Việc kinh tế tăng trưởng âm trong quý III khiến GDP cả năm tăng thấp hơn năm trước và đánh dấu mức thấp nhất một thập kỷ.
Sáng nay (29/12), Tổng cục Thống kê (GSO) họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021. Trong quý IV, kinh tế tăng trưởng 5,22%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm, GDP Việt Nam tăng 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây.
Cơ quan thống kê đánh giá, kết quả này do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III nhiều địa phương trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Dù vậy, GSO cho rằng đây vẫn là "một thành công lớn" trong việc vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì sản xuất kinh doanh.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp gần 14% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,8%, còn khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,2%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất của phần lớn cây trồng đạt khá so với năm trước, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số nông sản năm 2021 tăng cao góp phần duy trì nhịp tăng trưởng.
Trong tháng 12, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 668 tỷ USD, tăng 22,6%, trong đó xuất khẩu tăng 19%, nhập khẩu tăng 26,5%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,24%. Trong khi đó, ngành khai khoáng giảm 6,21% do sản lượng dầu mỏ thô khai thác giảm 5,7% và khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 19,4%.
Với ngành dịch vụ, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm trước, ngành vận tải kho bãi giảm hơn 5%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%.
Ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội đạt tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 42,75%, hoạt động tài chính - ngân hàng tăng 9,42%, ngành thông tin và truyền thông tăng gần 6%.
Giá xăng dầu, giá gas trong tháng 12 giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương là các nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,18% so với tháng trước.
Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Minh Sơn