Blogger Lý Thành Cơ và Xuân Hòa chia sẻ kinh nghiệm xin visa du lịch nhiều nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Australia... khi là một người làm việc tự do.
Freelancer (người làm việc tự do) là nghề nghiệp của nhiều người trong thời đại 4.0. Công việc không ổn định và không được bảo trợ bởi công ty là rào cản khiến nhiều người ngần ngại không nộp visa để du lịch các nước phát triển.
"Các nước phát triển như tại châu Âu, Australia, New Zealand, Mỹ, Nhật Bản... coi trọng công việc của bạn và xem như một trong những điều kiện quan trọng nhất để cấp visa du lịch bởi họ cho rằng khi bạn có công việc ổn định ở Việt Nam thì xác suất ở lại nước họ sau chuyến đi là thấp. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa người lao động tự do không có cơ hội du lịch các nước phát triển", Lý Thành Cơ, blogger đã có 3 cuốn sách về du lịch liên tiếp từ năm 2018 đến 2020, cho biết.
Xuân Hòa, cộng tác viên đài truyền hình từ năm 2013, với lương tháng khoảng 5-6 triệu đồng chuyển vào tài khoản ngân hàng. Anh không có hợp đồng lao động, đơn xin nghỉ phép hay bảo hiểm xã hội nhưng có kinh nghiệm xin được visa các nước phát triển như Mỹ, Australia, Anh, khối Schengen, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kinh nghiệm quan trọng nhất của anh là trung thực tuyệt đối, chuẩn bị thật kỹ các giấy tờ được yêu cầu, chú trọng vào điểm mạnh để bù vào việc không có nghề ổn định.
Dưới đây là kinh nghiệm cụ thể của Lý Thành Cơ và Xuân Hòa khi xin visa du lịch các nước phát triển nếu bạn là một freelancer.
Lịch sử du lịch
Đối với freelancer, lịch sử du lịch mạnh là điều kiện quan trọng nhất để xin visa các nước phát triển. Đây là cách chứng minh cho nhân viên xét hồ sơ rằng bạn thích đi du lịch và mục đích chuyến đi của bạn là tham quan đất nước của họ. Khi hộ chiếu còn trắng thì xác suất được cấp visa du lịch tự túc các nước phát triển là rất thấp.
Để tăng khả năng có visa, bạn nên du lịch trước tới các nước miễn visa cho người Việt, chẳng hạn như khu vực Đông Nam Á. Sau đó, bạn đi thêm một số nước và vùng lãnh thổ ở gần mà xin visa không quá khó như Hàn Quốc, Trung Quốc... Bạn có thể xin visa du lịch tự túc hoặc đi theo tour để đơn giản hơn.
Mục đích chuyến đi
Mục quan trọng thứ hai mà bạn phải chuẩn bị thật kỹ là các giấy tờ chứng minh mục đích chuyến đi. Bạn phải chứng minh cho người xét hồ sơ rằng bạn sang nước họ để du lịch chứ không vì mục đích nào khác.
Thông thường, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau để làm mạnh hồ sơ:
- Lịch trình chuyến đi: Chi tiết từng giờ, phút: ăn gì, ngủ ở đâu, tham quan cái gì...
- Vé máy bay khứ hồi: Nhiều du khách chỉ đặt chỗ trước, trả tiền sau phòng trường hợp bị từ chối visa. Theo kinh nghiệm của Thành Cơ và Xuân Hòa là nộp vé máy bay đã trả tiền. Để có giá rẻ, bạn cần mua sớm, có thể trước một năm.
- Đặt phòng khách sạn: Có thể đặt trên Booking hoặc Agoda, dạng thanh toán sau và có thể hủy miễn phí.
- Bảo hiểm du lịch: Bạn bắt buộc phải mua bảo hiểm du lịch cho tất cả các ngày tương ứng với lịch trình chuyến đi.
- Bảng kinh phí dự trù cho chuyến đi: Một bảng Excel, liệt kê tất cả các chi phí phát sinh trong chuyến đi. Đây là giấy tờ không bắt buộc, song với freelancer thì được khuyên làm.
- Giấy tờ khác: Xác nhận đặt landtour, vé tham quan các điểm du lịch nổi tiếng qua mạng...
Chứng minh tài chính
Mục quan trọng thứ ba là chứng minh tài chính. Bạn cần chứng minh mình là freelancer nhưng có thu nhập ổn định để chi trả cho chuyến đi và cuộc sống của bạn ở Việt Nam. Các giấy tờ cần thiết gồm:
- Sổ tiết kiệm: Không có quy định chính xác nhưng lời khuyên là số tiền gửi phải nhiều hơn 1,5 đến 2 lần số tiền cần thiết cho chuyến đi mà bạn đã ghi trong bảng kinh phí dự trù. Nói chung, bạn cần có sổ tiết kiệm khoảng 150-200 triệu đồng.
- Sao kê ngân hàng: Sao kê tài khoản ngân hàng 3-6 tháng gần nhất (tốt nhất nên sao kê 6 tháng). Giấy tờ này chứng minh việc chi tiêu của bạn. Bạn nên dùng bút màu khoanh những khoản thu nhập được trả lương.
- Thẻ tín dụng: Nếu dùng thẻ tín dụng thì nên xin xác nhận hạn mức tín dụng.
- Giấy tờ nhà đất, sổ đỏ, giấy tờ xe, xác nhận số dư tài khoản chứng khoán: Đây là các giấy tờ không bắt buộc nhưng giúp tăng khả năng đậu visa.
Trường hợp số dư tài khoản ngân hàng của bạn trên 150 triệu đồng, bạn có thể không cần sổ tiết kiệm. Xuân Hòa từng nhiều lần chỉ nộp Sao kê tài khoản ngân hàng với số dư trên 150 triệu đồng mà không nộp sổ tiết kiệm.
Bạn không nên "khoe" sổ tiết kiệm nhiều tỷ vì phải chứng minh được nguồn gốc số tiền đó. Nếu bạn có rất nhiều tiền mà không có đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì hoàn toàn có thể bị từ chối cấp visa. Ngoài ra, nhân viên xét hồ sơ sẽ nghĩ bạn có thể ở lại nước họ để sinh sống, hưởng thụ cuộc sống.
Mỗi nước có một yêu cầu khác nhau về thời gian mở sổ tiết kiệm và thời hạn của khoản tiết kiệm. Nhiều nước không coi trọng thời gian mở sổ tiết kiệm nhưng có quốc gia đòi hỏi sổ tiết kiệm phải được mở tối thiểu 3 hoặc 6 tháng trước ngày nộp hồ sơ xin visa. Bạn nên đọc kỹ yêu cầu này.
Thư giải trình
Ngoài các mục trên thì bạn cần chuẩn bị thư giải trình, đặc biệt quan trọng với freelancer. Trong thư, bạn cần trình bày những nội dung sau:
- Giới thiệu bản thân: Bạn đang làm những công việc tự do nào, thu nhập bao nhiêu tiền một tháng, thu nhập này nhận bằng tiền mặt hay chuyển khoảng, chứng từ...
- Sở thích du lịch: Trình bày sở thích du lịch, số quốc gia đã tới.
- Lý do đến nước sở tại: Trình bày lý do muốn đến du lịch nước mà bạn xin visa, thời gian lưu trú, lịch trình đi tới những đâu, phương tiện đi lại và khách sạn bạn chọn lưu trú.
- Ràng buộc ở Việt nam: Giải thích các mối quan hệ ở Việt Nam như gia đình, bố mẹ, nhà cửa... để chứng minh kết thúc chuyến đi bạn sẽ quay trở lại Việt Nam chứ không trốn lại nước họ.
- Mong muốn được cấp visa: Cuối thư, bạn trình bày mong muốn được cấp visa để thực hiện ước mơ đến tham quan đất nước xinh đẹp mà mình muốn đến. Đồng thời, hứa tuân thủ mọi luật lệ nước sở tại cũng như các quy định về visa và xuất nhập cảnh.
Lưu ý, thư giải trình không có mẫu chung bởi mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Freelancer muốn đậu visa cần viết thật sự tâm huyết.
Trung Nghĩa