World Bank: 'Nhiều nước khó thoát suy thoái'

Các thách thức từ Nga - Ukraine, Trung Quốc, lạm phát khiến Ngân hàng Thế giới bi quan về kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu hôm 7/6, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass nhận xét: "Với nhiều quốc gia, suy thoái sẽ rất khó tránh". Malpass giải thích lý do cho sự bi quan này là "xung đột tại Ukraine, phong tỏa tại Trung Quốc, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và rủi ro lạm phát cao - tăng trưởng chậm (stagflation) trên toàn cầu".

Trong đó, stagflation là mối lo ngại mới nhất. Xu hướng này khiến các chuyên gia và người tiêu dùng lớn tuổi nhớ lại cuối thập niên 70, khi cú sốc giá dầu và kinh tế trì trệ đẩy Mỹ vào suy thoái kép.

Malpass cũng là cái tên mới nhất đưa ra lời cảnh báo về suy thoái, sau nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia tại ngân hàng trung ương trên toàn cầu. Tuần trước, CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon cho biết nhà băng này đang chuẩn bị cho "một trận cuồng phong kinh tế". Trong khi đó, CEO Tesla Elon Musk cho biết ông có "cảm giác rất xấu" về nền kinh tế.

Nhà đầu tư đang lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhanh và mạnh tay để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người cho rằng Fed đã hành động quá muộn và có thể đẩy Mỹ vào suy thoái.

Khả năng Fed nâng lãi suất cao hơn trong ngắn hạn đang kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lên cao. Lãi suất cho vay thế chấp cũng tăng, làm dấy lên lo ngại thị trường bất động sản đóng băng.

Các doanh nghiệp cũng đang vật lộn với giá hàng hóa tăng, lương tăng. Giờ đây, lãi suất tăng cũng có thể khiến lợi nhuận của họ đi xuống.

Tất cả những điều này khiến sự lo lắng của WB là có cơ sở. Tổ chức này hôm qua hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 2,9%, giảm mạnh so với 5,7% năm ngoái và 4,1% dự báo đầu năm nay.

"Trong thập niên 90, việc phục hồi từ stagflation đòi hỏi các nền kinh tế phát triển tăng lãi suất mạnh tay. Động thái này đóng vai trò quan trọng trong việc châm ngòi khủng hoảng tài chính tại các nước đang phát triển và mới nổi", WB nhận định trong báo cáo.

Tổ chức này không cho rằng thế giới sẽ sớm hồi phục mạnh. Tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ quanh 2,9% trong 2 năm tới. Vài năm sau đó sẽ là "thời kỳ lạm phát cao và tăng trưởng trì trệ kéo dài".

Hà Thu (theo CNN)

Adblock test (Why?)