Quốc Khánh - Bích Vân đầu tư hơn 350 triệu đồng để kinh doanh cà phê lưu động ở Đà Lạt, mang về doanh thu tới 30 triệu đồng mỗi tháng.
Tờ mờ sáng mỗi ngày, khi "thành phố ngàn hoa" vẫn chìm trong giấc ngủ, đôi vợ chồng 9x lái xe băng qua những con đường gập ghềnh và sương giăng để đến đồi cỏ hồng (Lạc Dương, Lâm Đồng) bán cà phê. Chiếc xe mở bán từ 4h30 sáng đến 9h phục vụ du khách chụp ảnh, sau đó tiếp tục di chuyển tới rừng thông ven hồ Tuyền Lâm bán lúc 9h45 đến 14h.
Từ tháng 6, khi dịch Covid-19 bùng phát, họ thuê một địa điểm ở khu vực Trại Mát, nơi nhiều du khách tới ngắm hoàng hôn và thung lũng đèn, đăng ký kinh doanh bán cố định. Cũng từ đây họ sống trên xe để trông quán và 2 lần thành phố giãn cách xã hội, họ về nhà ở gần điểm kinh doanh.
Sinh sống tại TP Đà Lạt và có sẵn niềm đam mê du lịch, vợ chồng Khánh - Vân làm hướng dẫn viên kiêm tổ chức tour khám phá trải nghiệm địa phương dành cho khách nước ngoài. Ngoài ra, họ kinh doanh một quán cà phê trong thành phố. Từ khi Covid-19 bùng phát khiến ngành du lịch, dịch vụ ảnh hưởng nặng nề và không còn khách quốc tế, cặp vợ chồng buộc phải thay đổi hình thức kinh doanh.
Sẵn có thế mạnh về cắm trại, kinh doanh cà phê và niềm yêu thích với xe cộ, những chuyến đi, họ quyết định làm "nhà di động" để vừa du lịch, vừa kinh doanh.
Họ mua xe tải van 5 chỗ TMT K05S, đời 2021, giá lăn bánh là 300 triệu đồng. Ở giai đoạn lên ý tưởng, đi ngược với cách làm thông thường là tham khảo xe sẵn có rồi chọn các chi tiết phù hợp, hai người lại vẽ bản thiết kế từ nhu cầu cá nhân. Trong đó, xe là một quầy pha chế và bếp lưu động, còn ngủ nghỉ, sinh hoạt, tiện nghi trong xe là yếu tố phụ.
Việc lên ý tưởng xe bắt đầu từ tháng 12/2020 nhưng đến tháng 2/2021 cặp đôi mới bắt đầu thực hiện được. Thời gian cải tạo xe là một tuần. Vật liệu chính cho nội thất xe là gỗ công nghiệp, với bề mặt chống nước tốt và dễ dàng lau sạch nhưng sau nửa năm sử dụng bị nở to vì ngấm nước khiến kẹt tủ. Trên xe cũng có đệm ngủ (kích thước 1,9x1,4 m), ngăn cách hoàn toàn với khu vực pha chế. Xe có pin tích điện dùng cho 5V, 12V, 220V, đủ để sử dụng trong 3 ngày 2 đêm và 60 lít nước sinh hoạt cùng một nhà vệ sinh công cộng.
Để phục vụ cho việc kinh doanh, chiếc xe có đầy đủ máy pha cà phê, bếp nhỏ gọn nhất. Ngoài ra là dụng cụ trang trí để khách hàng chụp ảnh theo nhiều bối cảnh khác nhau. Chi phí hoàn thiện chiếc xe là hơn 50 triệu đồng.
Do không thay đổi kết cấu hay khoan bắt cố định nên xe được phép lưu thông và mỗi 2 năm một lần đi đăng kiểm. Anh Khánh còn nhớ một kỷ niệm vui khi đang đi đường thì bị đội tuần tra giao thông yêu cầu dừng lại để kiểm tra khiến cả 2 thót tim vì không biết vi phạm gì. Nhưng rồi họ được cho phép đi ngay và nguyên nhân dừng xe là do xe có màu hồng, trắng quá "bánh bèo", lạ mắt.
"Vợ chồng mình cũng tặng anh công an vui tính một chai chè tự nấu và được anh khen xe đẹp, chè ngon nên mừng lắm", Khánh cười và nói.
Từ tháng 3, hai người chính thức bán cà phê lưu động trên chiếc xe. Hai ngày đầu tiên cũng là lúc diễn ra show diễn của ca sĩ Hà Anh Tuấn tại Đà Lạt nên họ dừng xe ngay trước cổng điểm biểu diễn. Sau đó họ hướng tới đối tượng khách là các đôi yêu nhau, thợ chụp ảnh khu vực đồi cỏ hồng và rừng thông. Hai người dựng thêm một lều che mưa, nắng và sắp xếp ghế chuyên dùng cho cắm trại xung quanh để khách nghỉ, dùng đồ uống.
Chiếc xe nhỏ, có màu sắc hợp với khung cảnh nên thơ của Đà Lạt nên thu hút nhiều du khách chụp ảnh và mua đồ uống. "Quán cà phê" lưu động này cũng dần trở nên thân thuộc với nhiều bạn trẻ ở Đà Lạt và xuất hiện trong nhiều bức ảnh check-in.
Khi dịch Covid-19 trở nên phức tạp ở nhiều địa phương và Đà Lạt quy định hàng quán chỉ bán mang đi, cặp đôi rời về Trại Mát để bán cố định, giảm tối thiểu chi phí vận hành. Lượng khách lúc này giảm đi rõ rệt, có ngày họ chỉ bán được 2 ly đồ uống. Đặc biệt trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội, họ cũng phải tạm đóng cửa, việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Từ khi bán hàng cố định, Khánh - Vân dường như chuyển lên sống trên xe, để tiện trông coi đồ dùng ở quán. Họ ngủ lại trong ngôi nhà di động, nấu ăn ngoài trời và chỉ thay phiên nhau về nhà để vệ sinh cá nhân. Cặp đôi chia sẻ họ không gặp nhiều bất tiện và khó khăn khi sống trên "nhà di động", thậm chí với tiết trời lạnh, mưa ẩm của Đà Lạt thì ở trên xe ấm áp và dễ chịu hơn là trong lều trại.
Hiện nay khi Đà Lạt cho phép hàng quán được phục vụ tại chỗ, xe cà phê mở bán từ 9h sáng đến 21h hàng ngày, vừa bán hàng vừa là điểm chụp ảnh, ngắm cảnh cho khách. Mặc dù chỉ phục vụ khách địa phương nhưng quán luôn trong tình trạng kín chỗ vào mỗi buổi chiều, khung giờ ngắm hoàng hôn. Doanh thu một tháng gần đây là 30 triệu đồng.
Làm chiếc xe để phục vụ cả mục đích đi du lịch nhưng vợ chồng Khánh, Vân mới tới Nha Trang (Khánh Hòa). Nhờ có chiếc xe, chuyến đi của họ cũng tiết kiệm chi phí hơn, đặc biệt là có thể di chuyển ở nhiều tuyến đường cũng như dừng lại nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân. Trong thời gian tới khi dịch bệnh được kiểm soát, hai vợ chồng đã thực hiện ước mơ được lái xe đi xuyên Việt, kết hợp bán cà phê trên đường đi.
Lan Hương
Ảnh: Nhân vật cung cấp