Người Hội An mong chờ du khách trở lại

Phố cổ đang dần hồi sinh hoạt động, khi các chương trình của Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 được khởi động.

Thành phố Hội An bắt đầu những ngày rộn ràng khi khinh khí cầu nhiều màu sắc được sắp đặt ở khoảng công viên ven sông Hoài, ngày 24/3. Nhiều khách sạn đã mở cửa đón khách, sau hơn hai năm vắng vẻ vì dịch bệnh. Những quán cà phê đã đông đúc hơn. Phố cổ đã bớt cảnh đìu hiu.

Khinh khí cầu trên quảng trường sông Hoài, ngày 24/3.

Khinh khí cầu trên quảng trường sông Hoài, ngày 24/3. Ảnh: Duy Hậu

Từ 10 ngày trước, chuỗi nhà hàng ven biển Cửa Đại đã thuê người dọn dẹp vệ sinh, sắp xếp lại bàn ghế, lắp điện chiếu sáng ngoài trời; một số quán mua thêm thảm cỏ nhân tạo trải lên bãi cát cho sạch đẹp hơn. Bãi biển này thường nhộn nhịp vào mùa hè.

Chị Nguyễn Lệ Quyên, 25 tuổi, quản lý nhà hàng Hòa Hưng, cho biết trước đây có thời điểm nhà hàng phục vụ cùng lúc 500 khách nhưng sau đó hoạt động cầm chừng vì bờ biển sạt lở, rồi dịch Covid-19. "Giờ quán mở lại nhưng khách vắng, có ngày chỉ bán được vài trái dừa", chị nói.

Nhà hàng đã liên hệ với các mối cung cấp hải sản trước đây và xây dựng mới khu hải sản tươi sống để khách chọn món. "Chúng tôi cam kết bán đúng giá đã niêm yết, đảm bảo chất lượng từng món ăn để phục vụ khách. Ai cũng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chúng tôi bán giá bình dân, hợp lý", chị nói thêm.

Chuỗi nhà hàng ven biển Cửa Đại đã dọn dẹp chuẩn bị đón khách. Ảnh: Nguyễn Đông

Chuỗi nhà hàng ven biển Cửa Đại đã dọn dẹp chuẩn bị đón khách. Ảnh: Nguyễn Đông

Năm nay, Hội An tổ chức nhiều tour trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh. Làng rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh), rộng hơn một ha, nằm trong chuỗi các điểm đến của du khách, những ngày qua bà con đang duy trì công việc làm nông và mong khách sớm quay trở lại để "vừa trồng rau vừa tham gia làm du lịch".

Cùng với làng rau Trà Quế, Thanh Đông là điểm đến hút khách với các trải nghiệm làm nông dân, chợ phiên và học nấu ăn. Bà Đinh Thị Miễn, 68 tuổi, một trong 10 hộ trồng rau ở Thanh Đông cho biết trước đây vườn rau vừa làm du lịch, vừa bán cho các nhà hàng, thu nhập của bà con cũng khá hơn, khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. Dịch Covid-19 ập đến, vườn phải đóng cửa.

Trong khoảng vườn rộng 400 m2, bà Miễn trồng nhiều loại từ húng quế, tía tô, ớt, rau cải, cà, bí xanh, chanh... "Nghe sắp có khách đến vườn rau, bà con chúng tôi đã trồng hoa dẫn dụ hai bên lối đi, xen canh thêm cây trồng để vườn rau luôn xanh tươi", bà nói.

Bà Miễn và nhiều người dân ở Thanh Đông trồng hoa dẫn dụ để đón khách trở lại vườn rau hữu cơ trải nghiệm làm nông dân. Ảnh: Nguyễn Đông

Bà Miễn và nhiều người dân ở Thanh Đông trồng hoa dẫn dụ để đón khách trở lại vườn rau hữu cơ trải nghiệm làm nông dân. Ảnh: Nguyễn Đông

Ông Nguyễn Văn Chức, 66 tuổi, Quản lý Hợp tác xã Thanh Đông, cho biết đã có đoàn đến liên hệ để chuẩn bị đưa khách về. "Chúng tôi muốn khách đến. Nhưng đang sống chung với dịch nên cũng có phần lo lắng vì những người làm nông ở vườn đều trên 60 tuổi, cần có phương án đảm bảo an toàn cho bà con", ông nói.

Thất nghiệp hai năm qua, nhưng ông Lê Viết Nhiên, 55 tuổi, phường Cẩm Châu, vẫn giữ con trâu nặng hơn một tấn vốn theo mình đi làm tour trải nghiệm cho khách cưỡi. "Tôi tin du lịch sẽ sớm hồi sinh nên vẫn ngày ngày chăm sóc con trâu và cho làm quen với người lạ", ông nói.

Mới đây có một số người ở Đồ Sơn, Hải Phòng, vào ngã giá đòi mua con trâu của ông về đi chọi nhưng đã bị ông thẳng thừng từ chối. "Du khách rất thích trải nghiệm này, tôi phải giữ để giúp làm cho Hội An thêm nổi tiếng", ông Nhiên nói.

Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty du lịch Jack Tran Tours Hội An, người đi đầu trong xây dựng các tour du lịch sinh thái, cho biết dù chưa có khách Tây và chưa vào dịp nghỉ hè, nhưng đã có nhiều đoàn khách trở lại với Hội An. Các công ty lữ hành ở Australia đã liên hệ với các đối tác ở Việt Nam, đặt trước khách sạn, nhà hàng để tháng 6 qua vui chơi.

"Năm du lịch quốc gia ở Hội An khai mạc ở thời điểm bình thường mới, với nhiều chương trình đặc sắc, được chờ đợi là bước ngoặt giúp hồi sinh du lịch Quảng Nam và các địa phương lân cận như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, đồng thời hy vọng sẽ vực dậy được nền kinh tế du lịch ở Việt Nam", ông Khoa nói.

Theo ông Khoa, hiện Hội An cũng như các địa phương cần khởi động điểm đến an toàn và hấp dẫn cho du khách. Trong đó cần kịp thời tuyển dụng, đào tạo lại nhân viên sau thời gian dài nghỉ dịch, nhiều người đã chuyển sang làm công việc khác mưu sinh, để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

"Công ty tour của tôi đã huy động hơn 30 nhân viên, người lao động (bằng khoảng 80% so với trước dịch), đồng thời liên hệ với những người trồng rau ở Trà Quế, quăng chài ở Cửa Đại, chèo thuyền thúng ở làng dừa Bảy Mẫu... Mọi người đã sẵn sàng vì tham gia làm du lịch vừa vui, vừa thêm thu nhập", ông Khoa nói.

Du khách đạp xe tham quan cánh đồng lúa ở Hội An, chiều 22/3. Ảnh: Nguyễn Đông

Du khách đạp xe tham quan cánh đồng lúa ở Hội An, chiều 22/3. Ảnh: Nguyễn Đông

Trong ngày 24/3, nhiều sự kiện trong khuôn khổ khai mạc Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 được diễn ra, như khai trương làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, Gò Nổi, chương trình Nét xưa phố cổ; Đêm Mỹ Sơn huyền thoại... Lễ khai mạc sẽ diễn ra tại đảo Ký ức Hội An vào 19h30 ngày 26/3.

Tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức 62 sự kiện trong Năm du lịch quốc gia 2022, kỳ vọng đón 4,2 triệu lượt khách, doanh thu 6.000 tỷ đồng.

Nguyễn Đông - Đắc Thành

Adblock test (Why?)