Những du khách Việt đón Tết khác biệt

Ngày đầu năm mới, Phan Quốc đang ở độ cao 3.900 m trên hành trình chinh phục Everest base camp còn Thanh Tuấn cùng bạn thân đi xuyên Việt.

Thở khó khăn vì thiếu oxy, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đôi lúc mất ý thức là những điều Phan Quốc (Quảng Ngãi) cảm thấy. Anh cho biết cơ thể nặng nề, mệt mỏi từ khi tới độ cao 3.000 m, trên hành trình tới trại căn cứ Everest (Everest basecamp). Anh đang phải đi chậm hơn, lưu trú 2 ngày tại chỗ để làm quen với độ cao. Đồng hành với anh là một người bạn Mỹ, tên Chris.

Phan Quốc bên cây cầu thị trấn Lukla (Nepal), điểm xuất phát của các nhà leo núi, trekking ngày 27/1.

Phan Quốc bên cây cầu thị trấn Lukla (Nepal), điểm xuất phát của các nhà leo núi, trekking, hôm 27/1.

Phan Quốc từ TP HCM đến Nepal vào giữa tháng 12/2021. Anh đã phải nối chuyến bay 3 lần qua Singapore, Malaysia để đến được thủ đô Kathmandu (Nepal). Vì di chuyển trong Covid-19, anh gặp không ít thủ tục rắc rối vì những quy định nhập cảnh nghiêm ngặt và xét nghiệm nCoV khác nhau ở mỗi quốc gia. Tổng thời gian cho di chuyển là 30 tiếng, gấp 2,5 lần thông thường.

Anh chia sẻ muốn đón Tết ở Nepal vì năm nay gia đình anh chưa thể sum họp đầy đủ. Dịch Covid-19 vẫn phức tạp và trẻ nhỏ chưa được tiêm vaccine, khiến anh ngại việc đến thăm, chúc Tết bạn bè, người thân. Dịch đã kéo dài gần 2 năm, anh cũng nóng lòng muốn đến những vùng đất mới, như cách anh tới 30 quốc gia trước đây.

Sau khi thăm thủ đô Kathmandu, Pokhara, bay trực thăm ngắm núi tuyết Mardi Himal, Quốc tiếp tục với thử thách leo tới trại căn cứ Everest (5.334 m). Vào năm 2018, anh từng leo Annapurna (4.200 m), song buộc phải dừng chân ở độ cao 3.270 m vì sốc độ cao dẫn đến sốt cao, khó thở, không thể ăn uống. Vì vậy lần này sau nhiều năm rèn luyện thể trạng, học hỏi kinh nghiệm anh quyết tâm sẽ leo tới trại căn cứ Everest. Người bạn Chris cũng kịp từ Mỹ tới Nepal để đồng hành cùng anh.

Con đường phủ kín tuyết ở độ cao khoảng 3.800 m.

Con đường phủ kín tuyết ở độ cao khoảng 3.800 m.

Xuất phát từ thị trấn nhỏ Lukla ngày 27/1, Quốc và Chris tự leo núi. Khởi đầu khá thuận lợi vì đường đi dễ nhận biết, có bản đồ. Hành lý anh mang theo không quá cồng kềnh nhưng nặng khoảng 15 kg vì các thiết bị ghi hình, ngoài ra là gậy leo núi, quần áo chống tuyết và giày. Họ băng qua rất nhiều ngọn núi cao hơn 1.000 m, địa hình cũng dần dần thay đổi từ rừng cây rậm rạp, tới cây bụi thấp và tuyết rơi từ 2.800 m. Trên đường, họ được thấy những dòng suối xanh trong như không có nơi nào xanh tới thế, qua cầu để băng vực sâu. Cũng từ mốc độ cao này, họ cần leo lên rồi lại đi xuống thấp hơn để nghỉ ngơi, làm quen dần với độ cao.

Quốc chia sẻ khi leo núi cách di chuyển đều không nghỉ quá nhiều sẽ hiệu quả hơn, song do sống ở vùng địa hình thấp lâu năm, anh cần để cơ thể thích nghi dần dần. "Cảm giác có thể đánh lừa mình khi leo, vì vậy cần biết sức mình ra sao để dừng lại khi cần", anh nói.

Từ độ cao khoảng 3.000 m, Quốc cảm nhận lồng ngực nặng như đá đè khi lò dò đi trong tuyết trơn trượt, cứ một lúc anh thở mạnh nhưng không đủ oxy. Nhiệt độ xuống dưới âm độ C, gió lạnh buốt thổi từng cơn khiến da mặt anh khô, bong từng mảng, cơn đau đầu và chóng mặt khiến anh nhiều lúc không nhận thức xung quanh. Quốc cho biết sau khi dừng nghỉ ở độ cao 3.400 m, anh đã tới được mốc 3.900 m và tiếp tục hành trình.

"Chỉ cần mở điện thoại là có thể thấy người người, nhà nhà đón Tết với cờ hoa, bánh kẹo khiến anh không khỏi nhớ nhà. Song đây sẽ là một cái Tết đặc biệt khi mình đang vượt qua thử thách với thời tiết khắc nghiệt, địa hình núi cao", anh nói.

Cũng xa nhà trong Tết, song Nguyễn Thanh Tuấn (trú tại TP HCM) lựa chọn xuyên Việt. Anh khởi hành từ TP HCM từ ngày 24 tháng Chạp (27/1), đồng hành cùng anh là một người bạn thân. Họ xuyên Việt bằng xe máy và cắm trại ở mỗi điểm đến, thay vì nghỉ khách sạn, ăn uống trong nhà hàng.

Thanh Tuấn (bên phải) cùng bạn thân đón năm mới ở bãi rêu Nam Ô.

Thanh Tuấn (bên phải) cùng bạn thân đón năm mới ở bãi rêu Nam Ô.

Tuấn chia sẻ, những năm trước đây vì công việc anh đều xa nhà dịp Tết, dường như người thân cũng đã quen với việc anh không có mặt trong dịp quan trọng này. Ngoài ra, anh cũng muốn "trốn" Tết vì những bữa bị ép uống rượu liên miên. Trước 23 tháng Chạp, anh đã về nhà phụ ba mẹ dọn dẹp, mua sắm Tết đầy đủ rồi mới lên đường. Tết năm nay đã đổi công việc, có thời gian nghỉ ngơi dài ngày, anh quyết định làm một điều đáng nhớ.

Dự định ban đầu của đôi bạn là chạy xe từ TP HCM tới Hà Nội nhưng do dọc bờ biển miền Trung đang có mưa nhiều, họ rút ngắn quãng đường chỉ tới Đà Nẵng. Tổng quãng đường dự kiến cả đi và về sẽ là 2.022 km, đúng với con số của năm. Đi đúng dịp gần Tết, khách du lịch không quá đông, họ cắm trại ở nhiều điểm đẹp như hồ Tà Đùng (Đắk Nông), hồ Lắk (Đắk Lắk), đập Tân Sơn (Gia Lai), thác Bà Hoàng Mô Ních (Quảng Nam). Đặc biệt trong đêm giao thừa, họ kịp tới cắm trại tại bãi rêu Nam Ô (Đà Nẵng). Tuấn cho biết lựa chọn bãi rêu vì sáng ngày đầu năm mới họ sẽ được ngắm bình minh, ngắm nêu xanh non, tượng trưng cho lộc đầu năm.

Tuấn chia sẻ mình cảm thấy may mắn khi đi phượt dịp Tết vì đường vắng, thời tiết mát mẻ, dễ chịu, đặc biệt là trăm hoa đua nở. Với anh, đây sẽ là Tết đáng nhớ, với những tháng ngày sống với sự tự do của tuổi trẻ.

Lan Hương

Adblock test (Why?)