Nhóm bạn 4 người đều gần 70 tuổi cùng nhau đi phượt từ Lâm Đồng tới Tây Bắc bằng xe bán tải và trở về sau 15 ngày.
Trở về nhà ở Bảo Lộc, Lâm Đồng đã 3 ngày, ông Nguyễn Thành Trung (68 tuổi) vẫn lâng lâng, ngồi nhớ bữa ăn ven đường, cái lều dựng vội hay lần hồi hộp cùng anh em vượt đèo Tây Bắc ngoằn ngoèo, hiểm trở. Tất cả là những kỷ niệm, dù nhỏ nhưng đáng nhớ trong hành trình xuyên Việt của ông và 3 người em Trần Văn Chung (66 tuổi), Nguyễn Ngọc Quang, Trần Quốc Khánh (65 tuổi).
Núi rừng Việt Bắc chờ mong chúng ta
"Đồng miền Nam mênh mông, dãy núi Trung cao xanh, núi rừng Việt Bắc chờ mong chúng ta", họ ngân nga hát. Đây là một câu trong Nông Lâm Mục, hành khúc mà cả 4 thành viên vẫn nhớ từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng là động lực thôi thúc họ lên đường cùng nhau sau 50 năm làm bạn.
Họ là những học sinh của trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Khi ấy ông Trung và 3 người còn lại học cách nhau 2 khóa, nhưng rất thân thiết vì học nội trú, ăn ở với nhau như anh em. Họ cũng giống nhiều học sinh khác của trường, chung niềm yêu rừng, thiên nhiên, đất nước. Ra trường, cả 4 vẫn thường xuyên gặp mặt, đặc biệt trong những lần về thăm trường. Nhiều lần họ có ý định cùng nhau đi xuyên Việt, hẹn rồi lại thôi vì lo kinh tế, chăm sóc gia đình.
Trong cuộc hàn huyên ngày 29 Tết Nhâm Dần, ký ức về những ngày tháng học sinh, ước nguyện tuổi trẻ một lần nữa ùa về. Ông Quang đề xuất đi xuyên Việt ngay sau Tết, vì giờ đây tất cả đều đã có tuổi, nhiều thời gian và đủ điều kiện kinh tế. Nghe xong ông Trung gật đầu tắp lự. "Đây là ước mong của các bạn ấy từ lâu. Tôi như người anh cả, cũng sẵn thích phiêu lưu nên đồng ý, mang xe bán tải chở các bạn đi", ông Trung cười và nói.
Lịch ấn định ngày mùng 5 Tết lên đường, song vì háo hức, họ quyết định đi sớm hơn một ngày. Ngày khởi hành, người thân có lo lắng nhưng vẫn rất ủng hộ. Chị Nguyễn Ngọc Hạnh Dung, con gái ông Quang, còn gói thêm nhiều bánh kẹo, bánh tét tặng trẻ em vùng cao. "Ba du lịch dài ngày nên mình cũng lo ba bệnh, ba mệt, nhưng đi cùng những người bạn thân thì cả gia đình mình ủng hộ. Cả đời ba đã vất vả nên giờ chỉ mong ba tận hưởng tuổi già, an vui", chị Dung nói.
Trên chiếc xe bán tải 2 cầu có thêm nhiều quần áo từ đồ cộc tới dài tay, áo ấm. Các thành viên cũng mang theo đầy đủ bàn ghế, đồ nấu ăn, lều cắm trại phòng khi cần nghỉ dọc đường. Từ Bảo Lộc, họ lái xe dọc đường Trường Sơn hướng về vùng biên giới Tây Bắc, Đông Bắc.
5.714 km dọc đất nước
Chiều đi, họ qua Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Trị, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng. Còn khi về, họ chọn cung đường dọc vùng biển Việt Nam tới Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định... Tổng cộng họ cùng nhau đi 5.714 km, qua 32 tỉnh thành trong 15 ngày.
Trong chuyến đi, họ tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa như Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen, mộ Lương y Hải Thượng Lãn Ông, thác Bản Giốc, cột cờ Lũng Cú, đền Cửa Ông... Đi vào mùa đông của miền Bắc nên họ cũng may mắn được thấy biển mây ở Lai Châu và hoa mận ở Mộc Châu, Sơn La.
Trong chuyến đi, dựa trên sở trường, tính cách mà 4 thành viên chia nhau công việc. Đã nhiều lần đi phượt xuyên Việt bằng xe máy, nên trọng trách "hoa tiêu" được giao cho ông Trung và Chung. Khi ông Trung lái xe, ông Chung ngồi cạnh trò chuyện và xem bản đồ Google Maps. Ông Khánh là thủ quỹ và chăm lo sức khỏe, chuẩn bị thuốc, vật dụng y tế, còn ông Quang sẽ phụ giúp hậu cần, ghi chép nhật ký hành trình.
Họ không cố định mình sẽ phải lái xe bao xa, chỉ cần mệt là sẽ nghỉ. Vì thế không ít lần cả nhóm được trải nghiệm "ăn bờ ngủ bụi" như cắm trại, nướng gà ở bụi tre ven đường trước khi tới đèo Pha Đin hay ở Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Trước chuyến đi dài ngày, các thành viên có lo lắng về an toàn, sức khỏe nhưng không ngờ càng đi càng vui, càng nhiều năng lượng. "Trên đường lo nhất ông tài xế nhưng lạ là ông chưa bao giờ thấy ông mệt, kể cả khi anh em đã ngủ thì ông vẫn lái xe tới 17-18h", ông Quang cười khi nói về ông Trung, người anh cả của nhóm. Ông cho rằng, sự "hợp gu", lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau đã giúp họ quên đi mọi mệt mỏi.
Cũng đồng quan điểm, ông Trung chia sẻ trước đây đã nhiều lần đi phượt một mình nhưng đi cùng nhiều người thì tất cả mọi việc đều cần ý kiến chung. "Dù là kinh nghiệm của mình nhưng có theo bạn. Chuyến đi vừa rồi anh em chúng tôi vui vẻ, đoàn kết nhau hơn", ông nói.
Trong hành trình, mỗi người có ấn tượng, cảm xúc riêng với vùng đất mình đi qua. Ông Quang thì nhớ hình ảnh phía tây Trường Sơn, con đường mà cách đây nhiều năm nhà nước kêu gọi người dân về đây tái định cư, nay nhà cửa hiện đại, như ở nước ngoài. Hình ảnh thứ hai khiến ông đau đáu, cảm động nhất là đời sống người dân vùng sâu, vùng xa phía Bắc cực khổ, họ gieo từng hạt giống dưới lớp đất đá tai mèo khi trời lạnh buốt.
Đây cũng là lần đầu tiên ông Quang được tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp của vùng núi phía Bắc, nơi những con đèo quanh co ôm vào ngọn núi hùng vĩ. Ông xúc động nói: "Đây quả thực là chuyến đi mở mang tầm mắt, tôi được nhìn thấy khung cảnh mà trước đây chỉ thấy qua TV, báo đài".
Ông Trung cũng không khỏi háo hức khi trở lại Tây Bắc, Đông Bắc. Nhiều nơi ông đến trước đây là vùng quê heo hút, không có điều kiện về giao thông, đất đai, thổ nhưỡng, nay đã vơi khó khăn. "Tận mắt thấy nỗ lực của người dân sống nơi khó khăn và sự phát triển, vươn lên của quê hương mình, tôi tự nhắc nhở mình cách sống, cách sẻ chia với mọi người xung quanh", ông nói. Vì thế trong chuyến đi, các thành viên cũng mang theo nhiều phần quà mà các cựu học sinh trong trường gửi gắm, để mừng tuổi năm mới cho trẻ em vùng cao họ gặp trên đường.
Kết thúc chuyến đi ngày 20/2, cả nhóm khỏe mạnh, an toàn về với gia đình. Bạn bè, anh chị em cùng niên khóa hỏi thăm, họ phấn chấn kể về hành trình dài. Nhiều người bày tỏ mong muốn được cùng tham gia trong chuyến đi sau, để ngược về miền Bắc hay xuôi tới miền Tây. Mỗi lần như vậy ông Trung cười nói "Anh em đã đề nghị, thích thì nhích thôi".
Lan Hương
Ảnh: Nhân vật cung cấp