VN-Index mất gần 42 điểm sau phiên sáng 13/6 khi sắc đỏ tràn ngập thị trường, 435 mã giảm trên HoSE với 27 cổ phiếu giảm hết biên độ.
Cùng nhịp với diễn biến đỏ lửa của thị trường quốc tế, chứng khoán Việt Nam mở phiên đầu tuần này trong sắc đỏ. Áp lực bán tăng nhanh ngay từ phiên xác định giá mở cửa (ATO) khiến toàn bộ thị trường lao dốc, mức giảm phổ biến trong khoảng 2-4%, nhiều mã giảm hết biên độ từ đầu giờ.
VN-Index lùi về ngưỡng 1.250 điểm sau 15 phút đầu phiên, giao dịch giằng co ở vùng giá thấp cho tới giữa phiên sáng. Thị trường có nhịp hồi nhẹ sau 10h20 khi đà giảm thu hẹp một phần, một số nhà đầu tư quyết định bắt đáy. Dù vậy, lực cầu yếu không giúp thị trường thay đổi xu hướng. Áp lực bán tăng nhanh trở lại khiến sắc đỏ nới rộng. Mức giảm của VN-Index từ 26 điểm tăng vọt lên hơn 40 điểm vào cuối phiên sáng.
Trước giờ nghỉ trưa, VN-Index dừng ở mức 1.242 điểm, giảm gần 42 điểm so với tham chiếu (3,27%). VN30-Index giảm mạnh hơn với 3,37%, xuống 1.281 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index cùng lùi sâu.
Sắc đỏ chiếm áp đảo hoàn toàn. Sàn HoSE cho tới cuối phiên sáng ghi nhận 435 mã giảm, với 27 mã hạ kịch sàn, so với 42 mã tăng. Riêng nhóm VN30, 28/30 cổ phiếu bluechip giao dịch dưới tham chiếu.
Các nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường, như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ, xây dựng, đều giảm sâu. PNJ chốt phiên sáng mất 6,4%, VRE, CTG, SSI, MBB giảm trên 5%, TPB, PLX, STB, ACB, MWG thấp hơn 4% so với tham chiếu.
Các nhóm cổ phiếu được chú ý gần đây như dầu khí, phân bón giảm gần hết biên độ. Cổ phiếu thép, thủy sản cũng chung tình cảnh.
Ở chiều tăng, GAS và POW là hai mã trong VN30 giữ được sắc xanh. Một số cổ phiếu điện như NT2, PC1 giao dịch tích cực.
Thanh khoản thị trường không quá đột biến, với giá trị giao dịch trên HoSE đạt gần 11.000 tỷ đồng. Khối ngoại giữ trạng thái bán ròng với quy mô hơn 100 tỷ đồng trong phiên sáng nay.
Đà giảm của VN-Index cũng chung với diễn biến trên các thị trường khác.
Chứng khoán châu Á sáng nay cũng chìm trong sắc đỏ khi các thị trường chủ chốt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều giảm sâu. Nikkei 225 của thị trường Nhật Bản giảm gần 3%, chỉ số Kosdaq và Kospi của Hàn Quốc giảm 3-4%. Tại Trung Quốc, các chỉ số của sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đều giao dịch dưới tham chiếu.
Cuối tuần trước, các chỉ số của chứng khoán Mỹ lao dốc sau khi công bố số liệu lạm phát và chỉ số niềm tin tiêu dùng. Chốt phiên giao dịch 10/6, chỉ số DJIA mất 880 điểm, tương đương 2,73%, về 31.392 điểm. S&P 500 giảm gần 3%, còn Nasdaq Composite mất 3,52%.
Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,6% trong tháng 5 so với năm ngoái. CPI lõi (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu) tăng 6%. Cả hai chỉ số này đều cao hơn tháng 4 và cũng là cao nhất kể từ năm 1981.
Minh Sơn