Ngành ăn uống bung sức tìm cơ hội sau dịch

Những đơn vị F&B đã vượt ải Covid-19 năm qua đang bung sức trở lại để tìm cơ hội, dù vẫn chịu áp lực thiếu người và lạm phát.

Tính đến tháng 5, hệ thống nhà hàng Vua Cua chỉ vừa phục hồi doanh số 70% so với trước dịch. Tuy nhiên, chị Đoàn Thị Anh Thư, CEO chuỗi dự kiến doanh số có thể phục hồi hoàn toàn và phát triển từ cuối quý II.

Đặt niềm tin vào triển vọng thị trường, chuỗi này gần đây công bố tham vọng mở 50 cửa hàng, bao gồm cửa hàng nhượng quyền, ngay trong năm nay và nâng lên 200 vào năm sau. Hiện nay, họ có 5 nhà hàng và 3 cửa hàng nhượng quyền, nhưng vừa được "Shark" Đỗ Thị Kim Liên rót vốn lần hai.

Không chỉ chuỗi này, nhiều đơn vị kinh doanh ăn uống lớn nhỏ bắt đầu phát tín hiệu bung sức lại để thu hút khách hàng sau hai năm dịch ảm đạm. Ở phân khúc ẩm thực cao cấp (fine dining), các hệ thống khách sạn lớn cùng tổ chức hâm nóng tên tuổi trong tháng 5.

Theo đó, suốt hai tháng 5 - 6, hơn 20 nhà hàng thuộc các khách sạn và khu nghỉ dưỡng của Marriott Bonvoy tại Việt Nam cùng đồng loạt tổ chức chương trình khám phá ẩm thực với các gói dịch vụ ưu đãi.

Tại nhà hàng Li Bai thuộc Sheraton Saigon, để chào Tết Đoan Ngọ sắp tới, họ tung ra những chiếc bánh ú cao cấp có giá dao động từ trên dưới 140.000 đến 390.000 đồng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thực khách thời gian dồn nén chi tiêu.

Ở New World Sài Gòn, nhà hàng Black Vinegar chuyên bán món Quảng Đông cũng được khai trương lại sau khoảng hai năm tạm đóng. Tại khu mua sắm gần Takashimaya và Saigon Square (quận 1, TP HCM), Lê Nguyễn Minh Mẫn, chủ của một nhà hàng Lẩu Hong Kong cũng nhìn thấy sinh khí mới của ngành F&B.

"Từ đầu năm đến nay, thị trường F&B nở rộ sau thời gian dài ngủ đông. Lượng khách và sức mua cũng rất mạnh mẽ, cho thấy ngành này đang hồi sinh trở lại", Mẫn nói. Cùng với nhà hàng hiện hữu, gần đây anh mở thêm một chuỗi nhượng quyền kinh doanh nấm chiên giòn.

Khách hàng ăn uống trong một cửa hàng cà phê ở quận 1, TP HCM ngày 12/5. Ảnh: Dỹ Tùng

Khách hàng ăn uống trong một cửa hàng cà phê ở quận 1, TP HCM ngày 12/5. Ảnh: Dỹ Tùng

Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 91% doanh nghiệp F&B cho biết bị ảnh hưởng ở mức nghiêm trọng trong 2 năm dịch 2020 – 2021. Mãi đến quý I/2022, lĩnh vực này mới khởi sắc. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ ăn uống và lưu trú trong quý I/2022 đạt 124.400 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,2% so với quý I/2021. Tuy nhiên, nếu so với trước dịch, tức quý I/2019 thì vẫn còn thấp hơn 1,79%.

Trên nền tảng thanh toán Payoo, tính đến hết quý 1/2022, doanh thu ngành F&B cũng đã tăng gấp rưỡi so với quý IV/2021. Tổng lượng giao dịch tăng 24% so với quý trước đó. Đại diện nền tảng này dự báo, tăng trưởng ngành này quý II sẽ còn cao hơn nhờ 2 nguyên nhân. Một là dịch bệnh khống chế thành công nên tâm lý người dân ổn định, mạnh dạn ăn ngoài hơn. Hai là ngành du lịch đã bắt đầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Triển vọng dài hạn cho cả năm nay cũng được đánh giá tốt. VNDirect cho rằng, ngành này sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, từ 10-12% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup dự đoán tương tự. "Ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú được kỳ vọng sẽ trở lại 'bình thường' mới nhờ sự phục hồi của nghành du lịch, tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế", ông Thuận đánh giá tại một sự kiện giữa tháng này.

Kể từ khi chính thức mở cửa biên giới từ 15/3, Việt Nam đã sớm hưởng lợi nhờ du lịch trở lại. Việt Nam đón hơn 100.000 khách du lịch trong tháng 4, cao gấp ba lần so với tháng 3. Theo dữ liệu Destination Insights của Google, Việt Nam cùng với Philippines là hai đại diện duy nhất của châu Á lọt vào top 10 nước có nhu cầu du lịch tăng trưởng cao nhất trong tháng 4.

Doanh nghiệp cũng nhìn thấy triển vọng và thấy thời cơ bung sức lúc này là hợp lý. Long Nguyễn, Giám đốc vận hành của N5 Bar cho biết rất hứng thú và may mắn khi tham gia thị trường F&B trong thời điểm này.

"Nếu theo dõi sẽ không khó để nhận thấy sau 3 năm dịch vừa qua rất nhiều thương hiệu đã biến mất, đặc biệt là các mô hình hoạt động 'night life'. Thay vào đó là một loạt những tên tuổi mới xuất hiện với nhiều những mô hình thú vị hơn, chau chuốt hơn về mặt sản phẩm cũng như dịch vụ", Long nói. Bản thân đơn vị của anh cũng đang thử nghiệm ý tưởng về một cocktail bar tối giản, chú trọng vào việc mang đến một không gian riêng tư và cho hay được khách hàng đón nhận.

Nhưng sẽ có một số thử thách trong lần chinh phục thị trường này. Nhân sự là một trong những bài toán hàng đầu. "Thật sự, việc tuyển nhân sự sau dịch hiện tại rất khó khăn một phần do sự thiếu hụt lao động trên thị trường, đồng thời kỳ vọng về thu nhập của nhân viên cũng thay đổi rất nhiều so với trước đây", Long Nguyễn của N5 Bar nói.

Đơn vị này đang cố gắng hỗ trợ nhân viên tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn, cũng như kết hợp giảm thiểu những vị trí không cần thiết. Cùng đánh giá, CEO Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư cho biết thị trường thiếu hụt ở nhóm lao động phổ thông, nên việc người cũng gặp nhiều khó khăn.

Một số đơn vị cũng đang xác nhận có áp lực về giá nguyên liệu đầu vào. "Chi phí nguyên liệu tăng đáng kể nhưng giá bán thì không được tăng. Câu chuyện luôn là thế nên cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp", chị Thư cho biết thêm.

Phân khúc ăn uống bình dân đến trung cấp càng chịu ảnh hưởng hơn. "Xăng dầu, vận chuyển, hàng hóa nguyên vật liệu đều tăng cao nhưng khách hàng lại đang lựa chọn rất nhiều về giá", Minh Mẫn nói.

Theo anh, điều này khiến các nhà kinh doanh phải cẩn thận hơn khi xây dựng và tính giá trong khi vẫn phải tăng chất lượng liên tục. "Hiện nhiều người quay lại đầu tư F&B, làm thị trường đang cạnh tranh rất cao. Tuy vậy, đó là tín hiệu tốt cho khách hàng và người tiêu dùng, cho thấy thị trường đang tốt lên và cao cấp hơn", anh Mẫn đánh giá.

Viễn Thông

Adblock test (Why?)