Cách startup đầu tiên của Việt Nam IPO tại Nhật Bản

Một tháng sau khi Hybrid Technologies lên sàn chứng khoán Tokyo, Trần Văn Minh, CEO công ty nói "tóc tôi cuối cùng cũng được mọc lại".

"Tôi gần như mất cảm giác lúc đó", Trần Văn Minh kể lại với VnExpress về khoảnh khắc đánh chuông IPO ở sàn giao dịch chứng khoán Tokyo hôm 23/12. Trong phiên chào bán cổ phiếu đầu tiên, vốn hoá thị trường của doanh nghiệp là 8.165 triệu yen, tương đương hơn 1.641 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/1, một cổ phiếu của Hybrid Technologies được giao dịch với giá 529 yên.

Tính đến ngày 31/1, một cổ phiếu của Hybrid Technologies được giao dịch với giá 529 yen.

Câu chuyện của Hybrid Technologies là một sự kiện "lạ" với thị trường nước này. Theo lời Minh, riêng Nikkei đã phỏng vấn, viết về công ty của anh trong 5 bài báo.

Còn ông Vũ Hồng Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản, đánh giá sự kiện là bước tiến quan trọng để các công ty liên quan đến công nghệ thông tin Việt Nam mở rộng sang Nhật.

Hybrid Technologies là startup công nghệ mới 5 năm tuổi, rất trẻ so với độ tuổi trung bình là 19 của các doanh nghiệp Nhật khi niêm yết trên thị trường. Tương tự, Minh, CEO của công ty cũng chỉ 36 tuổi, trẻ hơn rất nhiều so với mức tuổi trung bình 50 của các CEO doanh nghiệp đã lên sàn khác ở Nhật.

CEO Trần Văn Minh đánh chuông và nhận chứng nhận IPO tại Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: Hybrid Technologies

CEO Trần Văn Minh (ở giữa) và các thành viên trong Hội đồng quản trị công ty tại Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Ảnh: Hybrid Technologies

Minh cũng có biệt danh là "Minh Nhật", một phần bởi vẻ bề ngoài và thời gian lăn lộn hàng chục năm ở đất nước mặt trời mọc.

Năm 2016, Minh, vốn là cựu nhân viên FPT tại Nhật, quyết định khởi nghiệp với Evolable Asia Solutions Co., tên gọi ban đầu của Hybrid Technologies.

"Lúc đấy tôi nghĩ mình chín muồi vì có lợi thế ở Nhật đủ lâu, có những mối quan hệ tốt. Đặc biệt, tôi được truyền cảm hứng kinh doanh, tự mình làm chủ từ các đàn anh ở FPT", anh nhớ lại.

Mặt khác, anh cũng nhận thấy khởi nghiệp ở một thị trường dân số đang già hoá nhanh chóng sẽ có nhiều cơ hội. Nhu cầu chuyển đổi số của Nhật Bản đang trên đà tăng mạnh bởi số liệu cho thấy, quy mô mảng công nghệ kỹ thuật số tại đây dự kiến tăng lên gần 3.000 tỷ yen, khoảng 26 tỷ USD vào năm 2030. Trong khi đó, lực lượng nhân sự lại đang thiếu hụt.

Doanh nghiệp của Minh chuyên phát triển hệ thống cho khoảng 250 khách hàng Nhật, trong đó có cả doanh nghiệp lớn như Yahoo Japan và DoCoMo - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước này.

Theo anh, điểm đặc biệt của startup là trong khi việc bán hàng và thiết kế hệ thống được thực hiện tại Nhật, khâu phát triển, lập trình được làm tại Việt Nam. Hơn 90% nhân viên công ty là người Việt. "Chúng tôi dùng nguồn lực, con người của Việt Nam để chuyển đổi số cho thị trường Nhật. Dân số của họ đang già đi nhanh chóng", anh nói.

Nhớ lại thời điểm bắt tay vào làm, Minh cho biết, số vốn lúc đó bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng. Nhưng đến tháng thứ ba, khi chỉ sử dụng hết 200 triệu, startup đã có lãi. Quy mô, doanh số của doanh nghiệp cũng được anh mô tả là "tăng ngoạn mục" trong các năm tiếp theo. Từ 4 thành viên ban đầu, số lượng nhân viên bắt đầu tăng lên 50, rồi 100, 300 thậm chí có thời điểm đã lên đến 700 người. Lợi nhuận hàng năm cũng ghi nhận mức tăng trưởng 200-300%.

Ngoài khoản đầu tư ban đầu của bản thân, startup còn được góp vốn bởi một nhà đầu tư Nhật. vì không muốn dùng tiền của người khác. Hybrid Technologies khi ấy không tham gia gọi vốn, vì lúc đó Minh vẫn muốn duy trì tính độc lập cao.

Nhưng đến năm 2019, thời điểm startup được đổi tên thành Hybrid Technologies, Minh nhận ra đã đến lúc cần có một bước ngoặt.

"Nếu giữ nguyên, doanh thu, doanh số của công ty vẫn tốt, khách hàng vẫn đều đặn. Nhưng tôi nghĩ Hybrid Technologies cần một bước đệm để có thể vươn xa hơn, tiếp cận với nhiều hợp đồng VIP hơn", anh nói. IPO chính là bước đệm đó. Do vậy, Minh bắt đầu đặt mục tiêu phải đưa Hybrid Technologies lên sàn.

Đây là việc chưa có tiền lệ với một công ty có chủ là người Việt. Thậm chí, việc doanh nghiệp Nhật Bản cũng như nước ngoài đủ điều kiện IPO ở Nhật cũng chiếm tỷ lệ rất thấp. Số liệu thống kê cho thấy, chỉ 0,08% trên tổng số 4,21 triệu doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo tính đến tháng 9/2021.

"Tôi không nghĩ mình viển vông hay ảo tưởng gì", Minh nhớ lại. Dựa trên những con số kinh doanh, lượng khách hàng và tiềm năng thị trường, anh tin vào cảm giác Hybrid Technologies có thể thành công. "Lúc đó, tôi cũng không nghĩ mình có phải là người đi đầu hay không, chủ yếu là đến lúc phải làm".

Khi tìm hiểu về quy trình, Minh cho biết, các thông tin IPO tại Nhật khá phức tạp. Từng hạng mục có rất nhiều việc phải làm với quy cách, quy trình khắt khe. Ví dụ, đội ngũ ban quản trị của Hybrid Technologies được yêu cầu bổ sung người, từ luật sư, chuyên gia về IT, CFO phải có bằng kiểm toán...

Đồng thời, doanh nghiệp phải mời được một đơn vị kiểm toán có uy tín vào cuộc. Quá trình kiểm toán được thực hiện trong mỗi quý và cuối năm tài chính của doanh nghiệp. Đến năm thứ ba, phía công ty chứng khoán mới bắt đầu xét duyệt dựa trên kết quả của kiểm toán và mất gần 1 năm.

Minh cũng phải vượt qua 3 bài phỏng vấn của cơ quan chức năng mà như anh mô tả là áp lực đến mức rụng tóc, mất ngủ liên tục vì nếu không khớp với tài liệu báo cáo, hồ sơ xét duyệt có thể bị loại bỏ.

"Dù họ đã gửi khoảng 10-20 câu hỏi cho mình chuẩn bị, nhưng trong 2 tiếng trả lời, tôi vẫn căng thẳng kinh khủng, mình phải nhớ toàn bộ số liệu, tình hình, các quy định pháp luật liên quan dày tầm 3-4 quyển sách 400-500 trang. Đấy là công sức của cả tập thể trong vài năm trời, mình là người đứng đầu, không được phép làm sai ở bất cứ trường hợp nào", anh kể.

Bên cạnh đó, chi phí cho quá trình IPO với các doanh nghiệp non trẻ cũng là một vấn đề lớn. Do đó, anh Minh cho biết, doanh nghiệp buộc phải tăng trưởng mỗi năm 200-300% mới đủ tài chính để chịu được chi phí IPO.

Chính vì vậy, thách thức lớn nhất với Hybrid Technologies đến vào cuối quý I/2020, khi Covid-19 xuất hiện. Lần đầu tiên kể từ khi thành lập, doanh nghiệp bị lỗ theo tháng bởi 30% doanh số đến từ các khách hàng là các công ty hàng không, du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn. "Mỗi tháng, công ty lỗ 7-8 tỷ đồng, và nếu điều này kéo dài trong 6-12 tháng, dòng tiền sẽ cạn kiệt", anh Minh nói.

Ngoài ra, Hybrid Technologies cũng từ đỉnh 700 nhân viên giảm xuống còn 500 dù công ty vẫn trả đủ lương và đảm bảo các chế độ đãi ngộ. "Dân IT, nếu lượng công việc giảm, không còn đủ hứng thú thì mọi người tự nghỉ thôi. Đấy là thiệt hại lớn nhất của chúng tôi khi mất gần 200 người", anh Minh chia sẻ.

Trước số liệu kinh doanh không khả quan, phía công ty chứng khoán đã gợi ý tạm hoãn IPO chờ 1-2 năm sau khi thị trường ổn định hơn.

Tuy nhiên, CEO Hybrid Technologies cho rằng nếu dừng lại, toàn bộ công sức sẽ đổ sông đổ biển, doanh nghiệp sẽ quay lại quy trình của 3 năm trước. "Chúng tôi bằng mọi cách phải tìm được khách hàng mới trong dịch bệnh", anh nói.

Theo khảo sát của họ, trừ nhóm khách hàng hàng không, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, các ngành hàng khác tại Nhật vẫn ổn định và phát triển trong Covid-19. Vì vậy, các nhân viên của Hybrid Technologies tích cực "săn" các hợp đồng mới, mở rộng đến những lĩnh vực trước nay ít thử.

"Chúng tôi cũng xoay chuyển cách làm liên tục. Thật ra trong cái rủi cũng có cái may, đại dịch khiến nhu cầu chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ hơn", Minh nói. Chính vì vậy, sau 6 tháng, Hybrid Technologies đã tăng trưởng hình chữ V, đủ điều kiện để tiếp tục quá trình IPO.

Sau IPO, CEO Trần Văn Minh cho biết sẽ dùng nguồn vốn mới để tuyển dụng nhân sự và nâng cao nhận diện thương hiệu, mở rộng thị trường, hướng đến những doanh nghiệp lớn hơn. Anh cũng nói rằng, hiện tại doanh nghiệp chưa tính đến việc chia cổ tức.

"Tạm thời tôi chưa tính đến việc chia cổ tức mà sẽ chọn vào thời điểm khác. Việc quan trọng lúc này là tăng giá trị của doanh nghiệp", anh nói.

Trong 3-5 năm tới, mục tiêu Hybrid Technologies muốn trở thành công ty trị giá 1 tỷ USD.

Đức Minh

Adblock test (Why?)