Sức ép từ giá vật liệu nông nghiệp tăng và sức mua suy giảm khiến các doanh nghiệp gạo hạ mục tiêu lợi nhuận năm nay.
Trước thềm phiên họp thường niên, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TAR) điều chỉnh lợi nhuận sau thuế giảm gần 6 lần so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm. Trước đó, việc đề chỉ tiêu ghi nhận 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của TAR được xem là mốc đột phá kỷ lục.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex - AGM) cũng dự kiến điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong phiên họp bất thường cuối tháng này. Cụ thể, doanh thu hợp nhất sẽ giảm hơn một nửa, lợi nhuận trước thuế giảm hơn hai phần ba so với con số được thông qua ở phiên họp thường niên trước đó. Như vậy, doanh nghiệp này lường trước kịch bản chỉ ghi nhận lợi nhuận chưa bằng một nửa so với năm ngoái.
Trước đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã công bố kế hoạch lợi nhuận giảm 4% so với năm trước. Doanh nghiệp này chỉ đề mục tiêu lãi 400 tỷ đồng. Con số này cũng được giữ nguyên cho cả năm 2023.
Doanh nghiệp gạo lùi kế hoạch lợi nhuận trong bối cảnh nặng gánh từ đầu vào sản xuất đến đầu ra sản phẩm.
Trong ngành trồng trọt nói chung, phân bón chiếm gần một nửa giá thành sản xuất. Giá urê Cà Mau, urê Phú Mỹ hiện khoảng 18.000 đồng một kg, phân DAP Đình Vũ có giá gần 19.000 đồng một kg, phân NPK Phú Mỹ giá 16.000 đồng một kg... Đa số đều có mức tăng hai chữ số, có loại tăng gấp 2-3 lần so với đầu năm ngoái.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần nhận định cùng với thức ăn chăn nuôi, giá phân bón tăng cao đã gây áp lực lớn cho nông dân và doanh nghiệp.
Công ty cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - NSC) cũng cho rằng năm nay sẽ có nhiều khó khăn và rủi ro ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kinh doanh. Một trong những rủi ro lớn nhất là yếu tố thời tiết. Ngay giai đoạn đầu năm, thời tiết đã có những diễn biến bất thường, trái quy luật như Đồng bằng sông Cửu Long mưa sớm vào giai đoạn lúa chín ảnh hưởng đến sản lượng thu mua. Còn khu vực Bình Định - Quảng Nam mưa lụt lịch sử, Tây Nguyên - Quảng Nam có rét nàng bân vào tháng 4, giai đoạn lúa trỗ...
Doanh nghiệp này cũng lưu ý chi phí đầu tư cho sản xuất tăng do giá vật tư, phân bón đội thêm 30-40%, thậm chí nhiều mặt hàng giá tăng gấp đôi. Lộc Trời cũng cho biết giá nguyên vật liệu và sản phẩm phục vụ cây trồng đã tăng 30% do đứt gãy chuỗi cung ứng trong năm ngoái. Chưa kể, ngành nông nghiệp đang đối mặt với áp lực từ chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và thiếu nhân lực do đô thị hóa, công nghiệp hóa...
Ở đầu ra tiêu thụ, ngành gạo đang chịu tác động lớn bởi chi phí vận chuyển tăng cao. Nhiều doanh nghiệp mạnh về xuất khẩu, tuy nhiên kênh này chưa chắc chỉ toàn quả ngọt. Lãnh đạo Angimex cho rằng xuất khẩu gạo vào thị trường châu Á có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro cao, chi phí logistic tăng mạnh.
Riêng cước phí vận chuyển, Công ty Trung An từng cho biết đây là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp này không hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm trước. Cụ thể, cước vận chuyển trong châu Á tăng hơn gấp đôi, cước chuyển hàng đi châu Âu cũng tăng đến 3 lần trong năm ngoái.
Kênh tiêu thụ trong nước cũng đối mặt với thế gọng kìm tương tự. Ông Dư Phúc Thịnh - Quản lý kênh bán hàng hiện đại của Công ty TNHH Gạo Hoa Sen (Lotus Rice), cho biết sức mua thị trường đã giảm 15-20% so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân đến từ việc người tiêu dùng không còn tâm lý tích trữ nhu yếu phẩm như thời điểm giãn cách xã hội.
"Giá xăng dầu, vận chuyển, nguyên vật liệu đầu vào tăng chưa từng có và chưa có chiều hướng giảm... cũng đẩy doanh nghiệp vào thế bắt buộc phải điều chỉnh tăng giá đầu ra trong khi sức mua thị trường thấp", ông giải thích thêm.
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp chuyên sản xuất gạo hữu cơ này đã phải liên tục cân đối mục tiêu lợi nhuận để đảm bảo các khoản chi phí trong quá trình vận hành.
Tuy nhiên đại diện Lotus Rice lưu ý, đặc thù của ngành gạo là sức mua sẽ tăng dần vào nửa cuối năm do nhu cầu từ thiện hoặc lễ tết cùng việc mở rộng kênh phân phối mới tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, online...
Ở mảng xuất khẩu, số liệu sơ bộ của Bộ Công Thương cho thấy, lũy kế 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khoảng 2,86 triệu tấn gạo, tương đương 1,39 tỷ USD. Thời gian qua, giá gạo Việt Nam giảm nhưng luôn duy trì ở mức cao hơn các nước khác từ 3-16%.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam trước đó dự đoán, xuất khẩu gạo năm nay sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Giữa năm là thời điểm thị trường thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và nhiều doanh nghiệp cũng đã chốt được đơn xuất khẩu lên đến hàng nghìn tấn.
Tất Đạt