Các vấn đề nóng về chứng khoán, trái phiếu, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro... sẽ được Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn ngày 8/6.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc là trưởng ngành thứ 2 đăng đàn, trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 8/6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ trả lời chất vấn chiều cùng ngày.
Đây đều là lần đầu tiên hai trưởng ngành này trả lời chất vấn trước Quốc hội từ khi nhận chức tháng 7/2021.
Trong buổi sáng, ông Phớc sẽ dành thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội với 4 nhóm vấn đề quan trọng liên quan tới quản lý Nhà nước của ngành tài chính.
Một trong số vấn đề "nóng" nhận được nhiều quan tâm của dư luận vừa qua là hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Trong báo cáo trước đó gửi Quốc hội, Bộ trưởng Phớc nhận xét, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng nhanh, tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường. Điển hình sai phạm này là vụ việc xảy ra tại Tân Hoàng Minh.
Thực tế hoạt động phát hành trái phiếu đã có hai năm bùng nổ, nhất là với hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ. Năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt gần 640.000 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020, với gần 95% là phát hành riêng lẻ.
Các tổ chức tín dụng phát hành nhiều nhất, với hơn 36% tổng khối lượng toàn thị trường. Doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai, gần 33,2%.
Tương tự, tình trạng thao túng, làm giá, tin đồn thất thiệt... đã ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn đầu phát triển. Vụ việc của FLC và Louis Holdings là điển hình.
Tại phiên chất vấn, ông Phớc cũng sẽ dành thời gian làm rõ nút thắt cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước; các chính sách tài khoá hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội; quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo nghị quyết của Quốc hội.
Các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số cũng là nội dung Bộ trưởng Tài chính phải trả lời.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thông tin & Truyền thông, Công an; Thống đốc Ngân hàng nhà nước; Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ tham gia giải trình vấn đề liên quan.
Buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sẽ làm rõ việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay bất động sản; xử lý nợ xấu theo nghị quyết của Quốc hội, ngân hàng yếu kém.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá, thị trường bất động sản biến động mạnh, tình trạng thổi giá gây sốt ảo bất động sản, đấu giá đất với giá cao bất thường... ảnh hưởng đến cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Vì thế Ngân hàng Nhà nước nhận diện, đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong các lĩnh vực rủi ro với hoạt động ngân hàng, cần có các giải pháp kiểm soát.
Hiện khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản là cho vay trung, dài hạn (10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng.
Trong lần đầu đăng đàn trả lời trước Quốc hội, Thống đốc cũng dành thời gian làm rõ việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao...
Tham gia trả lời cùng bà Hồng có Phó thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước; Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.