Sau nhiều năm ấp ủ, Việt Nam thông qua chủ trương làm điện hạt nhân nhưng sau 7 năm chuẩn bị, triển khai một số dự án thành phần, dự án tại Ninh Thuận được tạm dừng.
Chương trình phát triển điện hạt nhân được ấp ủ vào những năm 1970, nhưng tới giai đoạn 1996-2009 loại năng lượng này mới được nghiên cứu một cách nghiêm túc, sau khi cấp có thẩm quyền cho chủ trương, với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và nhu cầu điện rất cao.
Tại thời điểm 2008 khi lập đề án, Chính phủ tính toán tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo tăng 9-10%, kéo theo nhu cầu tăng trưởng điện 17-20%. Với nhu cầu cao như vậy, ngoài nhiệt điện, thủy điện đã có, năng lượng sơ cấp nhập khẩu lớn, cần một loại năng lượng mới đảm bảo tính ổn định, giá cạnh tranh.
Đề xuất chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận được Chính phủ trình Quốc hội vào cuối 2009, với dự kiến xây dựng hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 tại huyện Thuận Nam và Ninh Hải, tổng công suất 4.000 MW. Tổng đầu tư dự kiến ban đầu 200.000 tỷ đồng.
Việc nghiên cứu địa điểm đặt nhà máy điện hạt nhân cũng được các bên tham gia xem là quan trọng và làm kỹ lưỡng. Từ 8 vị trí nghiên cứu, khảo sát ban đầu, hai vị trí tại Ninh Thuận được "chốt", chọn là nơi đặt 2 nhà máy điện hạt nhân. Đây là các địa điểm sau khi nghiên cứu được đánh giá là tiềm năng, an toàn và khó có khả năng lựa chọn địa điểm khác.
Loạt công việc chuẩn bị đầu tư, cơ sở hạ tầng dự án này được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, EVN triển khai trong 6 năm sau đó, như tuyến đường ven biển Ninh Thuận, rồi tái khởi động dự án hồ Tân Mỹ (trên 200 triệu m3)...
Sau 7 năm chuẩn bị, tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Giải thích việc dừng khi đó, Chính phủ cho biết không phải do vấn đề công nghệ, an toàn mà điều kiện phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với lúc quyết định đầu tư dự án. Khi đó, Việt Nam cũng cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án trọng điểm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội...
"Việc dừng chủ yếu do tính khả thi dự án không còn", ông Lê Hồng Tịnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội, chia sẻ với báo chí ở thời điểm Quốc hội quyết định dừng chủ trương đầu tư dự án này.
Theo ông, bối cảnh khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân thì dự kiến tốc độ tăng trưởng rất cao, nhưng cuối 2016 đà tăng này thấp hơn nhiều, 6-7% một năm. Tăng trưởng điện năng theo tính toán giảm một nửa vào 2020 và dự kiến còn một phần ba trong 10-15 năm tiếp theo.
Lý do nữa, là quan ngại nợ công sẽ vượt trần nếu phải vay thêm để làm dự án này.
Tới trước khi quyết định dừng được đưa ra, đã có 7 dự án thành phần do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và UBND tỉnh Ninh Thuận đầu tư, số vốn trên 2.300 tỷ đồng. Trong đó, đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi, hệ thống cấp điện và hạ tầng phục vụ thi công; khảo sát thiết kế di dân tái định cư; đền bù, giải phóng mặt bằng; xây dựng các công trình phụ trợ cũng được triển khai. Gần 450 sinh viên, kỹ sư được các đối tác Nga, Nhật Bản đào tạo về chuyên ngành công nghệ điện hạt nhân...
Sau khi dừng dự án điện hạt nhân, Chính phủ chấp thuận loạt chủ trương, hỗ trợ để tỉnh này phát triển. Một trong số đó là phát triển tỉnh Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời); đầu tư dự án Thủy điện tính năng Bắc Ái; tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp.
Ninh Thuận tiếp tục được hưởng cơ chế giá ưu đãi phát triển điện mặt trời 9,35 cent một kWh theo Quyết định 11/2017 đến hết năm 2020, với các dự án điện mặt trời và hạ tầng đấu nối công suất thiết kế 2.000 MW.
Chuyển hướng phát triển nguồn năng lượng mới, Ninh Thuận đã thu hút lượng vốn lớn đầu tư vào năng lượng tái tạo vài năm qua. Từ địa phương có thu nhập bình quân đầu người dưới mức bình quân chung cả nước, năm 2020, tức 5 năm sau chủ trương dừng điện hạt nhân, tốc độ tăng GRDP của tỉnh bình quân đạt 10,2% một năm (60,1 triệu đồng một người). Năm 2021, tổng thu ngân sách của địa phương này đạt 3.907 tỷ đồng, gấp gần 2,2 lần năm 2015.
Nhưng người dân vùng quy hoạch dự án vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn khi đề án ổn định sản xuất, phát triển khu dân cư vẫn chưa được phê duyệt.
Vị trí quy hoạch dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đã được Chính phủ điều chỉnh sang phát triển năng lượng tái tạo. Khu vực nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất. Tức là hiện quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận theo các quyết định của Bộ Công Thương vẫn còn hiệu lực.
Bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Ninh Thuận, lo lắng khi người dân tại đây bị hạn chế quyền sử dụng đất, không được mua bán, chuyển nhượng hay thế chấp đất để vay vốn sản xuất. Các công trình phúc lợi không được đầu tư đang bị hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng... Thậm chí, có trường hợp chủ sử dụng đất đã già yếu, qua đời nhưng không thể sang tên, tặng cho, thừa kế cho thế hệ sau.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dừng triển khai từ năm 2016. Mới đây, sau 5 năm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị nghiên cứu điện hạt nhân ở giai đoạn phát triển năng lượng tiếp theo. Quy hoạch địa điểm các vị trí dự kiến xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cũng được cơ quan này đề nghị giữ lại, cho tới khi có quyết định chính thức từ cấp thẩm quyền.