Thập niên 20, cả doanh nghiệp, cá nhân và ngân hàng Mỹ đều đi vay để mua cổ phiếu khi chỉ phải bỏ ra 10-20% tiền túi.
Ngày 16/10/1929, nhà kinh tế học nổi tiếng Irving Fisher viết trên New York Times rằng "Giá cổ phiếu có vẻ đã chạm mốc cao ổn định". Tuy nhiên, chỉ 8 ngày sau, vào 24/10/1929, thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu chuỗi 4 ngày giảm điểm, với Ngày thứ Năm đen tối và Ngày thứ Ba đen tối.
Việc này khiến nhà đầu tư thiệt hại hơn cả Đại chiến Thế giới I và là một trong những nguyên nhân gây ra Đại suy thoái 1929 -1933 sau đó. Tuyên bố của Irving Fisher vì thế cũng trở thành một trong những dự báo chứng khoán tệ nhất mọi thời đại.
Những rủi ro và dấu hiệu cảnh báo sớm
Giai đoạn 1920 – 1929, GDP Mỹ tăng trưởng 42%, từ 688 tỷ USD lên 977 tỷ USD. Thu nhập bình quân của người dân cũng tăng thêm 1.500 USD và tỷ lệ thất nghiệp được giữ ở mức dưới 4%. Sự lạc quan và thịnh vượng khi đó ở mức cao chưa từng có. Các tờ báo liên tục đăng tải câu chuyện về các giáo viên, lái xe, người giúp việc kiếm cả triệu USD trên thị trường chứng khoán.
Ai cũng muốn tham gia thị trường và tín dụng khi đó cũng rất dồi dào. Cả doanh nghiệp và cá nhân đều đi vay để mua cổ phiếu (margin). Sử dụng margin đồng nghĩa nhà đầu tư chỉ cần 10-20% tiền túi và vay phần còn lại từ công ty môi giới. Loại đòn bẩy này cực kỳ rủi ro, vì nếu giá cổ phiếu giảm xuống dưới mức vay, công ty chứng khoán sẽ call margin, yêu cầu hoàn trả khoản vay ngay lập tức.
Tuy nhiên, bất chấp rủi ro này, đến cả các ngân hàng cũng dùng margin để mua cổ phiếu. Một số thậm chí dùng cả tiền gửi của khách hàng, vì khi đó chưa có luật cấm điều này. Chỉ số DJIA đã liên tục đi lên trong giai đoạn 1920 – tháng 9/1929.
Ngày 25/3/2929, thị trường điều chỉnh, giảm 10% so với đỉnh 52 tuần. Thông báo call margin được đưa ra và các nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn. Dù vậy, một nhóm ngân hàng đã trấn an họ rằng các nhà băng sẽ vẫn tiếp tục cho vay. Thị trường sau đó dần hồi phục.
Nhiều yếu tố cảnh báo khác cũng xuất hiện, nhưng đều bị bỏ qua. Sản lượng thép, doanh số bán xe và hoạt động xây nhà đều chậm lại. Một số ngân hàng dừng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế đồng tình với sự lạc quan của Irving Fisher về triển vọng của thị trường. Chỉ một số ít lên tiếng cảnh báo.
Khi thị trường chứng khoán lập thêm nhiều đỉnh mới vào hè năm đó, nhà đầu tư phớt lờ hoàn toàn các dự báo tiêu cực. Ngày 3/9/1929, DJIA tăng 27% so với cùng kỳ năm trước đó.
Ngày thứ Năm đen tối và Ngày thứ Ba đen tối
Vài tuần sau, giá cổ phiếu bắt đầu đà giảm. Đến ngày 23/10/1929, DJIA đã mất gần 20% từ đỉnh. Trong giờ giao dịch cuối cùng của phiên đó, các cổ phiếu đột ngột lao dốc. Thị trường đóng cửa trong sự lo ngại và mơ hồ. Ngày hôm sau – 24/10/1929 – đi vào lịch sử với tên gọi Ngày thứ Năm đen tối.
Ngay khi mở cửa, 150.000 cổ phiếu hãng dầu mỏ Cities Service được bán với giá 8,4 triệu USD. Đến giữa phiên sáng, các cổ phiếu blue-chip giảm tới 10 USD mỗi đợt bán. Đến trưa, các tên tuổi như RCA Corporation hay Montgomery Ward mất 30% và 40%.
Để chặn lại tâm lý hoảng loạn đang lên cao, Richard Whitney – người đứng đầu Sàn chứng khoán New York kiêm lãnh đạo mảng môi giới của JP Morgan đã ra giá mua cao hơn với 25.000 cổ phiếu U.S. Steel. Chiến lược này đã phát huy tác dụng. Thị trường phục hồi trở lại.
Montgomery-Ward mở cửa mở 83 USD, chạm đáy trong phiên tại 50 USD và đóng cửa ở 74 USD một cổ phiếu. Dù vậy, DJIA chốt phiên vẫn giảm 11%, với gần 13 triệu cổ phiếu sang tay – gấp 3 lần bình thường.
Phiên sau đó, thị trường có vẻ bình tĩnh hơn. Khối lượng giao dịch giảm về 6 triệu. Nhà đầu tư dành vài ngày cuối tuần để đánh giá lại danh mục đầu tư. Khi thị trường mở cửa lại vào thứ Hai tuần sau đó, giá cổ phiếu lại lao dốc và khối lượng giao dịch tiếp tục tăng vọt. Lần này, chẳng có đợt phục hồi nào vào giờ chót cả.
Ngày 29/10/1929 (Ngày thứ Ba đen tối), nhà đầu tư hoảng loạn thực sự. 3 triệu cổ phiếu được sang tay chỉ trong 30 phút đầu phiên. Khi nhà đầu tư cố gắng liên lạc với các môi giới, đường dây điện thoại liên tục nghẽn.
Các hãng môi giới chứng khoán tiếp tục call margin và bán cổ phiếu của các nhà đầu tư không thể ngay lập tức hoàn trả 80 – 90% tiền vay, khiến tiền tiết kiệm cả đời của nhiều người bốc hơi trong phút chốc. Khi thị trường đóng cửa, chỉ số DJIA giảm tới 12%, với 16,4 triệu cổ phiếu được bán.
Nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ sụp đổ năm 1929
- Sử dụng margin
Trước khi thị trường sụp đổ, khoảng 40% khoản vay tại Mỹ được dùng để mua cổ phiếu. Khi thị trường lao dốc, các công ty môi giới bắt đầu call margin và người mua thường không thể trả. Khi điều này xảy ra, các môi giới tiếp tục bán cổ phiếu của nhà đầu tư, khiến tiền tiết kiệm của họ bốc hơi và sự hoảng loạn càng tăng mạnh.
- Thiếu quy định pháp lý
Các chính sách hiện tại về tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng và giao dịch cổ phiếu không tồn tại năm 1929. Các ngân hàng đã dùng tiền gửi của khách để mua cổ phiếu mà không báo cho họ biết. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng không thể lấy lại tiền khi công ty môi giới phá sản.
- Cổ phiếu được định giá quá cao
Nhiều người coi đây là nguyên nhân chính gây ra vụ sụp đổ năm 1929. Tuy nhiên, không có nhiều bằng chứng ủng hộ điều này. Cổ phiếu tăng giá tới 120% giai đoạn 1925 – 1929. Tính trung bình là 22% mỗi năm. Đây là mức tăng lớn, nhưng phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế mạnh của Mỹ khi đó.
Hệ số giá cổ phiếu trên lợi nhuận công ty (P/E) cũng không quá cao. Năm 1929, P/E trung bình là 15. Tháng 1/2018, P/E của các cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 còn lên gần 23.
- Rắc rối từ London
Ngày 20/9/1929, Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSE) đình chỉ cổ phiếu của Hatry Group sau khi nhà sáng lập Clarence Hatry bị phát hiện mua United Steel Companies bằng tài sản đảm bảo giả. Tập đoàn Hatry sụp đổ, khiến nhà đầu tư mất hàng tỷ USD, kéo LSE đi xuống. Tin tức này cũng khiến nhà đầu tư Mỹ lo ngại theo.
- Chính sách của Fed
Các nhà kinh tế học và sử gia từ lâu đã tranh cãi chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) góp phần gây ra sự sụp đổ năm 1929. Năm 1928 và 1929, Fed nâng lãi suất để hạn chế đầu cơ chứng khoán. Tuy nhiên, lãi suất tăng khiến hoạt động kinh tế tại Mỹ chậm lại và gây tác động lan truyền ra toàn cầu. Năm 2002, Ben Bernanke (thành viên Hội đồng Thống đốc Fed khi đó) thừa nhận Fed đóng vai trò trong việc này, rằng sai lầm của Fed đã góp phần "tạo ra thảm họa kinh tế tồi tệ nhất lịch sử Mỹ".
Giới phân tích cho rằng nhà đầu tư rất khó tránh sự kiện năm 1929. Kể cả nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes cũng không dự báo được điều này.
Bên cạnh đó, thị trường khi đó rất khó đoán. Việc tăng điểm trước khi lao dốc mạnh hơn nhiều lần xảy ra, khiến việc dự báo khi nào đà giảm chấm dứt là không thể. Một số nhà đầu tư đã đọc được đúng tín hiệu cảnh báo và bán cổ phiếu trước ngày thứ Năm đen tối. Sau đó, họ mua lại với giá hời và còn lỗ nặng hơn vào ngày thứ Ba đen tối tuần sau đó.
Hà Thu