5 xu hướng cần chú ý của tiền số năm 2022

Biến động khó lường, sự tham gia của doanh nghiệp lớn, dòng vốn đầu tư mạo hiểm, môi trường và pháp lý có thể là những "điểm nóng" của tiền số năm nay.

Không dễ để nhớ lại tiền điện tử đã như thế nào vào 12 tháng trước. Đợt IPO của Coinbase, sự thăng trầm của Bitcoin, Ethereum, cả Shiba Inu coin và sự bùng nổ của NFT đưa năm 2021 trở thành năm tâm điểm của tài sản số.

Theo Fortune, sẽ có nhiều điều để trông chờ trong năm 2022. Các điều kiện kinh tế vĩ mô đang thay đổi nhanh chóng, Washington đang bàn tán sôi nổi về các quy định liên quan tới tiền điện tử, các công ty lớn trên khắp Phố Wall đang cởi mở hơn bao giờ hết trong việc đầu tư cho tài sản số sẽ là những vấn đề đáng chú ý.

Biến động

Bitcoin, Ethereum và những tiền số khác vốn có xu hướng biến động mạnh, tuy nhiên, chỉ trong một vài tuần ngắn ngủi, những tiền số này đã đi một chặng đường khá dài.

Bắt đầu năm 2022 ở ngưỡng 46.000 USD, tiền điện tử có vốn hóa cao nhất thị trường đã giảm 14% trong 10 ngày tiếp theo, lùi về dưới 40.000 USD. Bitcoin sau đó vươn trở lại trên 43.000 USD rồi lại lao dốc về mức đáy dưới 33.000 USD, mất phân nửa giá trị so với mức đỉnh cuối tháng 11/2021.

Các đồng tiền số khác, bao gồm Ethereum, Solana và Polkadot, cũng như các meme coin như Dogecoin và Shiba Inu, đều chứng kiến những đợt biến động mạnh về giá gần đây.

Việc xác định lý do thực sự đằng sau những động thái như vậy có thể vô ích, nhưng sự biến động đã xảy ra ngay khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất với lạm phát có ít dấu hiệu giảm bớt. Và với nhiều lần tăng lãi suất có khả năng xảy ra, điều này là tin xấu cho các tài sản rủi ro.

Cho đến nay, Bitcoin đã phản ứng với tin tức về lạm phát cao và khả năng tăng lãi suất giống như một loại cổ phiếu công nghệ, hơn là vàng kỹ thuật số mà nhiều người đặt lòng tin. Các nhà đầu tư cũng có ít kinh nghiệm giao dịch với Bitcoin trong môi trường lãi suất cao. Trong suốt vòng đời của tiền số này, kể từ khi ra mắt năm 2009, Fed đã duy trì một mặt bằng lãi suất tương đối thấp.

Tất cả biến 2022 trở thành một năm bản lề quan trọng, có khả năng xác định vai trò của tiền điện tử trong danh mục của các nhà đầu tư trong tương lai.

Sự tham gia của những doanh nghiệp lớn

Khi nào doanh nghiệp lớn sẽ tham gia đầu tư tài sản số? Sau những tin đồn bùng nổ trước đây theo sau những đợt tăng giá của thị trường, các công ty lớn tại Mỹ đang nghiêm túc xem xét khả năng tham gia đầu tư vào tài sản số. Như Walmart, người khổng lồ trong ngành bán lẻ, đang chuyển sang tạo tiền điện tử và bộ sưu tập NFT của riêng mình, theo Bloomberg.

BTCS đã trở thành công ty niêm yết trên Nasdaq đầu tiên phát hành cái mà họ gọi là "Bividend", tức là cổ tức phải trả bằng Bitcoin cho các cổ đông. Và những người khác như Jack Dorsey, Elon Musk của Tesla và Michael Saylor của MicroStrategy đã đưa tiền điện tử vào trung tâm hoạt động của họ, thêm Bitcoin vào bảng cân đối kế toán. Công ty công nghệ tài chính Unicorn thậm chí đã phân bổ 5% bảng cân đối kế toán cho các stablecoin.

"Những lời bàn tán đang xuất hiện ngày càng nhiều", Alex Song, người đứng đầu bộ phận tài chính của Ramp, nói. "Có nhiều người đang cố gắng tìm hiểu thêm về điều này".

Dòng vốn đầu tư mạo hiểm

Theo Galaxy Digital Research, dòng vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm đổ vào các công ty và dự án liên quan đến tiền điện tử và blockchain đã lên mức cao kỷ lục. Trong vài tuần ngắn ngủi của năm 2022, đã có nhiều công ty tiền điện tử nổi tiếng thông báo về việc gây quỹ lớn.

OpenSea, sàn giao dịch NFT lớn nhất hiện nay, đã huy động được 300 triệu USD trong vòng đầu tư Series C được công bố vào ngày 4/1, đưa ra định giá lên 13,3 tỷ USD. Lukka, một công ty dữ liệu tiền điện tử, gần đây đã huy động được 110 triệu USD trong vòng Series E, với định giá tới 1,3 tỷ USD. Khoản đầu tư 1,15 tỷ USD gần đây được rót vào Citadel Securities cũng có sự nghiêng về tiền số.

Dòng tiền đầu tư mạo hiểm cũng được rót vào những người chơi mới. Kathryn Haun, cựu đối tác của Andreessen Horowitz, đang tìm cách huy động ít nhất 900 triệu USD cho hai quỹ đầu tư tiền điện tử tại công ty mới, theo Financial Times. Sàn giao dịch tiền điện tử FTX gần đây đã ra mắt bộ phận đầu tư mạo hiểm của riêng mình, FTX Ventures, với 2 tỷ USD tài sản.

Sự phát triển của Ethereum

Việc Bitcoin tạo ra lượng khí thải carbon tương đương với Kuwait khiến vấn đề môi trường với tiền điện tử trở thành một trong những tâm điểm được quan tâm, từ các nhà lập pháp cho đến giám đốc điều hành.

Giờ đây, mạng lưới đứng sau tiền điện tử lớn thứ hai, Ethereum, đang hy vọng có thể xoay trục để trở thành Ethereum 2.0. Ethereum Foundation ước tính việc sử dụng năng lượng của mạng lưới sẽ cắt giảm tới 99,95%.

Năm 2022, sau nhiều năm chờ đợi, chuỗi khối Ethereum đang chuẩn bị chuyển sang một loại thuật toán đồng thuận mới có tên "bằng chứng cổ phần" (Proof of Stake). Đó là sự thay đổi mà những người theo dõi Ethereum cho rằng sẽ khiến mạng lưới này có khả năng mở rộng và an toàn hơn, cũng như thân thiện với môi trường hơn so với thuật toán hiện tại - PoW, hệ thống tương tự Bitcoin.

Mối quan tâm về môi trường xung quanh PoW là những người được gọi là "thợ mỏ" phải tiêu tốn một lượng lớn năng lượng để đào ra Bitcoin hoặc Ethereum. Trong khi đó, Proof of stake là một quá trình bầu chọn ngẫu nhiên diễn ra nhằm chọn một node làm người xác thực khối kế tiếp. Tức là thay vì phải đầu tư các dàn máy với kinh phí lớn, người chơi chỉ cần một chiếc máy tính với cấu hình bình thường, mạng ổn định.

Việc thay thế thuật toán với mạng lưới Ethereum đã bị trì hoãn trong nhiều năm. Tuy nhiên, hiện tại, Ethereum Foundation ước tính quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra trong quý II năm nay.

Hành lang pháp lý

Sau một năm nhà đầu tư không thể ngừng lao vào tiền điện tử, các nhà lập pháp và quản lý tài chính ở Washington có thể đã sẵn sàng ban hành một số quy định vào năm 2022.

Trên thực tế, tiền điện tử chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ các hạng mục cần làm với các nhà quản lý trong lĩnh vực tài chính của Tổng thống Joe Biden. Gary Gensler, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp thêm nguồn lực để khám phá thị trường tiền điện tử với một lăng kính sâu hơn, cũng như để làm rõ vai trò của SEC trong việc quản lý.

SEC có khả năng sẽ duy trì cách tiếp cận mà họ đã thực hiện cho đến nay bằng cách kiểm soát và ngăn chặn các đợt phát hành giả mạo trong hệ sinh thái tiền điện tử. Tuy nhiên, SEC không phải là người quản lý duy nhất với lĩnh vực này. Người đứng đầu của mọi cơ quan giám sát ngân hàng và thị trường đã nói rõ vào năm 2021 rằng họ tin cơ quan của họ có trách nhiệm trong việc giám sát và xây dựng cơ chế quản lý cho tiền điện tử.

"Tiền điện tử sẽ có rất nhiều cơ quan quản lý", David Easthope, nhà phân tích cấp cao tại Coalition Greenwich, cho biết.

Minh Sơn (theo Fortune)

Adblock test (Why?)