Từ châu Á, châu Âu tới Mỹ, các thị trường tài chính chủ chốt đều chìm trong sắc đỏ sau khi Nga tấn công Ukraine.
Chỉ số S&P 500 giảm 2,5%, đi sâu vào vùng điều chỉnh. Chỉ số này đã giảm gần 14% so với mức đóng cửa kỷ lục vào ngày 3/1.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones có thời điểm giảm hơn 800 điểm, tương đương 2,4%. Chỉ số này cũng giảm khoảng 12% so với kỷ lục trước đó. Nasdaq Composite giảm 2,5% vào đầu phiên, bước vào "lãnh thổ thị trường gấu" sau khi mất hơn 20% so với mức đỉnh vào tháng 11/2021.
Động thái của Nga "thực sự tồi tệ hơn dự báo chúng tôi và cả thị trường. Chúng ta đang nói về mức giảm 5% đến 6%, điều này có thể khiến thị trường giảm gần 20% hoặc bước vào thị trường giá xuống", Binky Chadha, chiến lược gia toàn cầu tại Deutsche Bank, đánh giá.
Giá dầu Brent tăng 7,7% lên 104,56 USD mỗi thùng, vượt qua mức 100 USD lần đầu tiên kể từ năm 2014. Giá dầu WTI của Mỹ giao dịch cao hơn 7,2% quanh ngưỡng 100 USD, còn giá khí đốt tự nhiên tăng 5%.
Trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, lợi suất giảm do các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn. Động thái này đã đảo ngược đà tăng của lợi suất, vốn đã đạt mức hơn 2% với kỳ hạn 10 năm trong phiên giao dịch trước đó.
Vàng, một kênh "trú ẩn an toàn" khác, cũng tăng 3,2% lên 1.970 USD mỗi ounce. Chỉ số CBOE, thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, đã tăng vọt lên trên mức 37 vào thứ năm, gần chạm mức cao nhất kể từ đầu năm.
Không chỉ Phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng bị bán tháo mạnh khi mở cửa phiên 24/2, sau khi Nga biến cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài tại Ukraine thành một cuộc xung đột về quân sự.
Chỉ số European Stoxx 600 giảm 3,6% xuống mức thấp nhất trong năm. FTSE 100 của thị trường chứng khoán London (Anh), DAX Index của Sở giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức) cùng giảm gần 4%.
VanEck Russia ETF, một quỹ ETF chuyên đầu tư vào các công ty hàng đầu của Nga, đã giảm gần 16% trong phiên hôm nay.
"Trường hợp xấu nhất là Nga đổ bộ Ukraine bên ngoài các khu vực ly khai, điều này sẽ trở thành một cú sốc đối với thị trường chứng khoán và dầu mỏ", Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết. "Trước tình hình kinh tế không chắc chắn và ảnh hưởng tiêu cực như vậy, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất chỉ 25 điểm phần trăm vào tháng 3, nhưng nó vẫn sẽ tiếp tục".
Một đợt bán tháo với các cổ phiếu vốn hóa lớn tại các thị trường. Cổ phiếu của Apple đã giảm 4%, Bank of America và JPMorgan Chase mỗi mã mất hơn 4,5%, trong khi Tesla thấp hơn 5% so với tham chiếu..
Trong số ít cổ phiếu giữ được sắc xanh, năng lượng và các nhà sản xuất khí giới là hai nhóm chính. Exxon Mobil vượt trên tham chiếu. Cổ phiếu Lockheed Martin tăng 1,5%, còn Raytheon Technologies cũng giao dịch tích cực.
Trước đó, tại thị trường châu Á và đặc biệt tại Nga, sắc đỏ bao trùm. Các thị trường lớn châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều ghi nhận mức giảm mạnh. Chỉ số RTS của Nga có lúc giảm đến 49,93%, với vốn hóa thị trường ước tính "bốc hơi" 250 tỷ USD.
Tương tự chứng khoán, tiền số cũng rực lửa. Bitcoin giảm mạnh 6,5% xuống 35.200 USD khi nhà đầu tư rời xa các tài sản rủi ro.
"Các nhà đầu tư sẽ thấy còn các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ với Nga, và điều này sẽ làm chậm tăng trưởng, để lại áp lực tăng giá hàng hóa", Dennis DeBusschere của 22V Research nhận xét.
"Cuộc khủng hoảng này diễn ra trong bao lâu sẽ quyết định mức độ ảnh hưởng tới lạm phát, các điều kiện tài chính và tăng trưởng. Trong ngắn hạn, một đợt dịch chuyển đến các kênh đầu tư an toàn có nghĩa là lợi tức trái phiếu kho bạc giảm, kỳ vọng tăng lãi suất và tài sản rủi ro sẽ bị bán tháo".
Minh Sơn (theo CNBC)