, thiên nhiên hùng vĩ ở Thụy Sĩ, vẻ đẹp cổ kính của Paris và Prague, hay hòa mình vào những bản nhạc giao hưởng ở Áo", Thùy Dương mô tả.
Cô cho biết, người châu Âu rất tò mò, hiếu kỳ và thấy lạ lẫm khi nhìn thấy áo váy Thái. Khi được hỏi, cô sẵn sàng hô to "Tôi đến từ Việt Nam và đây là một trong những trang phục truyền thống của chúng tôi". Người nước ngoài có khen, có chê trang phục của Dương nhưng cô vẫn vui vẻ tiếp nhận mọi ý kiến, vì "chỉ cần bản thân muốn và bản thân vui".
Hành trình khám phá châu Âu có nhiều điều khó quên, như những lần bị chậm hay nhầm tàu khi di chuyển giữa các nước. Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Thùy Dương là đi tàu từ Áo đến Thụy Sĩ 14 tiếng bị mất ngủ. Những lúc trạm dừng để chuyển tàu, Dương và các bạn hát bài "Việt Nam ơi!" để quên sự buồn ngủ và cảm thấy yêu nước hơn. "Cảm giác tự hào và vui vẻ ấy có lẽ sẽ không thể có lại được", cô nói.
Trong số các nơi đã qua, Dương ấn tượng nhất với Thụy Sĩ. "Nếu chỉ nhìn qua tranh ảnh hay báo đài thì không thể miêu tả được hết vẻ đẹp hùng vĩ. Khi được chứng kiến tận mắt mình chỉ có thể thốt lên câu: 'Ôi! Thiên đường là đây chứ đâu'". Hiện cô gái Thái tiếp tục sống và học tập tại Đan Mạch, tương lai dự định đi thêm nhiều nước châu Âu nữa để tiếp tục chụp ảnh với trang phục dân tộc mình.
Trung Nghĩa
Ảnh: NVCC