Nhu cầu từ châu Á - thị trường nhập dầu hàng đầu thế giới hiện rất quan trọng với Moskva, trong bối cảnh dầu Nga bị phương Tây quay lưng.
Hai tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, câu hỏi lớn ngày càng được nhiều người quan tâm hiện tại là Châu Á có thể mua bao nhiêu dầu từ Moskva? Mỹ và Anh đã thông báo cấm nhập dầu mỏ của Nga. Nhiều hãng dầu lớn nhất châu Âu, từ Shell, TotalEnergies, BP đến Eni lần lượt cho biết ngừng mua mới sản phẩm nước này. Sự chú ý vì thế đổ dồn vào điểm đến kế tiếp của dầu Nga.
Ở thời điểm này, nhu cầu từ châu Á – thị trường nhập dầu hàng đầu thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, là rất quan trọng. Nếu các đối tác thương mại lớn ngừng mua dầu Nga, ngân sách nước này sẽ chịu sức ép mạnh. Tương tự, thị trường toàn cầu cũng có thể đối mặt với rủi ro thiếu cung.
Tuy nhiên, với kịch bản khu vực này mua, còn khu vực khác thì không, kết quả cuối cùng nhiều khả năng là dòng chảy dầu toàn cầu sẽ chỉ chuyển hướng mà thôi. Ví dụ, châu Á mua nhiều dầu Nga hơn, còn châu Âu chuyển sang dầu Trung Đông. Tức là lệnh trừng phạt của phương Tây không gây thiệt hại nhiều cho Nga và nguồn cung toàn cầu.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tự tin vào khả năng nước này bán được nhiên liệu, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. "Chúng tôi không thuyết phục ai mua dầu, khí của mình", Bloomberg trích lời ông Lavrov tại Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc họp với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba hôm 10/3, "Nếu muốn tìm phương án thay thế, họ cứ làm như vậy đi. Chúng tôi sẽ có thị trường khác để cung cấp. Chúng tôi đã có rồi".
Khoảng trống nhu cầu
Giới buôn tại châu Á và châu Âu cho biết hiện còn quá sớm để nói liệu người mua châu Á có bù đắp được khoảng trống nhu cầu mà châu Âu để lại hay không. Các giao dịch đang được đàm phán bí mật và người mua cũng rất thận trọng. Hiện chưa có lệnh trừng phạt nào trực tiếp ngăn cản các giao dịch như vậy.
Dù vậy, theo giới buôn dầu, việc thu xếp nguồn tài chính để đi mua cũng đang là một thách thức, do các lệnh trừng phạt hiện nhằm vào Nga. Việc Shell tuần trước bị chỉ trích khi mua 100.000 tấn dầu Nga cũng khiến họ chùn chân.
Hiện tại, một số hãng lọc dầu châu Á, trong đó có cả các công ty Trung Quốc thuộc nhóm mua nhiều dầu Nga nhất, vẫn chưa cân nhắc mua thêm dầu từ Moskva. Họ thận trọng với cả dầu Urals giao vài tuần tới và các loại dầu khác của Nga sẽ được giao trong tháng 5.
Sự thận trọng
Theo các hãng môi giới vận tải biển, gần đây chưa có siêu tàu dầu nào được đặt hàng để chuyển dầu Urals sang châu Á. Nhu cầu tàu dầu từ các công ty công khai tìm tàu cũng khá thấp.
Unipec – công ty thuộc Sinopec Group (Trung Quốc) đã đặt một tàu Agios Fanourios I cuối tháng trước để chuyển dầu Urals cuối tháng 3 sang Trung Quốc. Tuy nhiên, quá trình đặt hàng chưa hoàn tất.
Unipec từng là một trong 5 đối tác mua hàng đầu với dầu Urals. Năm ngoái, công ty này mua tổng cộng 22 triệu thùng Urals, theo số liệu Bloomberg có được. Năm nay, họ đã hoàn tất chuyên chở dầu Urals từ các cảng ở biển Baltic đến Trung Quốc bằng 4 siêu tàu dầu. Tất cả đều trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Giá dầu ở mức cao và khả năng phương Tây áp thêm lệnh trừng phạt đang khiến các hãng lọc dầu tư nhân nhỏ ở Trung Quốc khó thu xếp vốn. Chi phí vận chuyển liên quan đến Nga hiện cũng rất cao, khiến vận tải đường biển càng khó khăn. Vì thế, thay vì mua dầu Nga, các công ty này đang cân nhắc giảm lượng dầu thô họ có thể xử lý, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
Thậm chí, ở Ấn Độ - nước chưa chỉ trích Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine, hoạt động mua dầu Nga vài tuần gần đây cũng không sôi động. Cuối tháng trước, các hãng lọc dầu nước này đã mua hàng triệu thùng dầu Urals.
Sự thận trọng này thể hiện rõ nhất trong giá dầu thô từ miền Đông nước Nga. Đầu tuần này, dầu Sokol giao tháng 5 được rao bán thấp hơn 14 USD một thùng so với giá dầu tham chiếu tại Dubai. Đầu tháng này, dầu Sokol còn đắt hơn 1 USD.
Hà Thu (theo Bloomberg)