Chỉ thích nghỉ dưỡng ở nơi sạch đẹp, nhưng trong chuyến phượt hơn 1.400 km, Chúc Linh có 3 ngày không thay đồ và ăn mì gói ở ven đường.
Một ngày tháng 11/2021, Trương Chúc Linh (30 tuổi, TP HCM) xách chiếc ba lô đựng toàn áo thun, quần cộc, lên xe máy "chạy trốn" khỏi thành phố ngột ngạt và buồn tẻ. Là người chuyển giới từ nữ sang nam, anh thường xuyên gặp áp lực khi xung quanh bình luận mình nữ tính, mềm mỏng quá. Thời điểm này người yêu cũng nói chia tay khiến anh càng chán nản.
Là người sợ chạy xe máy xa, nhưng Linh đã lái xe một mạch từ TP HCM tới Đà Lạt (Lâm Đồng) và ở lại đây một thời gian. Những suy nghĩ tiêu cực vẫn chưa thôi đeo bám anh, dù đã chuyển đến thành phố khác. Vì vậy sau 2 tháng, anh quyết định làm những điều mình chưa từng, là đi xuyên Việt, vừa để khám phá vẻ đẹp đất nước, vừa để thấy những giới hạn của bản thân.
Gần Tết, Linh chạy xe theo QL 1A từ Đà Lạt tới vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa), Tuy Hoà (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định), Quảng Ngãi, Hội An (Quảng Nam), TP Huế (Thừa Thiên Huế), Đồng Hới (Quảng Bình), Thanh Hóa, Hà Nội. Anh không lên kế hoạch hay đặt khách sạn trước. Ở mỗi điểm, anh ở lại ít nhất một ngày để tham quan danh lam thắng cảnh như vịnh Ninh Vân, mũi điện Đại Lãnh, vịnh Ninh Vân, đảo Lý Sơn... Trong đó, Quảng Ngãi là nơi anh ở lại lâu nhất, tới 7 ngày vì đồ ăn ngon, nhiều điểm tham quan đẹp.
Cũng vì không đặt trước khách sạn, nhiều lần anh gặp tình huống "dở khóc dở cười". Linh đi từ Ghềnh Đá Đĩa đến thị xã Sông Cầu (Phú Yên) khi trời đã nhá nhem tối, không khách sạn nào nhận người ngoại tỉnh vì sợ Covid-19. Ngày gần Tết, trên đường không có bóng người mà toàn cây cối, không có quán ăn, chỗ nghỉ. Hỏi thăm người dân, anh quyết định chạy xe thẳng tới Quy Nhơn (Bình Định). May mắn 20h tới nơi anh tìm được khách sạn để nghỉ, ăn bữa tối ngon nhất khi bụng đang đói cồn cào.
Trước đây, Linh không thích lái xe đường dài vì mệt và nguy hiểm, anh thường đi máy bay, xe khách tới nơi rồi lưu trú trong khách sạn. Trên đường xuyên Việt, những ngày đầu chạy xe, anh chỉ dám đi với vận tốc 50 km/h. Mỗi lần xe tải chạy qua bấm còi lại là một lần anh đứng tim, nhiều khi thấy xe chạy vượt qua với vận tốc cao, anh chủ động dừng xe sát bên đường.
Là người ưa sạch sẽ, nhưng Linh từng trải qua 3 ngày không thay quần áo mới khi chạy từ TP Vinh ra Hà Nội. Hay lần khác từ vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa) đi Phú Yên thì trời mưa to, anh không có túi bọc ba lô. Trên đường những chiếc xe tải ngược chiều đi qua vũng nước, làm anh từ đầu tới chân toàn bùn đất. anh chạy xe 30 km tới khách sạn nghỉ lại mà không có quần áo để thay vì đồ đạc đều ướt hết.
Trước đây, Linh khép kín, thường không thích chia sẻ với người khác về những khó khăn mình gặp phải. Nhưng trên đường đi xuyên Việt những ngày gần Tết, dịch vụ nào cũng thiếu thốn, anh phải hỏi thăm người dân để có cái ăn, chỗ nghỉ.
"Khi xuất phát, mình tưởng tượng chuyến đi sẽ màu hồng lắm, được đón những ngày nắng ấm, ngắm cảnh đẹp dọc đường nhưng đi rồi mới thấy, khó khăn nào cũng phải trải qua, quan trọng nhất là mình đón nhận nó thế nào", anh cười và nói. Mỗi km đường lại là một bài học đối với anh. Từ người luôn lo tới những nguy hiểm, anh đã tự tin chạy xe máy một mình, có ngày tới 200 km mà không sợ hãi những tiếng ầm ầm của xe ôtô bên cạnh. Rút kinh nghiệm từ lần không thuê được khách sạn ở Sông Cầu, giờ tới đâu anh cũng sẽ đặt phòng trước một ngày.
Anh cũng nhận thấy khi mình cởi mở hơn, thì sẽ luôn gặp những điều tốt đẹp, như sự giúp đỡ của người chưa từng quen. Ngày 3/2 (mùng 3 Tết), khi đi từ Nghệ An tới Thanh Hóa, hàng ăn dọc đường đều đóng hết, anh tới một quán tạp hóa còn mở cửa để mua bánh và sữa ăn tạm. Chủ cửa hàng thấy anh thì hỏi thăm đi đâu, đã ăn gì chưa, rồi nấu cho anh mỳ thịt bò, mang thêm nhiều thịt vịt, rau. Anh ăn nhiều và ngon miệng vì đói, nhưng đến khi thanh toán thì chủ quán nhất quyết không nhận tiền, nói tặng anh nhân ngày Tết. Lần khác từ Huế ra Quảng Bình, anh tìm được một quán còn sáng đèn nên vào gọi món. Người phụ nữ lớn tuổi ở quán mang ra một mâm đầy đặn thịt gà, cơm, rau. Lúc này anh chột dạ, vì vào quán mà không hỏi giá, sợ bị "chặt chém" nhưng khi thanh toán hết 70.000 đồng, anh sửng sốt tưởng nghe nhầm. Người phụ nữ lớn tuổi còn hỏi thăm anh đi đâu, làm gì những ngày Tết này, khiến anh cảm thấy ấm áp ngay khi ở nơi xa lạ.
Từ nhỏ Linh thường nghe người lớn nói đồ ăn của người miền Bắc, miền Trung khó ăn hay nếu người miền Nam ra đây sẽ dễ bị "chặt chém", đối xử không tốt. "Nhưng đi rồi mình mới thấy, những điều đó chỉ là lời đồn, đồ ăn miền Trung thậm chí ngon tới nỗi mình ở lại dài ngày và gặp được toàn những người hiền hậu, thân thiện", anh nói.
Đặc biệt hơn trên đường, không ai biết anh là người chuyển giới, họ đón nhận anh là một người con trai, không ai bình luận hay chê trách tính cách của anh. Như lần anh được trải nghiệm homestay đúng chất nhất ở Nhà Ba Homestay (Bình Định). Ở đây khách được ở chung với gia đình, cùng ăn uống, ra biển vui chơi. "Cô chú niềm nở như người nhà vậy, thức dậy sớm nấu bún riêu cho mình ăn, chú ngồi đợi mình uống cà phê sáng, kể chuyện về cuộc sống ở biển. Những điều này làm mình nhớ mãi", anh hồi tưởng.
Anh chia sẻ sau 17 ngày xuyên Việt, điều thay đổi lớn nhất của anh là không còn áp lực, tự ti về những bình luận của người khác. "Từ nay mình sống là chính mình, không cần thay đổi theo lời những người xung quanh, dù họ có cho rằng mình yếu đuối hay mềm mỏng. Khi chấp nhận bản thân, những người yêu quý mình thật sự sẽ đến", anh nói.
Hiện Linh đang ở nhà người bạn tại Hà Nội, vì không quen thời tiết lạnh nên tay chân anh buốt cóng không thể lái xe. Anh cho biết sẽ tới Hải Phòng trong tuần này hoặc tuần sau. Xa hơn, anh muốn chinh phục các đỉnh núi cao của miền Bắc, trong đó bao gồm Fansipan (Sa Pa, Lào Cai), để khắc phục một nỗi sợ khác của bản thân, đó là sợ lạnh.
Lan Hương
Ảnh: NVCC